Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn tại huyện Đông Anh (09:52 12/07/2017)


HNP - Trong những năm qua nhờ đẩy mạnh tuyên truyền và mở lớp tập huấn về sản xuất rau an toàn nên người nông dân đã thay đổi nhận thức trong việc sản xuất rau sạch. Đến nay, cây rau ở Đông Anh không chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện mà còn vươn đi các quận, huyện khác trong thành phố, đặc biệt là các quận nội thành, đem lại thu nhập khá cao cho bà con nông dân.

Nông dân ở xã Liên Hà, Đông Anh liên kết sản xuất rau an toàn


Sản xuất rau an toàn đòi hỏi nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khép kín. Muốn thực hiện theo đúng quy trình trên, nông dân phải thực hiện bài bản từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, sau thu hoạch, tồn trữ và bảo quản. Ngoài ra, còn có những yếu tố liên quan đến sản xuất như: môi trường, các chất hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, bao bì đều phải tuân thủ quy trình "sạch".
 
Đặc biệt, để nông sản đạt được yêu cầu về an toàn, chất lượng và an toàn cho sức khỏe con người, không ảnh hưởng xấu đến môi trường và cộng đồng thì quan trọng nhất là làm thay đổi nhận thức của người sản xuất, bởi họ là chủ thể của sản xuất. Họ luôn luôn đứng trước nhiều khó khăn và luôn phải cân nhắc ứng xử ra sao để có thể sản xuất tốt hơn. Đặc biệt, sản xuất rau an toàn hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro về khí hậu thời tiết, rủi ro về thị trường ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất. 
 
Huyện Đông Anh là một huyện có truyền thống, thương hiệu và kinh nghiệm sản xuất rau an toàn từ lâu. Hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng diện tích rau trên 2.100ha, trong đó đã hình thành vùng rau an toàn và đang sản xuất là 745ha tập trung ở các xã trọng điểm như: xã Tiên Dương 250ha, Vân Nội 180ha, Nguyên Khê 120ha, Nam Hồng 70ha, Bắc Hồng 50ha… Trong đó, có 501ha đã được thành phố quy hoạch vào vùng sản xuất RAT tập trung. Đông Anh cũng là huyện đứng đầu thành phố về số cơ sở sản xuất và sơ chế rau an toàn với 37 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và 16 cơ sở đủ điều kiện sơ chế rau an toàn.
 
Trong những năm qua huyện Đông Anh cũng tích cực phối hợp với Chi cục BVTV Hà Nội tổ chức nhiều buổi tập huấn về sử dụng thuốc BVTV góp phần nâng cao năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng của sản phẩm cũng như đảm bảo sản xuất sản phẩm nông sản an toàn. Như tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) người trồng rau đã được nâng cao nhận thức về việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, được thực hành cách chọn những loại thuốc BVTV sao cho đúng bệnh và đúng thời gian sinh trưởng của cây trồng. Người dân được hướng dẫn các quy trình xử lý đất không phải sử dụng thuốc BVTV, thu gom vỏ thuốc BVTV để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và môi trường xung quanh. Đặc biệt, xã cùng trạm BVTV tập huấn cho bà con làm quen với chương trình ghi nhật ký theo dõi đồng ruộng, dần làm quen với thói quen truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
 
Tương tự, xã Vân Nội mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 100.000 tấn rau an toàn. Toàn xã Vân Nội hiện có 127ha rau an toàn với 16 HTX, công ty tham gia hoạt động tiêu thụ rau an toàn, sản lượng trung bình 50 tấn/ngày. Sản phẩm được bán chủ yếu qua các kênh siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp. Với giá trị sản xuất đạt trung bình từ 400 - 500 triệu/ha/năm, rau an toàn đã giúp người dân Vân Nội nâng cao đời sống. Theo số liệu tổng hợp của Chi cục BVTV Hà Nội, có hơn 70% số hộ trên địa bàn xã Vân Nội tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Việc sử dụng phân hữu cơ và các loại thuốc BVTV cũng được các hộ dân nghiêm túc thực hiện. Đặc biệt là sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học vào giai đoạn sắp thu hoạch, đảm bảo thời gian cách ly. Bên cạnh việc áp dụng triệt để mô hình khung sắt, vòm ni lông và lưới che phủ… nhằm hạn chế thiệt hại về khí hậu, thời tiết, cũng như sâu bệnh hại thì những năm gần đây, thì việc cải tạo đất bằng các phương pháp hữu cơ như: sử dụng phân gà ủ hoai bằng vôi và nước, nông dân ở đây còn luân canh 1 vụ lúa nhằm cải tạo đất. 
 
Cùng với đó, thì việc thành lập mới các HTX chuyên rau ở xã, quản lý từ sản xuất đến tiêu thụ rau. Để giữ thương hiệu "Rau an toàn" thì lãnh đạo xã luôn tuyên truyền, quán triệt quy trình sản xuất an toàn tới bà con trong xã. Phát các quy trình hướng dẫn sản xuất rau an toàn đến tận từng hộ dân. Tất cả tạo nên một dư luận xã hội rộng rãi nhắc nhở mọi người sản xuất và sử dụng sản phẩm rau an toàn.
 
Đánh giá về chất lượng rau an toàn trên địa bàn huyện Đông Anh nói riêng và thành phố nói chung, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết: đối với các loại rau trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay cơ bản là an toàn, trong 50ha chi cục lấy 1 mẫu lấy xét nghiệm thì chỉ có thì chỉ có 1% đến 2% số mẫu là vượt giới hạn tối đa cho phép về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật để phòng chống, ngăn chặn việc sử dụng các loại thuốc BVTV độc hại, thuốc ngoài danh mục, hoặc sử dụng tràn lan, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát. 
 
Để rau an toàn thực sự có chỗ đứng trên thị trường không chỉ những người sản xuất rau cần đảm bảo đúng quy trình sản xuất rau an toàn để có những sản phẩm rau đạt chất lượng mà người tiêu dùng cũng phải nhận thức, bài trừ những sản phẩm rau không an toàn, hãy cùng lên án và tẩy chay những sản phẩm không đạt chất lượng, hay cửa hàng bán những sản phẩm không đúng cam kết. Có như vậy, nhu cầu về rau an toàn mới cao, thúc đẩy nông dân sản xuất nhiều sản phẩm rau an toàn.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t