Đánh giá thực tiễn hơn để lập quy hoạch khu công nghiệp Thủ đô (19:24 29/12/2022)


HNP - Ngày 29/12, tại Cung tri thức Thành phố (số 1 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy), Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô, tiếp tục tổ chức Hội thảo về phương án quy hoạch và giải pháp phát triển các khu công nghiệp (KCN) Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.   

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội điều hành Hội thảo


Đây là hoạt động lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở, ngành Thành phố nhằm hoàn thiện nội dung thông tin liên quan đến các KCN Thủ đô, phục vụ công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu Ban chỉ đạo lập Quy hoạch Thủ đô; các thành viên Tiểu Ban chỉ đạo lập Quy hoạch Thủ đô; đại diện các Sở: Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Cục Thống kê thành phố Hà Nội; thành viên Tổ thường trực Lập Quy hoạch Thủ đô cùng các chuyên gia và nhà khoa học.
 
Kiến nghị bổ sung 24 KCN với tổng diện tích hơn 5.800 ha
 
Mở đầu buổi làm việc, thông tin tóm tắt về nội dung báo cáo phục vụ công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội của Ban quản lý các KCN và khu chế xuất Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có 10 KCN đã thành lập và đi vào hoạt động, với tổng diện tích trên 1.300 ha. Trong số này có 9 KCN đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy gần 100% và 1 khu đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đang tích cực thu hút đầu tư. Cũng trong 10 KCN có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động và đang tiến hành xây dựng với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở; đã hoàn thành được 8.388 chỗ và bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ.
 
Qua rà soát 14 KCN với tổng diện tích trên 2.800 ha do không đủ điều kiện để xem xét phát triển thành KCN và không phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, không có trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch chung xây dựng huyện nên Ban quản lý các KCN và khu chế xuất Hà Nội đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch. 
 
Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng các KCN đang hoạt động và định hướng phát triển hệ thống KCN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn kết với hệ thống, mạng lưới giao thông theo quy hoạch Thủ đô, vị trí, định hướng quy hoạch, xây dựng các KCN cơ bản được bố trí tiếp cận theo các tuyến đường Vành đai (2,3 và Vành đai liên vùng 4, 5), các trục đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm (1,2, 3,5, 6), Đại lộ Thăng Long, các trục đường phát triển kinh tế (Bắc - Nam, Cienco 5, Đỗ Xá - Quan Sơn) và các sân bay, cảng sông Hồng. 
 
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Ban Quản lý cũng kiến nghị cập nhật, bổ sung vào phương án phát triển hệ thống các KCN, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng số 24 KCN, có tổng diện tích trên 5.800 ha; phát triển nhà ở công nhân và thiết chế văn hoá-xã hội phục vụ công nhân lao động tại các KCN… 
 
KCN Thủ đô không thể tách rời KCN vùng Hà Nội
 
Với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Sỹ Động, nguyên Trưởng Ban các ngành sản xuất Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng định hướng, mô hình phát triển KCN Thủ đô Hà Nội được nêu ra trong báo cáo của Ban quản lý các KCN và khu chế xuất Hà Nội phù hợp. Tuy nhiên, định hướng này cần dựa trên bài học và kinh nghiệm phát triển KCN trong nước và hình thức phát triển cụm tương hỗ khu vực và quốc tế. 
 
Tiến sĩ Hoàng Sỹ Động cũng cho rằng các nội dung đánh giá hoạt động của KCN Thủ đô như mục tiêu thành lập, diện tích bình quân, số lượng, chất lượng lao động, doanh nghiệp tham gia và trình độ quản trị, công nghệ sản xuất, kinh doanh trong KCN của Ban quản lý KCN và khu chế xuất Hà Nội còn thiếu tính thực tiễn, cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu quy hoạch Thủ đô trong bối cảnh phức tạp hiện nay và tương lai.
 
Tiến sĩ Hoàng Sỹ Động đóng góp ý kiến tại Hội thảo
 
Với quan điểm đồng tình, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Kim Chung, Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng phương án quy hoạch các KCN Thủ đô phải giải quyết theo bài toán mở, có nghĩa Hà Nội phải kết nối với Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng. Việc phân bổ và lựa chọn KCN trong giai đoạn tới phải dựa trên phân bổ địa bàn của Thủ đô Hà Nội với các khu vực hành chính, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… chứ không còn tư duy các KCN sẽ nằm bao quanh Hà Nội.  
 
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam gợi ý định hướng phát triển và  phương án quy hoạch KCN Hà Nội cần tuân thủ Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã xác định 6 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó, có phát triển kinh tế đô thị, chú trọng dịch vụ - công nghiệp tiên tiến; nhân rộng các mô hình khu kinh tế  tập trung, KCN sinh thái, KCN đô thị - dịch vụ
 
Tại Hội thảo, bên cạnh nhiều tham luận chuyên sâu của các chuyên gia trong lĩnh vực, đại diện Sở Xây dựng, Cục Thống kê Thành phố cũng đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện báo cáo của Ban quản lý các KCN và khu chế xuất Hà Nội. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, Ban Quản lý cần bổ sung các thông số về người lao động trực tiếp, gián tiếp làm việc trong các KCN và các nhu cầu liên quan đến nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sẽ tăng theo. Bởi trong giai đoạn tới, tỷ lệ đô thị hoá tăng đáng kể sẽ tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu dân cư từ nông nghiệp sang đô thị và KCN. 
 
Còn theo đại diện Cục Thống kê Thành phố, thực trạng thu hút dự án của các KCN, các giá trị mang lại cho nền kinh tế -xã hội như kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách, doanh thu, giá trị gia tăng các dự án đạt được là những thông tin cần làm rõ… Đại diện Cục viện dẫn số liệu trong 10 KCN đang hoạt động, số dự án đầu tư nước ngoài là hơn 300 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 6,1 tỷ USD (chiếm 89%). Số dự án trong nước gần tương đương, xấp xỉ 400 dự án nhưng tổng số vốn có sự chênh lệch lớn, chỉ đạt 18.000 tỷ đồng (chiếm 11%). Trên cơ sở đó, Cục đề xuất định hướng phát triển và quy hoạch KCN Hà Nội cần hướng đến thu hút dự án tạo ra giá trị cao, đóng góp lớn cho tổng sản phẩm trên địa bàn như: điện, điện tử, dược phẩm, cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin… 
 
Phát biểu kết luận Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động đầu tiên được tổ chức nhằm bàn thảo và tập hợp những vấn đề mang tính gợi mở về phương án quy hoạch và giải pháp phát triển KCN Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban Quản lý các KCN và khu chế xuất Thành phố tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện nội dung báo cáo phục vụ công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Những vấn đề cần có sự trao đổi, bàn bạn kỹ lưỡng sẽ tiếp tục được làm rõ trong các buổi làm việc tới đây.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t