Dấu ấn công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020:


Bài 2: Thu ngân sách vượt dự toán, thể hiện “sức bền” của kinh tế Thủ đô (11:53 01/01/2021)


HNP - Nhìn lại kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020, cùng với tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách là một chỉ tiêu được xác định khó hoàn thành. Song, với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, khai thác tốt những khoản thu bền vững, nên Hà Nội đã “cán đích” thu ngân sách cả năm với 280.500 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán và tăng 3,9% so với cùng kỳ 2019.

Hỗ trợ người nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội


Cơ cấu thu ngày càng bền vững
 
Hoàn Kiếm là quận trung tâm của Thủ đô, ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu kinh tế của quận, do đó, cũng là địa bàn chịu tác động rõ nhất, nặng nề nhất của dịch Covid-19. Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, tổng doanh thu thương mại - dịch vụ 11 tháng đầu năm 2020 của quận chỉ tăng 1,99% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu ngành du lịch giảm tới gần 77%. Thu ngân sách quận trong 6 tháng đầu năm 2020 cũng chỉ đạt 40% dự toán, trong khi quận là đơn vị được Thành phố giao dự toán thu nằm trong top đầu, với trên 10 nghìn tỷ đồng. “Nhìn vào bức tranh kinh tế chung của toàn Thành phố và quận trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng sẽ khó hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội”, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ.
 
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Thành phố về các giải pháp đôn đốc các khoản thu; sự vào cuộc và đồng hành của các sở, ban, ngành, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế Thành phố để rà soát tất cả các nguồn thu; đồng thời, triển khai hóa đơn điện tử đến 5.200 doanh nghiệp trên địa bàn; đang tiếp tục triển khai đến 11.200 hộ kinh doanh cá thể và bắt đầu triển khai thu thuế đối với các hộ bán hàng online... Bằng các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ kinh doanh và áp dụng công nghệ thông tin, đến thời điểm hiện nay, quận Hoàn Kiếm đã thu được 10.221 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch Thành phố giao, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ.
 
Trên bình diện chung toàn Thành phố, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Mai Sơn cho rằng, ngay từ đầu năm, thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo quyết liệt và định hướng kịp thời; các cấp, ngành của Thành phố đã phối hợp chặt chẽ, vào cuộc nhanh chóng, đồng bộ trong công tác quản lý, điều hành thu ngân sách nhà nước. 
 
Thành phố đã tập trung thực hiện tốt 21 chương trình, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, với tổng số kinh phí là hơn 215 tỷ đồng; triển khai các ưu đãi về thuế đế thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, như: gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; miễn - giảm thuế, hoàn thuế... theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh khai thác các khoản thu còn dư địa; đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách công tác quản lý thuế; tăng cường thanh - kiểm tra, chống thất thu đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm; đồng thời, đẩy mạnh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng hóa đơn điện tử...
 
"Công tác thu ngân sách có khởi sắc trong những quý cuối năm, đặc biệt là từ cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với các cơ quan, đơn vị về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội năm 2020 của Thành phố, diễn ra ngày 10/9/2020", Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Mai Sơn nhấn mạnh.
 
Kết quả, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố đạt 280.500 tỷ đồng, đạt 100,6% dự toán và tăng 3,9% so với năm 2019. Cơ cấu nguồn thu chuyển dịch tích cực, thu nội địa (không kể dầu thô) ước thực hiện 259.100 tỷ đồng (chiếm trên 92% tổng số thu), đạt 100,3% dự toán, tăng 4,6% so với thực hiện năm 2019. Kết quả này càng đáng mừng hơn khi trong năm 2020, mặc dù rất khó khăn, Thành phố vẫn giảm, giãn, hoãn cho các doanh nghiệp hơn 25.000 tỷ đồng tiền thuế, phí, tiền thuê đất, chiếm 30,4% của cả nước.
 
Phân tích về kết quả thu ngân sách nhà nước cũng như cơ cấu nguồn thu của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá: Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự giám sát của HĐND, sự phối hợp tích cực của UBND Thành phố với các bộ, ngành, địa phương, Hà Nội đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài chính, ngân sách. Đặc biệt là năm 2020, năm cuối nhiệm kỳ 2015-2020, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Nội vẫn cho thấy sự ổn định và vững chắc về kinh tế, trong đó, có lĩnh vực tài chính - ngân sách. Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong điều kiện khó khăn như vậy, Hà Nội đã cho thấy nỗ lực rất lớn của đầu tàu kinh tế, khi đóng góp khoảng 17% tổng thu ngân sách nhà nước, riêng thu nội địa chiếm 21% tổng thu nội địa của cả nước.
 
Dành nguồn lực cho đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội 
 
Nhờ thu ngân sách của Hà Nội giữ được tốc độ tăng trưởng khá, nên Thành phố có nguồn lực để đảm bảo các nhiệm vụ chi, nhất là chi đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Trong năm 2020, tổng chi ngân sách trên địa bàn Thành phố ước thực hiện 87.461,9 tỷ đồng (đạt 91,5% so với dự toán sau điều chỉnh, cắt giảm). Trong đó, Thành phố thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2020, tỷ trọng chi thường xuyên của Thành phố giảm còn 51% trong tổng chi.
 
Cùng với tập trung kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Hà Nội cũng đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Trong năm 2020, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một số dự án hạ tầng trọng điểm, như: đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đường Trường Chinh trên cao, cầu vượt Nguyễn Văn Huyên, đường vành đai 3 qua hồ Linh Đàm... qua đó, nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông lên trên 10% và giải quyết được 04/34 điểm ùn tắc giao thông, 08/35 điểm đen về tai nạn giao thông.
 
Thành phố cũng ưu tiên, đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và an sinh xã hội. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hà Nội đã chi trả chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng do Covid-19 với số tiền trên 600 tỷ đồng, đảm bảo nhanh, chính xác, đúng đối tượng. Ngoài ra, Thành phố đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo, các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; chi trên 100 tỷ đồng hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo... Từ những chính sách trên, trong năm 2020, toàn Thành phố giảm thêm 2.500 hộ nghèo, kéo tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 0,33%, trong đó, có 10 quận, huyện không còn hộ nghèo.
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Vương Đình Huệ đánh giá, mặc dù chịu nhiều tác động nặng nề của dịch Covid-19, song về cơ bản, Thành phố vẫn đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra. Để có những kết quả đó, trước hết là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp, các ngành; là truyền thống đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng bộ; sự quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của Thủ đô. Cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô và của cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành. Ngoài ra, còn là sự liên kết chặt chẽ với các địa phương trong cả nước. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tin tưởng, những kết quả của năm 2020 sẽ là tiền đề, động lực để Hà Nội quyết tâm triển khai thắng lợi nhiệm vụ năm 2021 cũng như nhiệm kỳ 2020-2025 ngay từ những ngày đầu.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t