Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý thuế (15:22 21/04/2022)


HNP - Phát biểu tại sự kiện kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử áp dụng trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, ngành thuế hội tụ nhiều yếu tố để phải đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời, phải thay đổi căn bản phương thức quản lý thuế.

Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử


Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập sâu rộng, sâu sắc về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và các đột phá chiến lược. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó, nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tinh thần là chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng, do thời gian nguồn lực có hạn, nên phải có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, thuế là một ngành hội tụ nhiều yếu tố để phải đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
 
Thủ tướng Chính phủ phân tích, thuế là lĩnh vực quan trọng của tài chính quốc gia, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực này mang lại rất nhiều lợi ích trong công tác quản lý cũng như cho người dân, doanh nghiệp, không chỉ bảo đảm thu đúng, thu đủ, tiết giảm chi phí xã hội, mà còn tăng cường tính công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực... trong quá trình thu thuế.
 
Nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, công chức ngành thuế: "Thu thuế phải thu được lòng dân", Thủ tướng Chính phủ cho rằng lời căn dặn này đến nay vẫn còn nguyên giá trị và ngành thuế đã kế thừa, phát triển thành phương châm hành động "Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới".
 
Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế luôn nằm trong số những cơ quan đi đầu trong chuyển đổi số. Điều này đã tạo điều kiện để thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và góp phần giúp ngành thuế liên tục hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách hằng năm, đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó có thu đủ chi.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
 
Thủ tướng Chính phủ đặc biệt đánh giá cao nỗ lực triển khai hóa đơn điện tử của ngành tài chính với kế hoạch bài bản, khoa học theo 2 giai đoạn. Đây là công việc mới với khối lượng lớn, triển khai trong thời gian ngắn và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong việc thay đổi tư duy, phương thức quản lý, thực hiện. Nhưng ngành tài chính đã bám sát thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Kết quả bước đầu cho thấy việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử là "mũi tên trúng nhiều đích", góp phần thay đổi phương thức điều hành, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của người dân, doanh nghiệp theo hướng tích cực, hiện đại, tăng cường công khai minh bạch, phòng chống gian lận, tiêu cực, phát triển thương mại điện tử, giảm chi phí tuân thủ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phù hợp xu hướng quốc tế.
 
Đồng thời, thúc đẩy xây dựng, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu trọng yếu quốc gia, như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, đất đai… hướng tới xây dựng hệ sinh thái số; đổi mới công tác quản lý Nhà nước trên nhiều ngành, lĩnh vực; thúc đẩy phát triển chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
 
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ mong muốn ngành tài chính quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, khắc phục mọi khó khăn để tiếp tục phát triển ngành thuế lên một tầm cao mới. “Ngành thuế cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, bảo đảm việc kê khai thuế nộp thuế điện tử đơn giản và dễ dàng nhất; phấn đấu đến cuối năm 2022, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
 
Để thực hiện được các mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số quan điểm, định hướng, nhiệm vụ chính. Trong đó, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong lĩnh vực quản lý thuế. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số và vận động người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
 
Đồng thời, không trông chờ, ỷ lại, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Phát triển hạ tầng số trên cơ sở tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi, an toàn kê khai và nộp thuế điện tử, người dân và doanh nghiệp tự giác nộp thuế.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống hóa đơn điện tử để hình thành hệ sinh thái dịch vụ thuế thông minh và phải là 1 trong 4 trụ cột của hệ sinh thái tài chính số (gồm: Quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp; hải quan thông minh; kho bạc số "ba không"-  không có khách hàng trực tiếp giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ; chuyển đổi số mạnh mẽ thị trường chứng khoán).
 
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc triển khai hóa đơn điện tử phải bảo đảm dữ liệu chính xác, công khai, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh, an toàn; thông tin, dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, phân tích dữ liệu để phát hiện kịp thời hành vi gian lận gây thất thu thuế. Tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng hoá đơn điện tử đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử; mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh về hóa đơn điện tử.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t