70 năm Giải phóng Ứng Hòa và Chiến thắng Khu Cháy (25/7/1954 - 25/7/2024)


Xây dựng Ứng Hòa ngày càng giàu đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại (20:08 17/07/2024)


HNP - Quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng và tư tưởng của Bác Hồ vĩ đại. Nắm vững các chủ trương, chính sách của nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của Thành phố, vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tế của địa phương. Trong thời gian tới, huyện Ứng Hòa quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; xứng đáng với truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất của quê hương Khu Cháy anh hùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho huyện Ứng Hòa


Ứng Hòa - vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng
 
Là huyện nằm ở phía nam của tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội, Ứng Hòa có vị trí quan trọng về quân sự và kinh tế. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, các xã phía nam của huyện được chọn làm An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ, Trầm Lộng - Tảo Khê là trung tâm của ATK. Mảnh đất Khu Cháy là địa danh đã đi vào lịch sử của dân tộc như một điểm sáng, một một mốc son chói lọi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta. 
 
Khu Cháy gồm 12 xã phía nam của huyện Ứng Hòa và 10 xã trung tây huyện Phú Xuyên. Khu Cháy nằm gọn trong các đường giao thông lớn, là địa bàn trọng yếu về quân sự. Nơi đây, Tỉnh ủy Hà Đông đã xây dựng thành Căn cứ kháng chiến, Khu du kích giữa lòng địch, là bàn đạp quan trọng để tiến công đánh sâu vào những vùng tạm chiếm, là nơi đã đùm bọc, che dấu và bảo vệ an toàn cho Xứ ủy hoạt động; đồng thời, Khu Cháy cũng là hậu phương quan trọng, cung cấp sức người sức của cho kháng chiến. 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với Đại hội đoàn kết chống hạn tại Hòa Xá, ngày 07/6/1960 (ảnh Tư liệu)
 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là của Tỉnh ủy Hà Đông và các tổ chức Đảng ở Ứng Hòa, nhân dân Ứng Hòa đã dấy lên phong trào đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng của Nhật, cơ sở cách mạng được mở rộng, phong trào đấu tranh lên mạnh mà tiêu biểu là chiến thắng Trạch Xá ngày 10/8/1945… Hòa cùng khí thế cách mạng sục sôi của cả nước, tiến lên đạp đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân đế quốc, ngày 17/8/1945, nhân dân Ứng Hòa đã đứng lên giành chính quyền. 
 
Từ năm 1946-1950, Khu Cháy là bàn đạp cho các hoạt động từ vùng tự do vào vùng bị địch tạm chiếm. Từ đầu năm 1951, địch thực hiện âm mưu biến Khu Cháy thành “Khu trắng”, với chính sách “tam quang”: đốt sạch - phá sạch - giết sạch, hằng ngày chúng cho quân từ 4 phía tiến công vào Trung tâm Khu Cháy hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta, tiêu diệt ý chí chiến đấu của nhân dân. Chúng đã trút xuống 3.323 quả bom, 34.324 quả đại bác. Tính trung bình mỗi người dân Khu Cháy phải chịu 2 quả bom và 203 quả đại bác; 111 ngôi làng, 105 đình chùa, nhà thờ bị tàn phá, 8.532 tấn thóc bị đốt và tiêu hủy, hơn 10 ngàn ha ruộng đất bị hoang hóa…
 
Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng thăm Ứng Hòa và dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng huyện và Chiến thắng Khu Cháy, năm 2004
 
Song, cán bộ và Nhân dân Ứng Hòa, nhân dân Khu Cháy đã kiên cường, anh dũng chống các trận càn quét của địch, phá hủy âm mưu biến Khu Cháy thành khu trắng của thực dân Pháp. Điển hình là trận chống càn của nhân dân các xã Minh Đức, Đồng Tân mang tên “Tiếng cồng chống giặc” vào tháng 2/1951…
 
Những năm 1953-1954, phối hợp với chiến dịch Đông Xuân, quân, dân Khu Cháy lại đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh phá âm mưu đuổi dân, dồn làng, lập “Đại xã Đồng Quan của địch”. Khu Cháy là bàn đạp chủ yếu để bộ đội, du kích Khu Cháy liên tiếp đột nhập trại tuyên truyền giải tán phu, thợ, cảnh giáp tề ngụy, phá sập công trình địch xây dựng, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị. 
 
Ngày 7/5/1954, thực dân Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ, Kế hoạch Na-va hoàn toàn phá sản. Tin thắng trận làm nức lòng nhân dân, các vị trí chiếm đóng của địch ở Khu Cháy bị quân ta vây chặn, bức rút. Ngày 20/7/1954 Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, đánh dấu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta toàn thắng. Theo Hiệp định, lực lượng còn lại của thực dân Pháp trên đất Ứng Hòa đã rút về tập kết tại khu vực quanh thị xã Hà Đông. 
 
Ngày 25/7/1954 trên đất Ứng Hòa hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược. Đảng bộ và nhân dân trong huyện phấn khởi bước sang giai đoạn cách mạng mới. Ngày 25/7/1954 là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự kiện Ứng Hòa hoàn toàn được giải phóng. 
 
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Ứng Hòa nói chung, Khu Cháy nói riêng đã lập lên những chiến công oanh liệt, trở thành niềm tự hào và vinh quang của tỉnh Hà Đông và cả dân tộc, tạo nên giá trị truyền thống quý giá về tinh thần yêu nước nồng nàn, chiến đấu ngoan cường, không cúi đầu trước bom đạn và bất cứ khó khăn nào. Khu Cháy đã trở thành điểm sáng nhất trong những điểm sáng của lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp ở tỉnh Hà Đông.
 
Ứng Hòa vinh dự 3 lần được đón Bác Hồ về thăm và động viên
 
Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ Quốc với bao mất mát, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào: Toàn huyện có trên 3.700 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, trên 2.000 thương binh, bệnh binh; gần 1.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; trên 200 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 315 Mẹ Việt Nam anh hùng. Quân, dân huyện Ứng Hòa và 11 xã trong huyện được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ứng Hòa vinh dự 3 lần được đón Bác Hồ về thăm và động viên. Những lời dặn dò, động viên, nhắc nhở của Bác trong những lần về thăm đã tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ và Nhân dân Huyện hăng hái ra sức thi đua học tập, lao động sản xuất, xây dựng triển quê hương ngày càng phát triển.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và tặng quà các đối tượng người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 thành phố Hà Nội, tháng 7/2017
 
Đất nước độc lập tự do, non sông thu về một mối, Ứng Hòa cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ứng Hoà càng nỗ lực phấn đấu đi lên, bước vào công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo. Với ý chí quyết tâm và tinh thần cần cù, sáng tạo, ở mỗi thời kỳ ở Ứng Hòa đều xuất hiện những điển hình tiên tiến như: Sơn Công trong chuyển đổi cơ chế khoán ruộng; Trầm Lộng, Ngọc Động là điểm sáng đi đầu về dồn điền, đổi thửa; Bệnh viện Vân Đình, Trường Mầm Non Hòa Xá là đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới …
 
Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Ứng Hòa và Chiến thắng Khu Cháy, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, ngày 25/7/2014
 
Phát huy truyền thống anh hùng, sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện và sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của nhân dân, huyện Ứng Hòa đã giành được những thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh) đến năm 2023 ước đạt 15.055 tỷ đồng. Cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp (từ 40,7% năm 2015 xuống 31,5% năm 2023); Tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng từ 30,3% năm 2015 lên 38,5% năm 2023; tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 29% năm 2015 tăng 29,8% năm 2023. 
 
Đặc biệt, qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2012-2023), từ xuất phát điểm thấp, huyện Ứng Hòa đã có bước phát triển toàn diện. Toàn huyện có 70 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao, 57 sản phẩm đạt 3 sao; Trên địa bàn huyện hiện có 3 cụm công nghiệp đang hoạt động, 21/21 làng nghề hoạt động có hiệu quả, nổi bật có làng nghề sản xuất tăm hương xã Quảng Phú Cầu, may áo dài thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm…. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn tại huyện đã xây dựng mới và nâng cấp cải tạo (100% đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa; 504/504km đường trục chính nội đồng được cứng hóa) góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất. 84/90 trường học đạt chuẩn quốc gia; 29/29 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 145/145 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa. 
 
Đến cuối năm 2023, Ứng Hòa đã có 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 9/28 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (21,42%), trong đó 3 xã đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu (10,7%); thị trấn Vân Đình được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Năm 2023, huyện Ứng Hòa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
 
Lễ công bố, đón nhận huyện Ứng Hòa đạt chuẩn nông thôn mới và Huân chương Lao động hạng Nhì, ngày 09/12/2023
 
Có thể khẳng định kinh tế của huyện có bước phát triển theo hướng bền vững; diện mạo nông thôn, thị trấn đổi mới, khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 68,2 triệu đồng/người, gấp hơn 5,5 lần so với năm 2010. Số hộ nghèo giảm mạnh, đến nay toàn huyện chỉ còn 2 hộ, Ứng Hòa từng bước xây dựng giá trị cốt lõi của một miền quê văn minh. 
 
Với những thành tích trong gần 40 năm đổi mới, xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, 02 đơn vị và nhiều cá nhân của huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; Năm 2013, huyện Ứng Hòa vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2021, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
 
Phấn đấu xây dựng huyện Ứng Hòa ngày càng giàu đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại
 
Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền cho biết, trong thời gian tới, với khát vọng góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, thực hiện định hướng quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Đảng bộ và nhân dân huyện Ứng Hòa tiếp tục phát huy những thành tích đạt được trong xây dựng nông thôn mới; làm tốt công tác quy hoạch Ứng Hòa nằm trong quy hoạch trục không gian phát triển phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Nam. Đây là định hướng quan trọng để Ứng Hòa đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật nông thôn trên địa bàn. Đó là những thời cơ, thuận lợi to lớn để huyện phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, song cũng đòi hỏi huyện cần quyết tâm hơn nữa, biến những tiềm năng, lợi thế thành hành động; khắc phục khó khăn với khát vọng phát triển, phấn đấu xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại.
 
Ứng Hòa trước đây là một huyện của tỉnh Hà Tây; từ ngày 01/8/2008, là huyện ngoại thành phía nam của Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. 
Đồng hành cùng quá trình phát triển của tỉnh Hà Tây trước đây và Thủ đô Hà Nội ngày nay, Ứng Hòa nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử, yêu nước và cách mạng. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, trực tiếp là các tổ chức đảng trên địa bàn, cùng với nhân dân Hà Tây, nhân dân Ứng Hòa đã có nhiều đóng góp làm nên những thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc; nổi tiếng với Khu Cháy kiên cường, bất khuất, anh dũng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và các phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Chiếc nhẫn thủy chung” thôi thúc động viên thanh niên cả nước lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hoàng Điệp


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t