Công tác quản lý, vận hành hồ chứa ở Hà Nội vẫn tồn tại bất cập (09:35 22/01/2017)


HNP - Vai trò của hồ chứa nước ở khu vực ngoại thành Hà Nội đối với sản xuất, đời sống nhân dân là hết sức quan trọng. Các hồ chứa đã thực hiện nhiệm vụ cắt lũ, giảm nhẹ thiệt hại do lũ lụt gây ra và đóng góp lớn cho các vấn đề an sinh xã hội. Tuy nhiên, do thời gian sử dụng từ lâu, nhiều hồ chứa nước đang bị xuống cấp, ngoài ra, tình trạng vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi chưa được xử lý dứt điểm đang là những tồn tại bất cập cần phải giải quyết dứt điểm...

Xuống cấp hư hỏng

Việc đắp đập trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp có từ rất lâu. Các hồ, đập được coi là một trong những công cụ hiệu quả nhất đối với việc sử dụng và quản lý tài nguyên nước. Bởi vậy hằng năm, thành phố đã đổ không ít tiền của xây dựng, cải tạo, nâng cấp bảo vệ an toàn các hồ, đập. Đến nay, khu vực ngoại thành Hà Nội hiện có trên 90 hồ chứa nước, đập, bãi đập phục vụ tưới cho trên 18.000ha đất canh tác; đồng thời đảm nhiệm cắt lũ cho vùng hạ du, tạo cảnh quan môi trường phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế xã hội của khu vực. Có thể nói, với số lượng hồ, đập trữ nước hiện có, đã đóng vai trò tích cực trong phòng chống lũ, giảm nhẹ thiên tai và một số lợi ích khác như điều hòa khí hậu, chống ô nhiễm, cung cấp nước sinh hoạt…

Theo kết quả rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các hồ chứa, đập, bãi đập khu vực ngoại thành được xây dựng từ những năm 1960-1970 nên phần lớn các hạng mục công trình đã xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng nhiều gây ảnh hưởng đến sự an toàn hồ chứa, giảm đáng kể khả năng cắt lũ và tưới cho nông nghiệp. Đơn cử, huyện Ba Vì có 40 hồ, đập nhỏ tập trung ở các xã miền núi, đồi gò làm nhiệm vụ cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống cháy rừng. Trong các năm gần đây, hồ, đập trên địa bàn huyện được thành phố quan tâm đầu tư sửa chữa phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nhưng do xây dựng từ lâu, nhiều hồ chứa đã xuống cấp hư hỏng. Ví như hồ Đình Thử, xã Thụy An, mái đập bị sạt lở, thấm qua thân đập; cống lấy nước bị xuống cấp; tràn xả lũ bằng đất xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng… Hồ Phú Lội, xã Minh Quang, mái đập bị sạt lở, lòng hồ bị bồi lắng, kênh dẫn nước sau hồ không bảo đảm an toàn. Hồ Hát Giang, xã Tản Lĩnh, mái đập dốc đứng, bị sạt lở nghiêm trọng; thân đập thấm, tràn xả lũ xuống cấp, không có cầu qua tràn xả lũ…

Tăng cường quản lý

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dung tích hữu ích của các hồ chứa nước, đập, nêu trên đạt khoảng 160 triệu mét khối nước, trong đó có 7 hồ chứa có dung tích từ 4 triệu mét khối trở lên gồm: Hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây) 61,9 triệu mét khối; Suối Hai (Ba Vì) 46,8 triệu mét khối; Quan Sơn (Mỹ Đức) 11,9 triệu mét khối; Đồng Sương (Chương Mỹ) 10,5 triệu mét khối; Văn Sơn (Chương Mỹ) 7 triệu mét khối; Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) 6,2 triệu mét khối; Tân Xã (Thạch Thất) 4 triệu mét khối. Các hồ còn lại đều là các hồ chứa nhỏ có dung tích từ 1 đến 2 triệu m3. Lợi ích từ các hồ, đập trữ nước rất lớn, có lẽ không cần phải bàn thêm. Ngoài xây dựng và đưa vào quản lý, khai thác hàng chục năm nay, dưới tác động của thiên nhiên, con người, hiện các hồ chứa đang bị xuống cấp, thì tình trạng vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi các hồ chứa diễn ra khá nhiều, nhưng việc xử lý đối với những trường hợp vi phạm rất khó khăn do sự thiếu quyết liệt của chính quyền cơ sở. Có những vi phạm tồn đọng từ năm này qua năm khác vẫn chưa được chính quyền các địa phương giải tỏa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ tưới sản xuất nông nghiệp và cắt lũ của các hồ chứa nói trên.

Khắc phục hạn chế tình trạng xuống cấp của các hồ chứa nước, thời gian qua, đặc biệt là một số năm gần đây, bằng nguồn vốn của trung ương và thành phố, một số hồ đã và đang được đầu tư sửa chữa, nâng cấp như: Hồ Quan Sơn, Đồng Mô, Suối Hai, Linh Khiêu và một số cống của các hồ chứa nước nhỏ khu vực miền núi Ba Vì. Song do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên chỉ đủ tập trung xử lý những hư hỏng xung yếu đe dọa đến an toàn của công trình, chưa đủ nguồn vốn để đầu tư nâng cấp hoàn thiện các hạng mục công trình... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng rà soát xây dựng lại quy trình vận hành tối ưu, phục vụ đa mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Không ai có thể phủ nhận được vai trò điều hòa, phân phối nước của các hồ, đập cả trong mùa khô lẫn mùa lũ. Điều kiện tự nhiên này đã mang lại lợi ích tổng hợp về nhiều mặt cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc xem xét ưu tiên nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình hồ chứa là việc làm cần thiết. Đồng thời tiến hành ngay việc quy hoạch lại mốc giới của các hồ chứa và các vùng phụ cận, có cơ chế đền bù thích hợp để thu hồi lại đất đai được giao; nhanh chóng rà soát và bổ sung quy hoạch thủy lợi của lưu vực tưới các hồ chứa... Đặc biệt là các doanh nghiệp thủy lợi được giao quản lý, khai thác các hồ chứa phải quản lý chặt chẽ toàn bộ quỹ đất được giao, không để tình trạng xây nhà, trồng cây hoặc các công trình khác vi phạm làm ảnh hưởng đến hiệu quả tưới và cắt lũ của các hồ chứa nước…


Tuấn Vũ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t