Phối hợp quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh: Ngăn chặn, xử lý vi phạm kịp thời, hiệu quả (15:51 30/10/2019)


HNP - Quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng và lâm sản giữa các tỉnh giáp ranh với thành phố Hà Nội thời gian qua, tạo thuận lợi để lực lượng Kiểm lâm phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ rừng, tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở ngăn chặn, xử lý vi phạm kịp thời, hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện quản lý bảo vệ rừng bền vững. Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.

Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và các tỉnh giáp ranh ký Quy chế quản lý bảo vệ rừng và lâm sản


- Xin ông cho biết công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng và lâm sản giữa các tỉnh giáp ranh với thành phố Hà Nội thời gian qua theo cơ chế nào?

- Thành phố Hà Nội có tổng số diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng hơn 27.159ha, địa giới hành chính giáp với các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Từ năm 2013, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên đã phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh. Qua đó, đã giảm đáng kể số vụ cháy rừng, thiệt hại do cháy rừng, phá rừng.

Trước tình trạng buôn bán lâm sản và động vật hoang dã diễn biến có nhiều phức tạp ở nhiều địa phương, được sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2018, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tổ chức hội nghị phối hợp thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, quản lý kinh doanh và chế biến lâm sản với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Trên cơ sở Quy chế phối hợp, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch hành động thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và lâm sản vùng giáp ranh; thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng, xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý bảo vệ rừng, khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép... Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn kịp thời hiện tượng xâm canh, xâm cư, có biện pháp giải quyết, xử lý đúng quy định pháp luật các trường hợp vi phạm; tuyên truyền để người dân sinh sống ở vùng giáp ranh nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng…

- Vậy ông có thể cho biết một số kết quả đạt nổi bật trong công tác này năm 2019?

- Trên cơ sở Quy chế phối hợp, năm 2019, các hạt kiểm lâm thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng tỉnh bạn ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng, khai thác rừng trái phép, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc cơ sở thực hiện phương án bảo vệ phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ giữa các hạt kiểm lâm: Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Mỹ Đức (thành phố Hà Nội) và các hạt kiểm lâm: Kỳ Sơn, Lương Sơn, Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình), Hạt Kiểm lâm Kim Bảng (tỉnh Hà Nam). Trong đó, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Sơn Tây và Ba Vì (thành phố Hà Nội) chủ động phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho nhân dân các xã địa bàn giáp ranh; thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng.

Hay Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức (thành phố Hà Nội) phối hợp với Hạt Kiểm lâm Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) và Hạt Kiểm lâm Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, không để xảy ra cháy rừng, phá rừng trái phép, không có tranh chấp về rừng và đất lâm nghiệp; bảo vệ tốt các loài động vật hoang dã quý hiếm trong khu vực giáp ranh, đặc biệt là loài Voọc Mông trắng tại khu vực giáp ranh chùa Hương, chùa Tiên và Ba Sao. Đáng nói, các hạt kiểm lâm các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam và thành phố Hà Nội đã tham mưu cho UBND cấp xã và các chủ rừng vùng giáp ranh không những làm tốt công tác bảo vệ rừng mà còn thực hiện tốt cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng. Hạt Kiểm lâm Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) và Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức (thành phố) phối hợp tuyên truyền người dân không buôn bán động vật hoang dã tiêu thụ trong mùa lễ hội chùa Hương; ngăn chặn người dân vào rừng thực hiện các hành vi lấn chiếm đất rừng, chặt củi, đào cây cảnh, đá cảnh, lấy cây thuốc, săn bẫy chim thú. Các hạt kiểm lâm của huyện Sóc Sơn (Thành phố Hà Nội), Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), thời gian qua cũng đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân vùng giáp ranh không xâm canh, xâm cư, thực hiện bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng…  

- Thưa ông, tại hội nghị đánh giá công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng và lâm sản giữa các tỉnh giáp ranh với thành phố Hà Nội năm 2019, nhiều ý kiến cho rằng, công tác phối hợp còn những khó khăn. Vậy mấu chốt là ở khâu nào?

- Đúng vậy, trong công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng và lâm sản giữa các tỉnh giáp ranh với thành phố Hà Nội còn nặng về hình thức, chế độ thông tin chưa thường xuyên, liên tục hoặc chỉ phối hợp trong một số thời điểm. Công tác phối hợp mới chỉ chỉ triển khai trong công tác tuyên truyền, trao đổi thông tin liên lạc và xử lý vi phạm, công tác tuần tra trong rừng còn hạn chế. Lực lượng kiểm lâm địa bàn của các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh còn mỏng, trong khi địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn và kiêm nhiệm phụ trách nhiều địa bàn, công việc. Phương tiện, kinh phí hỗ trợ và các điều kiện đáp ứng cho công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh hầu như không có. Sự phối hợp giữa công xã, kiểm lâm địa bàn xã và lực lượng dân quân tự vệ địa phương trong công tác bảo vệ rừng đã có tiến bộ, nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra. Ở một số nơi, chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng…

- Khắc phục hạn chế nêu trên, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gì để làm tốt công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng và lâm sản giữa các tỉnh giáp ranh với thành phố Hà Nội thưa ông?

- Thực tế cho thấy, Quy chế phối hợp đã tạo thuận lợi rất lớn để lực lượng kiểm lâm phát huy vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng, tham mưu với cấp ủy, chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn, xử lý vi phạm. Chính vì vậy, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và các tỉnh giáp ranh vừa tiếp tục ký Quy chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh. Theo đó, cùng với việc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện nhiệm vụ được giao theo nội dung Quy chế phối hợp đã được ký kết, các hạt kiểm lâm sẽ tích cực tham mưu với các cấp có thẩm quyền có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân vùng đệm sinh sống gần rừng phát triển kinh tế dưới tán rừng, trồng cây lấy gỗ lớn. Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân vùng giáp ranh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, phòng cháy, chữa cháy rừng. 

Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng sẽ tiếp tục phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin và thiết lập đường dây nóng, vận động nhân dân tham gia tố giáo các đối tượng vi phạm; duy trì chế độ giao ban, trao đổi thông tin, kịp thời xử lý các vụ cháy rừng, phá rừng; xác minh các đối tượng vi phạm về quản lý vận chuyển, buôn bán lâm sản, bảo đảm các hành vi vi phạm được xử lý đúng đối tượng, đúng hành vi theo đúng quy định của pháp luật…

- Trân trọng cảm ơn ông!


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t