Phụ nữ Thủ đô tích cực thực hiện chính sách liên quan đến bình đẳng giới (20:48 30/11/2016)


HNP - Với chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, nhiệm kỳ 2011 - 2016, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã tích cực chủ động tham gia xây dựng, phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến bình đẳng giới. 

5 năm qua, các cấp Hội phụ nữ toàn Thành phố đã tích cực tham gia xây dựng luật pháp chính sách, phản biện xã hội đối với các dự thảo luật pháp như: Hiến pháp 2013, Bộ Luật dân sự (sửa đổi), Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật hôn nhân và gia đình, Luật bảo hiểm xã hội,… và nhiều dự thảo Luật khác có liên quan trực tiếp đến phụ nữ, gia đình và tổ chức Hội. Trong 5 năm, các cấp Hội đã tham gia góp ý, phản biện xã hội 55 dự thảo văn bản luật pháp, chính sách và các Nghị định, Hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật.
 
Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, các cấp Hội còn chú trọng lựa chọn vấn đề ưu tiên để giám sát, tập trung vào một số lĩnh vực hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, công tác cán bộ nữ; các chính sách pháp luật về lao động nữ, an sinh xã hội, người có công… Chú trọng tập huấn kỹ năng trong công tác giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ. Qua giám sát, đã phát hiện, đề xuất kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết những vấn đề còn hạn chế, mới nảy sinh trong quá trình thực thi chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.
 
Nổi bật, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được chú trọng, quan tâm đối tượng phụ nữ vùng xa trung tâm, phụ nữ dân tộc. Các cấp Hội còn kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh và phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các vụ việc xâm phạm phụ nữ, kiên trì kiến nghị, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Hội phụ nữ cơ sở còn xây dựng và duy trì “Tủ sách pháp luật” tham gia công tác hòa giải, giải quyết thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn trong gia đình và cộng đồng. Chủ động phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động. Các câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” tiếp tục được xây dựng mới và duy trì hoạt động, vận động phụ nữ và nhân dân chấp hành và thi hành pháp luật tại cộng đồng. Đặc biệt, mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng tham gia phòng chống bạo lực gia đình” được Hội LHPN tham mưu xây dựng từ năm 2013 đã phát huy tốt vai trò hòa giải mâu thuẫn gia đình, tư vấn pháp luật và hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Kết quả, trong 5 năm, toàn Thành phố có 1.590 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, hòa giải 7.547 vụ việc; tư vấn, hỗ trợ trực tiếp 514 vụ việc. 
 
Bên cạnh đó, Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2012 - 2016” được triển khai có hiệu quả. Các cấp Hội đã xây dựng các mô hình truyên truyền pháp luật mới tại cộng đồng với 117 CLB “Phụ nữ với pháp luật”, 15 CLB “Phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”, 18 CLB “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông”, 1.599 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại các xã, phường, thị trấn.
 
Hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn của Hội đi vào hoạt động nề nếp. Kết quả, đã có 84 buổi trợ giúp pháp lý tại cơ sở, tư vấn miễn phí cho 3.930 người với 617 vụ việc về các lĩnh vực; đã tiếp nhận và giải quyết 275 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị… góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.
 
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp Hội LHPN Thành phố tiếp tục thực hiện tốt vai trò trong tham gia, đề xuất, giám sát, phản biện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới với những hoạt động trọng tâm, trọng điểm, xứng đáng là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Chỉ tiêu cơ bản đến cuối nhiệm kỳ, tổ chức Hội tiếp tục tham mưu đề xuất được ít nhất 02 chính sách/chương trình/đề án liên quan đến phụ nữ. Hàng năm, các cấp Hội giám sát ít nhất 01 chính sách, luật pháp. Đóng góp ý kiến, phản biện xã hội ít nhất 01 văn bản dự thảo có liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.

Minh Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t