Hà Nội: Trên 193 nghìn hộ thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách xã hội (14:33 15/07/2020)


HNP - Sáng 15/7, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc


Dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Lê Minh Hưng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý, lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

“Đòn bẩy” giúp các hộ thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo tại Hội nghị do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát trình bày nêu rõ: Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống; giúp củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.

Tính đến ngày 30/6/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 90.109 tỷ đồng (69,6%) so với từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, với tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, xã xây dựng nông thôn mới... Từ nguồn vốn này đã góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 7,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần 142 nghìn căn nhà cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách...

Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cũng đánh giá, tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Quan trọng hơn, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là những vùng nông thôn; khẳng định là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến với những đối tượng dễ bị tổn thương; là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên...

Hà Nội triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW

Tham luận tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, tín dụng chính sách xã hội luôn được Thành ủy quan tâm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch công tác. Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Thành ủy, UBND Thành phố đã ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch; 100% các quận, huyện, thị xã đều ban hành các văn bản để triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn Thành phố.

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tham luận tại Hội nghị


Thành ủy đã chỉ đạo tập trung các nguồn lực tài chính, hằng năm bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến ngày 30/6/2020, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố đạt 4.047 tỷ đồng; riêng trong 5 năm qua đã bổ sung gần 3 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị. Bên cạnh nguồn vốn được ủy thác từ ngân sách Thành phố, 100% các quận, huyện, thị xã đã quan tâm, bố trí ngân sách cấp mình để bổ sung vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được triển khai đến 30/30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn của Thành phố. Qua 5 năm, đã có trên 600.000 lượt hộ cận nghèo, hộ nghèo, gia đình chính sách được vay vốn; 235.000 lượt người được vay vốn để giải quyết việc làm; 17.600 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; qua đó giúp trên 193.000 lượt hộ thoát nghèo. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách xã hội cũng đã cho vay để xây dựng mới và cải tạo trên 3.000 công trình vệ sinh nước sạch nông thôn; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 4.000 nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo. “Những kết quả này đã đóng góp tích cực vào thành tích chung của Thành phố trong việc hoàn thành và về đích trước chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, nhất là 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm từ 3,64% (đầu năm 2016) xuống còn 0,42% (cuối năm 2019); có 9 quận, huyện không còn hộ nghèo. Hà Nội cũng có 355/386 (trên 96%) xã đạt chuẩn nông thôn mới... Thông qua đó, giúp cải thiện và nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội cũng như củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và địa phương, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, thời gian tới, Hà Nội sẽ làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân và hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đất nước.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục quan tâm, tập trung nguồn vốn ngân sách về một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội để quản lý và cho vay. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thế chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, ngân hàng chính sách xã hội trong thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư. Định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40, trong thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị cần tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; nâng cao tinh thần vì Nhân dân phục vụ, cùng người dân quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, đẩy lùi tín dụng đen. Cùng với đó, tích cực huy động nguồn vốn tiền gửi và nguồn vốn thu hồi nợ quay vòng để tập trung giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là việc cho vay để phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, góp phần tích cực tạo việc làm, ổn định xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở mỗi địa phương và cả nước.

Tại hội nghị, có 15 tập thể, 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 3 tập thể, 1 cá nhân của thành phố Hà Nội được nhận Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t