Hoài Đức đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (11:01 29/11/2017)


HNP - Sáng 28/11, thành phố Hà Nội tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng công nhận huyện Hoài Đức đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đã dự và phát biểu tại buổi lễ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng công nhận huyện Hoài Đức đạt chuẩn NTM


Cùng dự có đồng chí Nguyễn Công Soái, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu; Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh.

Đồng chí Nguyễn Quang Đức, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: sau gần 07 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến hết năm 2016, huyện Hoài Đức đã có 19/19 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100%). Huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng đô thị.
 
Điểm nổi bật trong xây dựng NTM của Hoài Đức là việc thực hiện các tiêu chí sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Đến nay, huyện đã triển khai được hàng nghìn hecta trồng rau an toàn, hoa, cây ăn quả tại các xã vùng bãi. Toàn huyện hiện có 52/54 làng có nghề, 12 làng nghề được cấp bằng công nhận, 1.299 DN và trên 10.155 hộ sản xuất kinh doanh, hàng năm thu hút, giải quyết việc làm cho trên 44.000 lao động trong huyện và các huyện, tỉnh lân cận.
 
Các xã triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Trong đó, chú trọng ưu tiên các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hộ nghèo. Ưu tiên người có nhu cầu học nghề là người nghèo, người bị thu hồi đất canh tác. Do vậy, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 ước đạt 45,2 triệu đồng/người/năm (tăng 6,8 triệu đồng so với năm 2016). Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,52% (902 hộ), giảm 255 hộ so với năm 2016.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi lễ
 
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Hoài Đức đã đạt được trong thời gian qua. Trong thời gian tới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện Hoài Đức tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Chủ động có giải pháp để khắc phục những hạn chế còn tồn tại nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn trong giai đoạn tiếp theo. 
 
Đồng thời, huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM; Ưu tiên phát triển các ngành thương mại dịch vụ, ngành nghề; thu hút đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới công nghệ; tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Hoài Đức, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện nhanh và bền vững.
 
Để phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, văn hóa, lịch sử, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý huyện Hoài Đức cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng đô thị, giao thông; giữ gìn vệ sinh môi trường. Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển để đến năm 2020 xây dựng Hoài Đức trở thành đô thị nội đô và là vành đai xanh theo Quy hoạch tổng thể của Thành phố… 
 
Quan tâm giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị lịch sử, bảo tồn, tôn tạo và nâng cao giá trị văn hóa. Quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; chăm lo thiết thực đến các gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công Đầu tư phát triển về y tế, giáo dục; xây dựng các kết cấu hạ tầng, các công trình văn hóa đảm bảo phù hợp giữa văn hóa truyền thống và xu thế phát triển của quá trình đô thị hóa.
 
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh. Phát huy dân chủ và vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t