Cần quyết liệt thu hồi nợ bảo hiểm xã hội (05:39 06/10/2017)


HNP - Tiếp tục chương trình giám sát về tình hình thực hiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, ngày 5/10, Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP đã làm việc với quận Bắc Từ Liêm và Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội.

Đoàn giám sát làm việc với Bảo hiểm Xã hội TP


* Theo báo cáo của quận Bắc Từ Liêm, hiện nay, trên địa bàn quận có 2.320 đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH với 31 nghìn lao động đóng BHXH, BHTN; tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn quận tính đến tháng 8/2017 đạt 82,5%. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, quận thực hiện thu BHXH, BHYT, BHTN từ 460 tỷ đồng tăng lên trên 690 tỷ đồng, chi trả chế độ cho 17.718 người hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN với số tiền trên 800 tỷ đồng. 
 
Theo nhận định, số nợ BHXH của các doanh nghiệp trên địa bàn quận còn ở mức cao, tính đến tháng 8/2017, tổng số nợ còn 113.144 tỷ đồng của 1.441 doanh nghiệp, 21.921 người lao động. Trong đó, có 27 doanh nghiệp có số tiền nợ từ 500 triệu đồng trở lên với tổng số tiền nợ gần 62 tỷ đồng, 603 doanh nghiệp có số tiền nợ từ 3 tháng trở lên với số nợ trên 89 tỷ đồng. 
 
Tại buổi giám sát, quận đã nêu một số khó khăn trong công tác đôn đốc thu nợ BHXH, đó là một số doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng, không chấp hành thanh tra, kiểm tra, lãnh đạo doanh nghiệp lấy lý do không gặp BHXH quận hoặc liên ngành để làm việc về công tác thu nợ BHXH. 
 
* Đối với toàn thành phố, tính đến tháng 8/2017, có 68.027 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN, trong đó, tham gia BHXH, BHYT bắt buộc là 1.443.729 người, thu từ BHXH, BHYT, BHTN là 21.204,8 tỷ đồng, đạt 63,5% kế hoạch. 
 
Đáng nói, BHXH thành phố đã triển khai nhiều biện pháp thu nợ, nhưng đến hết 31/8/2017, số tiền nợ BHXH vẫn ở mức cao (3.202,6 tỷ đồng), làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 812.837 lao động, là địa phương có số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN cao nhất cả nước.
 
Về  nguyên nhân số nợ đọng BHXH còn lớn, bên cạnh việc một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực sự gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, còn một số doanh nghiệp chây ỳ, cố tính trốn đóng hoặc đóng không đúng số lao động thực tế đang làm việc. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế, Ngoài ra, một số nơi chưa coi trọng công tác tuyên truyền để người lao động hiểu, đồng thuận trong tham gia BHXH. 
 
Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa Xã hội Trần Thế Cương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm trong đảm bảo chế độ của Bảo hiểm Xã hội thành phố và quận Bắc Từ Liêm và nhấn mạnh, việc bảo hiểm mở rộng các đại lý thu đã tạo điều kiện cho việc đóng bảo hiểm xã hội, số người tham gia tăng qua các năm. Trưởng đoàn giám sát cũng đánh giá cao công tác phối hợp giữa Bảo hiểm Xã hội với Cục Thuế và các đơn vị có liên quan trong công tác thu bảo hiểm xã hội, kết quả đạt được là số thu của Hà Nội lớn nhất trong cả nước. 
 
Tuy nhiên,  đồng chí Trần Thế Cương cũng nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, nên mặc dù số thu của Hà Nội lớn nhất, nhưng cũng nợ lớn nhất cả nước. Đó là vấn đề khởi kiện các doanh nghiệp cố tình chây ỳ không đóng BHXH còn nhiều vướng mắc khó khăn, thủ tục hồ sơ khó khởi kiện dẫn đến từ khi thực hiện Luật BHXH sửa đổi, đến nay, chưa khởi kiện được doanh nghiệp nào, dẫn đến số nợ BHXH, BHYT ngày càng lớn và chưa có biện pháp quyết liệt trong đôn đốc thu nợ… 
 
Trưởng đoàn giám sát đề nghị, trong thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội cần bám sát thông báo kết luận của Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc với Bảo hiểm Xã hội thành phố, thải tham mưu UBND TP trình HĐND TP về chỉ tiêu thu BHXH cho hợp lý, sát thực tế. Cùng với đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra kiểm tra, thành lập các tổ đôn đốc, thu hồi nợ. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành trong quản lý nhà nước. 

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t