Kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND Thành phố từ ngày 16-23/3/2020 (16:50 24/03/2020)


HNP - Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật của UBND Thành phố, từ ngày 16-23/3/2020 như sau:

Thành lập 4 khu cách ly tập trung với 11.600 chỗ lưu trú để phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố

Xét đề nghị của Sở Y tế, tuần qua, UBND Thành phố đã phê duyệt các Quyết định thành lập 4 khu cách ly tập trung phòng chống bệnh Covid-19 với quy mô tiếp nhận 11.600 chỗ lưu trú tại các địa điểm sau: (1) Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai: tại tòa nhà A1 gồm 19 tầng nổi, 01 tầng hầm, tổng số: 252 phòng, quy mô: 2.000 chỗ lưu trú dành cho cách ly tập trung. Triển khai tiếp nhận các đối tượng vào cách ly từ ngày 19/3/2020 cho đến khi kết thúc dịch; đồng thời, bổ sung Đơn nguyên 1, tòa nhà A1 vào khu cách ly tập trung phòng, chống bệnh Covid-19 tại khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, bao gồm 19 tầng nổi, 01 tầng hầm, tổng số 252 phòng, quy mô 2.000 chỗ lưu trú. (2) Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, bố trí 80 phòng làm khu cách ly tương đương sức chứa 800 người, 16 phòng bố trí làm phòng cách ly y tế khi có triệu chứng hô hấp và khám bệnh hàng ngày. Triển khai tiếp nhận các đối tượng vào cách ly từ ngày 20/3/2020 cho đến khi kết thúc dịch. (3) Khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, bao gồm 3 đơn nguyên - 840 phòng, quy mô: 4.800 chỗ lưu trú. Triển khai tiếp nhận các đối tượng vào cách ly từ ngày 19/3/2020 cho đến khi kết thúc dịch. (4) Trường đại học FPT tại khu GD&ĐT, KCN cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, bao gồm 4 đơn nguyên cao 5 tầng, quy mô: 2.000 chỗ lưu trú. Triển khai tiếp nhận các đối tượng vào cách ly từ ngày 23/3/2020 cho đến khi kết thúc dịch.

UBND Thành phố quy định các khu cách ly tập trung có nhiệm vụ: tổ chức cách ly cho những đối tượng cách ly tại Quyết định số 878/QĐ-BYT, ngày 12/3/2020, của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19”; đảm bảo cơ sở vật chất cho công tác cách ly người từ vùng có dịch về hoặc người có yếu tố dịch tễ cần phải cách ly y tế theo Hướng dẫn tại Quyết định số 878/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Các sở, ngành, đơn vị liên quan đảm bảo công tác thành lập và vận hành khu cách ly, thời gian triển khai thực hiện theo đúng quy định. Vướng mắc phát sinh báo cáo kịp thời Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Thành phố quyết định. Khu cách ly tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Triển khai khẩn cấp cải tạo cơ sở cũ của Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh để khám và điều trị Covid-19

Xét đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố đã phê duyệt Quyết định số 1126/QĐ-UBND, ngày 19/3/2020, về việc giao nhiệm vụ triển khai dự án đầu tư công khẩn cấp cải tạo cơ sở cũ của Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh để khám và điều trị Covid-19 theo hình thức cải tạo, xây mới, với mục tiêu: ĐTXD công trình có yêu cầu triển khai khẩn cấp nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19 nhằm tránh gây thảm họa trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe và tài sản cộng đồng. Chủ đầu tư: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố Hà Nội. Phạm vi thực hiện: tại cơ sở cũ của BVĐK huyện Mê Linh, khu đất trước đây Thành phố dự kiến xây dựng bệnh viện 1000 giường Mê Linh, tại thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, có diện tích khoảng 11,8ha, bao gồm 01 khối nhà 4 tầng diện tích 2.957 m2 và 01 khối nhà 3 tầng diện tích 1.150 m2, 01 nhà trạm biến áp.

UBND Thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội Thành phố khảo sát, lập báo cáo đề xuất dự án, gửi Sở Xây dựng tổ chức thẩm định, trình Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt dự án; tổ chức thực hiện Dự án đúng quy định pháp luật về dự án đầu tư công khẩn cấp. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND Thành phố, báo cáo Thường trực HĐND Thành phố việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách năm 2020 để bố trí thực hiện Dự án; tổng hợp bổ sung Dự án vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 để Chủ tịch UBND Thành phố báo cáo HĐND Thành phố việc thực hiện dự án tại kỳ họp gần nhất theo quy định tại Điều 42 Luật Đầu tư công năm 2019. Sở Y tế chịu trách nhiệm về việc xác định tình huống khẩn cấp đầu tư dự án Cải tạo cơ sở cũ của Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh để khám và điều trị Covid-19. Thuyết minh nhu cầu về quy mô đầu tư của Bệnh viện đa khoa Mê Linh cơ sở 2 đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong điều kiện khẩn cấp, làm cơ sở để tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án đảm bảo hiệu quả đầu tư tối ưu trong tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Quy định chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19

Để tập trung triển khai công tác phòng chống dịch Covid, tại Quyết định số 1137/QĐ-UBND, ngày 20/3/2020, UBND Thành phố phê duyệt Quyết định quy định chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp. Trường hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã bố trí kinh phí, ngân sách Thành phố sẽ không thanh toán, tránh trùng lặp. Cụ thể như sau:

(1) Các chế độ đối với người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế:

- Về hỗ trợ tiền ăn 100.000 đồng/ngày/người trong thời gian cách ly y tế; đối tượng: người Việt Nam và người nước ngoài bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại khu vực phong tỏa cách ly do BCĐ phòng chống dịch Covid-19 các cấp ra quyết định, tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung. Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế có yêu cầu bữa ăn riêng theo nhu cầu của mình nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở, địa phương thực hiện cách ly y tế thì phải tự chi trả phần chi phí tăng thêm (nếu có).

- Về các vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của những người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế trong thời gian cách ly y tế: theo quy định chung của Thành phố. Sau khi Bộ Y tế ban hành vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của những người bị cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế trong thời gian cách ly y tế: thực hiện theo định mức của Bộ Y tế ban hành

(2) Các chế độ đối với người tham gia chống dịch:

- Chế độ phụ cấp chống dịch: 200.000 đồng/ngày/người. Nếu tham gia chống dịch vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên. Nếu tham gia chống dịch vào ngày lễ, tết thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.

- Chế độ hỗ trợ tiền ăn: 100.000 đồng/ngày/người. Đối tượng: người trực tiếp tham gia khám, chẩn đoán, điều trị người mắc dịch bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh. Cán bộ, lao động tham gia thực hiện khoanh vùng, phong tỏa cách ly khu vực có dịch Covid-19 ở từng mức độ theo cấp xã, huyện, tỉnh do BCĐ phòng chống dịch Covid-19 các cấp ra quyết định.

- Chế độ phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ: 130.000 đồng/ngày/người, áp dụng cho tất cả các loại dịch; vào ngày nghỉ hằng tuần bằng 1,3 lần mức phụ cấp thường trực vào ngày thường; vào ngày lễ, tết bằng 1,8 lần mức phụ cấp thường trực vào ngày thường (áp dụng cho các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ thường trực chống dịch 24/24 giờ).

- Chế độ đối với cộng tác viên tham gia chống dịch trong thời gian có dịch: mức 130.000 đồng/ngày/người đối với CTV, tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch Covid-19. Mức 80.000 đồng/ngày/người đối CTV, tình nguyện viên trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập.

UBND Thành phố giao Sở Y tế, Sở LĐTB&XH, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, tổng hợp nhu cầu kinh phí để thực hiện các chế độ, báo cáo UBND Thành phố. UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ động cân đối, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cập nhật danh mục, địa chỉ các cơ sở bán lẻ lên ứng dụng Hà Nội SmartCity để người dân nắm rõ các điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu

Ngày 19/3/2020, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã chủ trì làm việc với các doanh nghiệp về công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sau khi nghe báo cáo của Sở Công thương, ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp và đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND Thành phố kết luận, chỉ đạo như sau:

1. UBND Thành phố trân trọng cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao sự chấp hành nghiêm túc của các doanh nghiệp đối với các chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố Hà Nội trong công tác dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu đến người tiêu dùng thời gian qua; góp phần xử lý, khắc phục kịp thời tình trạng khan hàng, tăng giá mang tính thời điểm tại một số nơi, đảm bảo bình ổn thị trường và tâm lý nhân dân trong giai đoạn đầu phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

2. Phát huy những kinh nghiệm và kết quả đã đạt được, để chủ động ứng phó  và thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn nhiều khó khăn và nguy cơ tới đây, UBND Thành phố đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng các Sở ngành và chính quyền các cấp trong công tác xây dựng kế hoạch, nguồn hàng, tổ chức và triển khai công tác dự trữ, cung ứng hàng hóa đảm bảo phục vụ đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu có chất lượng và giá cả ổn định đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực rà soát, đầu tư lắp đặt các trang thiết bị, công cụ đo thân nhiệt, sát trùng khử khuẩn..., tổ chức sắp xếp, phân luồng, bố trí khu vực quầy thanh toán và thực hiện công tác vệ sinh đảm bảo an toàn; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động, dịch vụ thương mại điện tử để phòng chống nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

3. Đối với các kiến nghị của doanh nghiệp, UBND Thành phố giao:

-  Sở Giao thông Vận tải phối hợp Công an Thành phố kịp thời giải quyết cấp phép cho xe vận tải của các doanh nghiệp lưu thông trong nội thành vận chuyển hàng hóa thiết yếu tới các cơ sở bán lẻ trực thuộc 24/24h/7 ngày trong thời gian tới theo danh sách do Sở Công Thương tổng hợp, đề xuất.

- Sở Y tế chỉ đạo Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã cử ngay cán bộ xuống cơ sở để phổ biến, hướng dẫn các trung tâm thương mại, siêu thị… trên địa bàn thực hiện tốt công việc, biện pháp phòng ngừa, khử trùng tiêu độc, đảm bảo vệ sinh phòng chống dịch bệnh Covid-19.

- Sở Công Thương: Tổng hợp các doanh nghiệp có nhu cầu giới thiệu, cập nhật danh mục, địa chỉ các cơ sở bán lẻ trực thuộc lên ứng dụng Hà Nội SmartCity để thông tin đến người dân nắm được các địa điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Thành phố gửi về Văn phòng UBND Thành phố (Trung tâm Tin học Công báo).

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các khó khăn, vướng mắc về vốn, cơ chế chính sách tài chính… để hướng dẫn và báo cáo đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết theo quy định.

- Sở Nội vụ (Ban Thi đua khen thưởng Thành phố) phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đề xuất UBND Thành phố khen thưởng các đơn vị có đóng góp tích cực trong công tác dự trữ, cung ứng hàng hóa đảm bảo bình ổn thị trường và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.

Khẩn trương rà soát, cách ly người nhập cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 chưa qua cách ly, từ ngày 07/3/2020 đến nay

Thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngày 17/3/2020; văn bản số 1440/CV-BCĐ, ngày 20/3/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 về việc tổ chức cách ly người nhập cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19, UBND Thành phố ban hành văn bản số 948/UBND-KGVX về việc tổ chức rà soát, cách ly người nhập cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 chưa qua cách ly, từ ngày 07/3/2020 đến nay.

Theo đó, để đảm bảo ngăn chặn nguồn lây lan dịch bệnh, hạn chế tối đa số mắc và tử vong do dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Giám đốc Công an thành phố, Sở Y tế chỉ đạo cơ quan công an, y tế, UBND các xã, phường, thị trấn rà soát lập danh sách tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam chưa qua cách ly tập trung, đang cư trú trên địa bàn, từ ngày 7-3-2020 đến nay, để tổ chức giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly theo quy định.

Thành lập các tổ công tác tại cơ sở tổ chức "vào từng ngõ, gõ từng nhà", các cơ sở lưu trú, rà từng đối tượng, lập danh sách những người nhập cảnh vào Việt Nam từ 07/3/2020 đến nay để thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly theo quy định. Trong quá trình rà soát, lập danh sách, nếu phát hiện trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về có biểu hiện ho, sốt, khó thở thì chuyển ngay tới Bệnh viện của Thành phố theo hướng dẫn của ngành y tế.

Tổ chức cách ly tại nhà và nơi cư trú đối với đối tượng trên theo quy định. Phối hợp với cơ quan y tế tổ chức xét nghiệm, sàng lọc và xử lý như sau: Đối với trường hợp dương tính chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - Đông Anh để điều trị, đồng thời, tổ chức các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định; tiến hành rà soát các đối tượng tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2) để tổ chức cách ly theo quy định; Đối với trường hợp âm tính thì tiếp tục cách ly tại nhà, nơi cư trú đến hết thời gian 14 ngày theo quy định.

Thời gian hoàn thành các nhiệm vụ chậm nhất trước ngày 25/3/2020.

Bãi bỏ 10 quy trình nội bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông Vận tải

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành Quyết định số 1141/QĐ-UBND ngày 23/3/2020 phê duyệt:

- 3 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), bao gồm: (1) Cấp lại Giấy phép kinh doanh đối với trường hợp Giấy phép bị hư hỏng, hết hạn, bị mất hoặc có sự thay đổi liên quan đến nội dung của Giấy phép. (2) Quy trình Dự học, thi, kiểm tra để được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn. (3) Quy trình Cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn.

- Bãi bỏ 10 quy trình nội bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông Vận tải tại Quyết định số 5252/QĐ-UBND ngày 20/9/2019 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội .

Giao Văn phòng UBND Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định này xây dựng quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính tại phần mềm của Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Thành phố theo quy định.

Khẩn trương rà soát, báo cáo công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố

Ngày 20/3/2020, UBND Thành phố ban hành Thông báo kết luận của Tập thể UBND Thành phố về công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố. Theo đó, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện lại báo cáo trên tinh thần thực hiện kế hoạch và kích cầu, giảm giá thành. Trong đó tập trung rà soát tổng hợp danh mục các ô đất 20%, 25% dành để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại đã được GPMB, các dự án nhà đầu tư đề xuất chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để thực hiện ngay trong thời gian tới; phương án ĐTXD, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện từng dự án, báo cáo UBND Thành phố.

Lãnh đạo UBND Thành phố tiếp 32 lượt (65 công dân) tháng 03/2020

Ngày 17/03/2020, tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố, lãnh đạo UBND Thành phố đã chủ trì tiếp công dân định kỳ tháng 03 năm 2020 theo quy định của Luật Tiếp công dân. Kết thúc ngày làm việc, các đồng chí chủ trì đã tiếp 32 lượt (65 người) là công dân các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Hà Đông, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Oai, Thạch Thất, Phú Xuyên, Thường Tín và Hoài Đức; có 02 đoàn khiếu kiện đông người: đoàn 15 công dân thôn Thượng, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai và đoàn 15 công dân dân thôn Giữa, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai; tiếp nhận 53 đơn.

Căn cứ nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân, các đồng chí chủ trì buổi tiếp yêu cầu giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã: tập trung xem xét, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo đúng thẩm quyền, trình tự quy định của pháp luật và ý kiến kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo UBND Thành phố (có văn bản chỉ đạo riêng đối với từng vụ việc). Đối với các vụ khiếu kiện đông người, cần tập trung rà soát, tổ chức tiếp, đối thoại với công dân, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, không để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị vượt cấp, kéo dài; kiểm tra, rà soát giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng; đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương. Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo kết quả giải quyết các vụ việc đã có ý kiến kết luận, chỉ đạo của Lãnh đạo UBND Thành phố tại các buổi tiếp công dân định kỳ hàng tháng theo quy định.

Giao Ban Tiếp công dân Thành phố tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện, tổng hợp kết quả giải quyết, báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố để phục vụ buổi tiếp công dân của Lãnh đạo UBND Thành phố vào thứ Ba, tuần 3, ngày 21/4/2020.


Văn phòng UBND TP


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t