Người nghệ nhân lưu giữ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống (10:04 23/05/2018)


HNP - Đam mê nghệ thuật điêu khắc dân gian từ nhỏ, hơn 20 năm nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Tân (thôn Nhân Hiền - Xã Hiền Giang - huyện Thường Tín) đã miệt mài lao động, sáng tạo ra hàng trăm bức tượng Phật đủ các loại mang đặc trưng đậm nét văn hóa dân gian của người Việt. Đồng thời, ông còn được biết đến như một người Thầy truyền nghề tận tụy đối với những lớp học trò trong làng.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tân đang hoàn thành tác phẩm của mình


Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tân, năm 1978, khi học hết cấp II, ông được vào học nghề tại HTX điêu khắc thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín. Bắt đầu từ khi đó, ông được dạy vẽ, nặn đất, chạm khắc gỗ, ông luôn chăm chỉ, chịu khó học hỏi, trau dồi kỹ năng nghề, dần nâng cao trình độ kỹ năng tinh xảo nghề nghiệp và sáng tạo ra sản phẩm có chất lượng. Đến năm 1980, ông là xã viên chính thức của HTX điêu khắc thôn Nhân Hiền. Đến tháng 8/1980, ông lên đường làm nghĩa vụ quân sự vào Trung đoàn 40, Quân đoàn 3, được lên bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong thời gian tại ngũ, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tháng 8/1984, ông được xuất ngũ về địa phương và tiếp tục được vào HTX điêu khắc Nhân Hiền. Tại HTX, ông được phân công vào tổ kỹ thuật chuyên sáng tác mẫu và phụ trách kỹ thuật. Đến năm 1990, sau khi nhà nước có chủ trương bỏ chế độ bao cấp, HTX phải giải thể, ông Tân lập xưởng riêng và giúp đỡ 10 anh em của HTX về nhà để sản xuất. Từ đó đến nay, ông luôn phát huy được khả năng và năng lực của mình, phát triển kinh tế gia đình và dạy nghề cho nhiều anh em làng xóm, trong đó, có con em hộ nghèo và con em Cựu chiến binh xin vào làm tại xưởng. Xưởng của nghệ nhân đã sản xuất ra các sản phẩm tượng gỗ nhiều loại được cung cấp ra thị trường tiêu thụ, đặc biệt là chùa ở Hà Nội và các tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài.

Một tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Văn Tân

Điều đặc biệt ở người nghệ nhân này là đã mang hết tâm huyết của mình để truyền nghề cho con em trong thôn. Năm 2007, nghệ nhân có tham gia làm giảng viên dạy lớp nâng cao tay nghề điêu khắc cho 40 học viên do UBND xã tổ chức. Năm 2008, ông tham gia làm giảng viên dạy lớp nâng cao tay nghề điêu khắc cho 55 học viên do Đoàn xã tổ chức. Hiện, các học viên nâng cao tay nghề đang là thợ giỏi của thôn Nhân Hiền. Bên cạnh đó, ông đã đào tạo tại xưởng được 55 người trở thành thợ lành nghề. Trong số này, có thợ giỏi xin đã tự mở xưởng riêng, như anh: Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Tuấn. Bên cạnh việc truyền nghề, nghệ nhân cũng đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo của địa phương như ủng hộ quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ Ngày vì người nghèo, quỹ Trẻ em...

Chia sẻ về kỹ năng nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Tân cho biết, từ một phôi gỗ phác thảo hình dáng pho tượng, sau khi đã tạo được dáng lên gỗ thì bắt đầu dùng cưa để cắt phần thừa của gỗ, sau đó đến phần dồn phần bỏ đi từng phần tới phần diện làm ra khuôn mặt rồi đến tay, chân, tiếp tục làm chi tiết của tượng. Sau đó lấy dây dọi để dọi tâm của pho tượng, của khuôn mặt, bắt đầu làm diện khuôn mặt, nếu là tượng Phật ông thì khuôn mặt đầy đặn, nếu là Phật bà thì phải trái xoan, khi làm diện của pho tượng thì người thợ vừa làm vừa giải lao, ngắm tượng và thổi hồn vào pho tượng, toát lên vẻ đẹp của pho tượng. Nếu là tượng Phật khi mở mắt tượng, thì mắt phải nhìn xuống, tỏ vẻ từ bi phổ độ chúng sinh để cho tượng được đẹp, ngoài hình khối cân đối và quan trọng nhất là khuôn diện của tượng và bàn tay, bàn chân phải đẹp, thì pho tượng mới được hoàn thành.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tân nhận giải nghệ nhân Hà Nội

Các sản phẩm tiêu biểu của nghệ nhân như Bộ tượng thất phật, Tượng a di đà, Tượng dược sư, Tượng Văn thù Phổ Hiền, Tượng tổ, Tượng Chuẩn Đề, Tượng Quân Âm, Tượng tiên đồng, Tượng Ngọc nữ, Tượng Tam Thánh, Tượng phật Bà Quan Âm ngồi... Các sản phẩm của nghệ nhân đã có mặt tại rất nhiều tỉnh thành trên cả nước, và cả nước ngoài. Đồng thời, nghệ nhân cũng tâm sự “tôi đã dành rất nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu từ các tài liệu liên quan đến mỹ thuật, kỹ thuật chạm khắc đá của các nghệ nhân trong và ngoài nước. Để lên mẫu, tôi thậm chí còn phải đi thực tế ở những công trình, đền chùa trên khắp cả nước để xem những con rồng, hoa sen, con hổ, long, lân, quy, phượng… hay các chi tiết cổ được chạm khắc như thế nào để từ đó học hỏi”.

Với tâm huyết bảo tồn và xây dựng nghề truyền thống của cha ông, cùng với những sản phẩm chất lượng có giá trị đã được khẳng định qua thời gian, gia đình nghệ nhân đã được nhận Bằng khen gia đình văn hóa tiêu biểu thành phố Hà Nội năm 2009; Danh hiệu người tốt, việc tốt tiêu biểu 2016; Hội viên Hội CCB xuất sắc xã Hiền Giang năm 2017; đặc biệt là danh hiệu Nghệ nhân Thủ đô năm 2017.


Trường Giang


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t