Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 10/01/2015 đến ngày 16/01/2015) (16:31 20/01/2015)


   

Những nội dung trọng tâm
1. Thời sự, chính trị

Ngày 15/1, Hội nghị lần thứ 19 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XV đã khép lại, hoàn thành tốt đẹp các nội dung của kỳ họp. Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, hội nghị đã hoàn thành các nội dung đề ra. Về tổng kết công tác năm 2014, Bí thư đánh giá, vượt lên những khó khăn, thách thức gia tăng phức tạp, lớn hơn so với dự báo, Đảng bộ, nhân dân Hà Nội đã ra sức phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chính trị, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, trong đó lạm phát được kiểm soát tốt, kinh tế tăng trưởng khá, an sinh xã hội được bảo đảm, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Theo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2014 của Thành ủy Hà Nội, năm qua, về công tác kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới, Ủy ban kiểm tra các cấp của Thành phố đã tiến hành kiểm tra 261 đảng viên và 89 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm, trong đó Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra 23 đảng viên và 5 tổ chức đảng, kết luận 23/23 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 12 trường hợp. Về dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, Bí thư Thành ủy cho biết, các ý kiến phát biểu tại hội nghị lần này sẽ được tiếp thu để hoàn thiện dự thảo và dự thảo sẽ tiếp tục được tổ chức lấy ý kiến sâu rộng của các cấp, các ngành và nhân dân. Về kế hoạch kiểm tra, giám sát của Thành ủy năm 2015, Bí thư yêu cầu, việc tổ chức hiệu quả cuộc kiểm tra chuyên đề về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp cần được thực hiện sớm để giúp Thành ủy chỉ đạo thành công đại hội đảng các cấp sắp tới. Về lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Ban thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy cho biết, công việc này đã được thực hiện dân chủ, kết quả lấy phiếu tín nhiệm nhìn chung phù hợp với báo cáo đánh giá của Ban chấp hành Thành ủy Hà Nội. Đồng thời, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chúc mừng đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng và đồng chí  Nguyễn Thị Bích Ngọc đã được Hội nghị bầu làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bí thư tin tưởng, các tân Phó bí thư Thành ủy sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị công tác mới. Tập trung cao độ chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp (Kinh tế đô thị, 16/1); Hai tân Phó bí thư Thành ủy Hà Nội được bầu đều là nữ (Hà Nội mới, 15/1); Hà Nội tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng Ðảng (nhandan.org.vn, 16/01). Hà Nội kiểm tra 261 đảng viên có dấu hiệu vi phạm (thanhnien.com.vn, 16/01).
Ngày 13/1, tại Hội trường Thành ủy Hà Nội, đã diễn ra Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và công bố giao diện mới của Cổng giao tiếp Hà Nội, triển khai nhiệm  vụ năm 2015 của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội. Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, qua 2 lần sáp nhập, hợp nhất, Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Hà Nội luôn khẳng định là một tập thể đoàn kết, đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển TT&TT của Thủ đô, phục vụ yêu cầu quản lý điều hành của chính quyền TP và nhu cầu thông tin của người dân. Một chặng đường mới lại mở ra với nhiều cơ hội song cũng nhiều thử thách mới.  Để TT&TT thực sự là công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Sở TT&TT Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2015 là: Đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TT&TT; Sáng tạo, nhạy bén trong triển khai các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tích cực để xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh.  Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, Sở TT-TT cần tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển ngành; các chương trình, đề án, dự án trọng tâm; đồng thời tranh thủ các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước nhằm tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển trong lĩnh vực TT-TT. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu sở tăng cường quản lý công tác báo chí, xuất bản cũng như chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, nhanh nhạy về hoạt động chỉ đạo điều hành và tình hình chính trị KT-XH của thành phố; tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực bưu chính, viễn thông; tăng cường quản lý và phát triển hạ tầng thông tin. Kỷ niệm 10 năm thành lập Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội: Ghi nhận những dấu ấn (Kinh tế đô thị, 13/1); Một thập kỷ ngành Thông tin - Truyền thông Hà Nội: Nhiều thành công, nhiều thách thức (Kinh tế đô thị, 13/1); Chủ động cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình của Thủ đô cho báo chí (Hà Nội mới, 14/1).
Ngày 12/1, Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Thành phố - Nguyễn Quốc Hùng về công tác bảo đảm an toàn giao thông trên đường Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân. Theo đó, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở GTVT chủ trì phối hợp với Công an TP, Ban quản lý Dự án 85 (Bộ GTVT) và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án bảo đảm khai thác tối đa hiệu quả công trình về giao thông tại cầu Nhật Tân. Đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân được thăm quan về kiến trúc, chiếu sáng của công trình, đảm bảo an toàn, trật tự. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch cũng yêu cầu các cơ quan chức năng không để xảy ra tình trạng buôn bán, kinh doanh trên cầu. Hà Nội cho phép người dân thăm quan cầu Nhật Tân (VnExpress, 12/01).
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 7 thiết chế văn hóa thuộc cấp thành phố, 27/30 nhà văn hóa hoặc trung tâm văn hóa cấp huyện (còn huyện Quốc Oai, Ứng Hòa và quận Nam Từ Liêm chưa có); 222/584 nhà văn hóa hoặc trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; 3.048/ 7.677 nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố. Trên cơ sở “Quy hoạch phát triển văn hóa thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, UBND thành phố sẽ tập trung chỉ đạo nhằm hoàn thành chỉ tiêu quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa (bao gồm cả xây dựng cơ sở vật chất và bộ máy nhân sự). Trong đó, phấn đấu trong năm 2015, 100% các quận, huyện, thị xã có trung tâm văn hóa; 70-75% số xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa... Năm 2015, Hà Nội phấn đấu 75% số xã có trung tâm văn hóa (Hà Nội mới, 12/1).
Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội vừa ra quyết định về việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn. Theo đó, TP. Hà Nội sẽ miễn phí đường bộ đối với các chủ phương tiện mô tô thuộc hộ nghèo. Biên lai thu phí sẽ được ghi chữ "Hộ nghèo" tạo dòng mệnh giá. Đơn vị thu phí cấp biên lai trên cho chủ phương tiện và không thu phí biên lai. Hiện nay, trên địa bàn TP.Hà Nội có hơn 34.400 hộ nghèo, chiếm gần 2% tổng số dân cư. Hà Nội: Miễn phí sử dụng đường bộ cho hộ nghèo (Đời sống và Pháp luật, 12/01).
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Chương trình Xuân Quê hương 2015 sẽ được tổ chức tại Hà Nội và các tỉnh lân cận từ ngày 9-11/2/2015 với nhiều hoạt động phong phú. Đây là hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tổ chức. Trước đó, Chương trình “Xuân Quê hương 2015” đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. “Xuân Quê hương 2015” tại Hà Nội dự kiến đón khoảng hơn 100 kiều bào tham dự, chương trình sẽ được tổ chức vào ngày mồng 10 và 11/2/2015 (tức 22 và 23 tháng Chạp năm Giáp Ngọ) tại Hà Nội và các địa phương lân cận. Tổ chức chương trình “Xuân Quê hương 2015” tại Hà Nội (Kinh tế đô thị, 15/1).
2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị
Theo Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội, năm 2014, các đơn vị chức năng trên địa bàn thành phố đã triển khai 270 cuộc thanh tra hành chính và đã kết luận 238 cuộc. Nội dung tập trung vào thanh tra trách nhiệm của các đơn vị trong việc thực hiện quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, mua sắm tài sản; thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng …Thanh tra đã phát hiện sai phạm hơn 160 tỷ đồng và gần 4ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi trên 150 tỷ đồng và toàn bộ số đất; kiến nghị xử lý khác 10 tỷ đồng. Đáng lưu ý, các đoàn thanh tra đã kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 29 tập thể và 39 cá nhân do thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm. Hà Nội: Thanh tra kiến nghị thu hồi 150 tỷ đồng và gần 4ha đất (Vietnamplus, 15/01).
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2014 TP.Hà Nội đã hoàn thành thêm 3 dự án nhà ở xã hội (NƠXH), nâng tổng số dự án hoàn thành lên 12 dự án. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 44 dự án NƠXH đã và đang triển khai, với tổng diện tích hơn 3,8 triệu m2 sàn xây dựng. Trong đó, 9 dự án đã hoàn thành trong năm 2013 với 419.000m2 sàn; 3 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2014, với 115.000m2 sàn xây dựng. Dự kiến, 8 dự án khác sẽ hoàn thành trong năm 2015, với 708.000m2 sàn và 24 dự án hoàn thành sau năm 2015, với 2,5 triệu mét vuông sàn. Hà Nội: Hoàn thành 12 dự án nhà ở xã hội (Hải quan, 12/01).
UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Xây dựng thực hiện công tác nghiệm thu, thanh quyết toán giai đoạn I của Đề án thu thập, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu hiện trạng công trình ngầm đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.  UBND TP cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo UBND TP phương án, xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu hiện trạng công trình ngầm đô thị trên địa bàn thành phố và hướng dẫn, đôn đốc cơ quan, đơn vị là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, vận hành công trình ngầm thực hiện việc cung cấp dữ liệu theo phân cấp. Xây dựng cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị (An ninh Thủ đô, 14/01).  
Tại hội nghị triển khai công tác năm 2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), lãnh đạo Sở TN & MT cho biết, trong năm 2014, Sở Tài nguyên và Mội trường đã kiến nghị với UBND.TP Hà Nội thu hồi đất ở 18 dự án với tổng diện tích gần 580.000m2 đất, trong đó có 8 dự án đã được UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi đất. Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP Hà Nội chỉ ra nhiều tồn tại về đất đai trên địa bàn thành phố. Đó là vẫn còn tình trạng dự án vi phạm về quản lý đất đai, để hoang hóa, sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất đai. Công tác giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình tại quận, huyện, thị xã còn chậm, đến hết năm 2014 mới đạt 24% số hộ có nhu cầu đất dịch vụ. Việc thanh kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính về đất đai nhất là đối với công tác cấp giấy đỏ chưa thường xuyên tại các quận, huyện, thị xã. Công tác thanh tra tình hình sử dụng đất của các tổ chức sau khi được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa có chế tài xử lý dứt điểm. Sở TN&MT Hà Nội kiến nghị thu hồi đất ở 18 dự án (Pháp luật TP HCM, 13/01).
Đường Thanh Nhàn là tuyến đường huyết mạch trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Theo kế hoạch, việc mở rộng, nâng cấp con đường này phải được hoàn thành từ cách đây 3 tháng. Tuy nhiên, tới nay, tuyến đường vẫn là một đại công trường ngổn ngang, dang dở. Trong khi tiền ngân sách bỏ ra đầu tư chưa phát huy được tác dụng thì ngày ngày hàng vạn người dân vẫn phải luồn lách để tham gia giao thông giữa những đống đất, đá, ổ gà, ống cống của công trường này. Hà Nội: Thi công đường Thanh Nhàn trì trệ (VTV, 12/01).
Thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014”, ngay từ đầu năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội đã đăng ký tuyến đường trọng điểm đảm bảo an ninh trật tự, ATGT và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, một năm thực hiện đã qua nhưng tuyến đường Phan Trọng Tuệ được 5 xã, thị trấn: Tân Triều, Thanh Liệt, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp, Vĩnh Quỳnh và Văn Điển  đăng ký tuyến đường trọng điểm vẫn nằm trong tình trạng nhếch nhác, phản cảm. Đường trọng điểm… mất điểm (Kinh tế đô thị, 14/1).
Ngày 12/1, UBND huyện Hoài Đức đã tổng kết “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014”, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2015. Thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014”, lực lượng chức năng huyện Hoài Đức và các xã, thị trấn đã tổ chức 15 đợt giải tỏa vi phạm lòng lề đường các tuyến đường qua địa bàn huyện, như: Quốc lộ 32, tỉnh lộ 422; đường Sơn Đồng - Song Phương; Đại lộ Thăng Long… Kết quả đã giải quyết dứt điểm 2 chợ cóc trên Quốc lộ 32, tháo dỡ 263 lều quán, mái che, mái vẩy. Đồng thời, thu giữ 698 biển quảng cáo các loại và hàng trăm giá, kệ, hộp xốp, thùng bán hàng. Hoài Đức: Giải quyết dứt điểm 2 chợ cóc trên Quốc lộ 32 (Kinh tế đô thị, 13/1).
Thời gian gần đây, hành lang an toàn giao thông (HLATGT) tỉnh lộ 419, đoạn qua thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội xuất hiện hàng chục ngôi nhà tạm được làm bằng khung sắt, mái tôn. Xác định đây là những công trình vi phạm, nhưng đến nay, chính quyền sở tại vẫn chưa xử lý mà có đề án xin xây dựng làm địa điểm kinh doanh. Phó phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức khẳng định: UBND huyện và UBND thị trấn chưa thống nhất phương án cuối cùng về vị trí và quy cách dựng nhà tạm bằng tôn. Đầu tháng 12/2014, Phòng đã kiểm tra hiện trạng, qua đó xác định có 38 hộ vi phạm xây dựng trên đất HLATGT đường bộ tỉnh lộ 419, trong đó có 12 trường hợp lấn chiếm đất nông nghiệp. Mặc dù lực lượng chức năng của huyện đã lập biên bản và yêu cầu các hộ tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng đến nay, không hộ nào chấp hành. Để các hộ tự ý dựng nhà tạm trên HLATGT đường bộ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND thị trấn. Hành lang ATGT tỉnh lộ 419B xâm phạm nghiêm trọng (Kinh tế đô thị, 12/01).
Thời gian qua, tại bến Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội), các chuyến phà hoạt động trong tình trạng mất an toàn ở mức báo động. Theo quy định, chủ khai thác bến khách ngang sông, dọc sông chỉ được phép đưa phương tiện rời bến khi thuyền viên, người lái phương tiện và hành khách đã có đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi ở vị trí sẵn sàng. Quy định là vậy, song đến nay, việc chấp hành của cả chủ phà lẫn hành khách tại bến Hồng Vân vẫn không được thực hiện. Hàng ngày, hành khách qua sông Hồng vẫn phải đánh cược tính mạng của mình trên những chuyến phà… Mất an toàn khi qua phà tại bến Hồng Vân (Kinh tế đô thị, 13/1).
3. Văn hóa, y tế và giáo dục
Sau một thời gian tiến hành rà soát tại các di tích đã phát hiện hơn 500 hiện vật ngoại lai. Khoảng 146/500 hiện vật ngoại lai (chủ yếu là sư tử đá) hiện vật trong số đó đã được di dời ra khỏi di tích, trong đó chủ yếu là sư tử đá. Tuy nhiên công tác di dời hiện vật lạ cũng không phải đơn giản. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, không chỉ người dân chưa hiểu thấu đáo mà ngay cả một số cán bộ văn hóa cũng chưa nắm được tường tận sự khác biệt giữa linh vật ngoại lai và thuần Việt. Hà Nội gặp nhiều khó khăn khi di dời sư tử đá ra khỏi di tích (infonet, 14/01).
UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an TP, UBND huyện Hoài Đức kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định tình hình sản xuất miến tại làng nghề Dương Liễu, xã Minh Khai (Hoài Đức).Trước đó, ngày 7-1, Báo điện tử Công lý đăng bài “Miến bẩn hối hả chạy Tết”, đề cập “công nghệ” sản xuất miến mất vệ sinh đi kèm với sử dụng hóa chất gây hại sức khỏe người tiêu dùng tại làng nghề Dương Liễu, xã Minh Khai (Hoài Đức - Hà Nội). Theo đó, quy trình để có miến ngon của nhiều hộ dân nơi đây là cho bột làm miến vào bể, hòa cùng thuốc tím, a-xit, Natri sunphit, sau đó khuấy lọc 4 - 5 nước và cuối cùng rửa lại bằng nước sạch. Tùy theo đơn đặt hàng mà người dân lại sản xuất ra các loại miến khác nhau. Về việc này, sau khi có kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng có trách nhiệm báo cáo UBND TP Hà Nội và thông tin tới báo chí. Làm rõ thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm tại làng nghề Dương Liễu (Nhân dân, 11/01).
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, từ 19/1 đến 30/1, Hà Nội sẽ triển khai tiêm vắc xin sởi-rubella đợt 3 trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối tượng cần tiêm trong đợt này là trẻ 11-14 tuổi. Theo thống kê, Hà Nội có 359.475 trẻ 11-14 tuổi thuộc 615 trường trung học cơ sở (THCS). Tuy nhiên, do có trẻ đã tiêm 2 mũi sởi và 1 mũi rubella nên số trẻ cần tiêm trong đợt này còn 258.078 trẻ. Hiện trung tâm y tế và trạm y tế các xã, phường cùng với nhà trường tăng cường chuẩn bị để triển khai tiêm vào thứ hai tuần tới. Hà Nội: Từ 19/1, tiêm miễn phí vắc xin sởi-rubella tại 615 trường THCS (Hà Nội mới, 15/1).
UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên dạy nghề các trường dạy nghề công lập thuộc thành phố giai đoạn 2015-2020. Theo đó, đến năm 2020, TP sẽ thực hiện đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho 753 lượt giáo viên của các trường CĐ nghề, TC nghề thuộc địa bàn TP. Trong đó, đào tạo trong nước cho 626 lượt giáo viên, đào tạo tại nước ngoài 127 lượt giáo viên. Hà Nội: Phê duyệt hơn 82 tỷ để đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên dạy nghề  (Pháp luật và xã hội, 13/01).
 



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t