Nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết KNTC trong tình hình mới (13:56 01/02/2017)


HNP - Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) nhiều nhất cả nước, bên cạnh đó, Thành phố còn là địa bàn tập trung các vụ việc KNTC của các tỉnh, thành phố lên cơ quan Trung ương nên tiềm ẩn rất nhiều vấn đề phức tạp. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong những năm qua, công tác này đã được nâng cao về chất lượng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định để Thủ đô phát triển.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải tiếp công dân tháng 12-2016


Những kết quả đáng ghi nhận
 
Thời gian qua, công tác tiếp dân và giải quyết KNTC trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết các vụ việc được nâng cao. Năm 2016, thành phố đã giải quyết 2.818/3.178 vụ KNTC, đạt tỷ lệ 88,7%. Nhiều vụ việc phức tạp, đông người liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, giao đất dịch vụ, đất giãn dân, công tác dồn điền, đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... được tập trung giải quyết dứt điểm theo đúng quy trình, với cách giải quyết có lý, có tình, tạo thống nhất cao trong nhân dân.
 
Theo Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn Dũng, bằng sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC đã có chuyển biến tích cực, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Từ năm 2012 đến nay, thành phố đã thụ lý hơn 10 nghìn vụ, tỷ lệ giải quyết trung bình hằng năm đạt 86%. Chất lượng giải quyết được nâng cao, tỷ lệ cải sửa giảm đáng kể, tỷ lệ công dân rút đơn khiếu nại, chấp hành quyết định hành chính tăng (năm 2016 là 13%, tăng 3% so với năm 2014 và tăng 9% so với năm 2013). Đáng chú ý, các vụ việc công dân khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa thì phần lớn Tòa đều bác yêu cầu khởi kiện, thống nhất với quyết định giải quyết KNTC của cơ quan hành chính. Điều đó cho thấy chất lượng giải quyết KNTC của các cấp đã được nâng lên.
 
Tuy nhiên, tại một số quận, huyện, số lượng đơn thư KNTC vẫn có chiều hướng gia tăng với những tình tiết phức tạp hơn. Nguyên nhân khách quan là do thiếu sự đồng bộ trong cơ chế; chính sách pháp luật liên quan đến giải quyết KNTC ở một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, thống nhất, nhiều văn bản có sự chồng chéo. Nguyên nhân chủ quan là do công tác tiếp công dân chưa đáp ứng được yêu cầu; việc giải quyết khiếu nại của một số đơn vị còn chậm so với quy định, chất lượng chưa cao. Đáng lưu ý, việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, các kết luận, quyết định xử lý tố cáo ở một số địa phương, đơn vị còn chậm, thiếu kiên quyết dẫn đến người KNTC phải đi lại nhiều lần, gây bức xúc, tiếp tục khiếu kiện, làm giảm lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền.
 
Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu
 
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác này, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, ngày 16/12/2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC trên địa bàn Hà Nội. Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách; phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Lấy hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác.
 
Theo Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn Dũng, trong tình hình hiện nay, trước yêu cầu và đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết KNTC, việc Thành ủy ban hành Chỉ thị 15 là hết sức cần thiết, thể hiện rõ sự quyết tâm của Thành ủy, không khoán trắng cho chính quyền hay các cơ quan chuyên môn. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC, Chánh Thanh tra Thành phố Nguyễn Văn Tuấn Dũng cho rằng, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 15 của Thành ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác này đối với sự phát triển, từ đó quyết tâm cao trong quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tập trung chỉ đạo, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền ngay tại cơ sở, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Giải quyết KNTC phải đạt mục tiêu giải quyết dứt điểm vụ việc chứ không chỉ giải quyết hết thẩm quyền.
 
Cùng với đó, phải coi trọng cả 2 yếu tố: Phòng ngừa KNTC phát sinh và khi đã phát sinh rồi thì phải giải quyết chính xác, kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong phòng ngừa KNTC, cần làm tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tăng cường công khai, minh bạch, nhất là trong GPMB, thu hồi đất hay xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi chợ dân sinh... chú trọng đối thoại, tiếp công dân để nắm tình hình, giải quyết kịp thời KNTC ngay tại cơ sở, từ khi mới phát sinh.
 
Chánh Thanh tra Thành phố cũng chia sẻ kinh nghiệm, trong giải quyết KNTC cần quan tâm, làm tốt công tác hòa giải cơ sở, phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm các quy định. Cùng với đó, thường xuyên rà soát các vụ KNTC tồn đọng, kéo dài để tập trung xử lý dứt điểm.
 
Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với các quận, huyện, thị xã vừa qua, chỉ đạo nội dung này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và lấy hiệu quả công tác này để đánh giá kết quả của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đồng chí đề nghị tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, làm tốt công tác tiếp công dân, nhân rộng những kinh nghiệm của các địa phương về đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với công dân. Việc giải quyết KNTC phải đúng quy trình, quy định, hết thẩm quyền và dứt điểm; đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Phát huy vai trò MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác này.
 
Cùng với ban hành Chỉ thị 15, Thành ủy Hà Nội đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn Thành phố do Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Ngày 6/1 vừa qua, Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ nhất để thông qua Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ thành viên và Kế hoạch công tác năm 2017. Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu khẩn trương rà soát trong toàn Thành phố những vụ việc khiếu kiện kéo dài để cuối tháng 2, chậm nhất là đầu tháng 3/2017, Ban Chỉ đạo sẽ nghe, xem xét lựa chọn một số vụ phức tạp cho ý kiến chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành dữ liệu xử lý đơn thư trên mạng nội bộ Thành phố để thống nhất chung công tác xử lý đơn thư, tránh trùng lặp, chồng chéo. Ngoài ra, trong quý II/2017, Ban Chỉ đạo sẽ đi kiểm tra công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC tại một số quận, huyện, thị ủy và một số sở, ngành Thành phố.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t