Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Tạo mọi điều kiện cho Thủ đô phát triển (22:21 28/03/2021)


HNP - Tại cuộc làm việc với Thành phố Hà Nội, chiều 28/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến chỉ đạo đối với các kiến nghị của Hà Nội trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho Thủ đô phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc


Tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước
 
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý kiến của các Bộ đều rất sát, có tầm nhìn, năng lực mới và ý tưởng mới để thực hiện trong thời gian tới. Từ những ý tưởng này cần triển khai lập kế hoạch thực hiện. Thủ tướng cho rằng, kinh tế - xã hội của Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 phát triển khá toàn diện. Diện mạo Thủ đô thay đổi nhanh. Môi trường đầu tư được cải thiện. Câu nói “Hà Nội không vội được đâu” đã ít được nhắc tới nữa.
 
Đáng chú ý, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục thăng hạng, trở thành tốp 7 địa phương đứng đầu trong cả nước (tăng 17 bậc so với năm 2015). Chỉ số cải cách hành chính và ứng dụng CNTT thuộc nhóm đầu. 
 
Về tình hình 3 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp có bước khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 3 tháng đầu năm tăng 7,7% cao hơn so với cùng kỳ (quý I/2020 tăng 4,4%). Kim ngạch xuất khẩu hồi phục, đạt 3,12 tỷ USD; nhập khẩu gần 7 tỷ USD, tăng 4% (quý I/2020 giảm 21,3%). Tổng vốn đầu tư xã hội tăng, tăng 8,2% (quý I/2020 tăng 5,2%). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 765 doanh nghiệp (tăng 212% so với cùng kỳ). 
 
Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội quý I đạt 5,17%, cao hơn mức bình quân cả nước, đồng thời, Hà Nội thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép” khi có trên 50.000 người từ Hải Dương về Hà Nội nhưng đã kiểm soát tốt, hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Ngoài ra, Thủ tướng cũng hoan nghênh phong trào mới "Vì một Hà Nội đáng sống" khi biết thông tin bãi rác Phúc Tân thành công viên xanh.
 
Thủ tướng cho rằng những tồn tại, hạn chế đã được thảo luận rất kỹ, rất sâu sắc trong các văn kiện và tại Đại hội Đảng bộ Thành phố. Thủ tướng nhấn mạnh một số tồn tại như: Đến nay, Hà Nội vẫn chưa trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 hoặc tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn chậm. Quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ. Công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, đô thị, môi trường có lúc, có nơi chưa làm tốt.
 
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm giao lưu quốc tế của cả nước; không chỉ đơn thuần về phát triển kinh tế, đô thị mà cả các yếu tố chính trị, văn hóa. Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông về Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc
 
Thống nhất về tầm nhìn, quan điểm phát triển Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh nội dung phát triển Hà Nội là thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ, là một thành phố đáng sống. Hà Nội có dày đặc di sản vật thể và phi vật thể, nên cần có kế hoạch đầu tư tôn tạo, giữ gìn, đặc biệt là khu Hoàng thành Thăng Long.
 
Thủ tướng nhất trí quan điểm phát triển đối với Hà Nội là “xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương”, xây dựng thành phố năng động và hội nhập, thành phố kiến tạo phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường sống hướng đến các tiêu chuẩn OECD.
 
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Nội cần tập trung và huy động của cả hệ thống chính trị và nhân dân để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII. Đi đầu thực hiện Nghị quyết 01, 02 năm 2021 của Chính phủ. Chuẩn bị tốt các công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
 
Đồng thời, Hà Nội cần tiên phong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống, dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. “TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang xây dựng mô hình trung tâm tài chính quốc tế, Hải Phòng có mô hình tăng trưởng mới, TP Hồ Chí Minh có thành phố Thủ Đức mới, “thành phố trong thành phố”, vậy, Hà Nội có mô hình nào để đóng góp vào sự tăng trưởng”, Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh Hà Nội cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực, quản trị của một đô thị loại đặc biệt và đi liền với đội ngũ cán bộ năng động hơn nữa, suy nghĩ vượt tầm để đưa Thủ đô phát triển, đây chính là những cán bộ đóng vai trò quyết định sự phát triển của Thủ đô.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với điều chỉnh quy hoạch vùng thủ đô; đồng ý với kiến nghị thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội.
 
Về lĩnh vực kế hoạch đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và Ngân sách Thành phố cho phù hợp, đảm bảo cho Hà Nội có đủ nguồn lực phát triển KT-XH trên tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội.
 
Đối với kiến nghị hỗ trợ TP Hà Nội thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch đầu tư ghi những công trình Thành phố đề nghị vào kế hoạch đầu tư trung hạn; Cho phép Hà Nội rà soát lại quỹ nhà đất công dôi dư sau khi sắp xếp trụ sở các đơn vị của Thành phố không để lãng phí.
 
Về đề nghị chấp thuận vị trí nhà ga C9, Thủ tướng đồng ý thực hiện đúng dự án đầu tư và quy hoạch giao thông đã được phê duyệt; giao Thành phố phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng thống nhất các yếu tố, điều kiện về kỹ thuật chạy tàu, yêu cầu của Luật Di sản điều chỉnh nhằm hạn chế ít nhất ảnh hưởng đến di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm.
 
Đối với đề nghị tháo gỡ vướng mắc dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo (giai đoạn 1) yêu cầu Bộ KHĐT khẩn trương hoàn thành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng hợp ý kiến tham gia cấp bộ.
 
Đối với các kiến nghị cụ thể khác của Thành phố, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các Bộ, ngành liên quan phối hợp giải quyết.
 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
 
Hà Nội sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ
 
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đồng thời khẳng định, sự phát triển của Thủ đô có sự quan tâm rất lớn của Trung ương và các Bộ, ngành. Năm 2020 có 11 Bộ, ngành về làm việc với Hà Nội, điều này giúp cho thành phố xây dựng Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII chất lượng, xây dựng 10 chương trình công tác của Thành ủy nhiệm kỳ 2021-2025 với từng nội dung cụ thể.
 
Tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu 3 vấn đề lớn đề nghị Trung ương, các Bộ, ngành quan tâm. Cụ thể, thứ nhất, liên quan đến vấn đề quy hoạch, theo Bí thư Hà Nội quy hoạch hai bên sông Hồng, sông Đuống đã được Thành phố lập dự thảo xong, hiện đang chờ các ý kiến của các Bộ, ngành liên quan. Trong quá trình lập quy hoạch, thành phố đã tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương. Bí thư Thành ủy đề nghị Chính phủ quan tâm để trong tháng 6/2021, có thể ban hành quy hoạch này, như vậy, sẽ phủ kín được 100% quy hoạch ở Thủ đô. Đồng chí Vương Đình Huệ cũng cho biết, thành phố sẽ sớm trình Thủ tướng để điều chỉnh quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
 
Thứ hai, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, trong năm 2021, theo Chương trình công tác của Bộ Chính trị, thành phố sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thủ đô, trình Bộ Chính trị ban hành. Thứ ba, trong năm 2021, Hà Nội cũng sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thủ đô để trình Trung ương, Chính phủ xem xét để cho phép Hà Nội bổ sung, sửa đổi nhằm tạo điều kiện để Hà Nội phát triển.
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ mong muốn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo và các Bộ, ngành cùng phối hợp với Hà Nội để thực hiện các nội dung này.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t