Công tác cấp GCN quyền sử dụng đất ở Hà Nội:


Bài 1: Đã nỗ lực nhưng vẫn nhiều trở ngại (05:48 05/04/2017)


HNP - Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, nhất là sau khi có Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, thành phố Hà Nội đã cấp GCNQSDĐ đạt mức cao với hơn 90%. Hiện, tỷ lệ tồn đọng không còn nhiều, song đa phần khó khăn do cấp đất trái thẩm quyền, lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, tự chuyển đổi mục đích sử dụng,... hồ sơ thất lạc. Chính vì thế, giai đoạn tới, việc xét duyệt cần thận trọng trong từng trường hợp để tránh xảy ra khiếu kiện sau khi cấp giấy GCNQSDĐ.

Vào cuộc đồng bộ

Thực hiện mục tiêu đến 30/6/2017 hoàn thành công tác cấp GCNQSDĐ ở và 31/3/2017 hoàn thành công tác cấp GCNQSDĐ sau dồn điền, đổi thửa, cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội vào cuộc đồng bộ, lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tính đến 10/3, việc cấp GCNQSDĐ lần đầu trong khu dân cư đạt 90,46%, cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình cá nhân sau dồn điền đổi thửa được đạt 96,63%. Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT thành phố Nguyễn Hữu Nghĩa, kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành của thành phố, đặc biệt là 6 Tổ công tác liên ngành của thành phố đã làm việc với 30 quận, huyện, thị xã để hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác đăng ký, cấp giấy GCNQSDĐ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh và đôn đốc, tổng hợp kết quả trong quá trình thực hiện ở các địa phương. “Việc cấp cấp GCNQSDĐ chỉ là một trong các bước thực hiện quản lý nhà nước về đất đai, nhưng lại rất quan trọng. Nếu thực hiện cấp đúng quy định, ngoài thuận lợi công tác quản lý, còn tác động tích cực vào thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh”, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh thêm.

Giám sát tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Quốc Oai cho thấy, việc chỉ đạo, thực hiện công tác cấp GCNQSDĐ được các cấp ủy, chính quyền đặt lên hàng đầu. Ngoài ban hành các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo các quận, huyện đều tổ chức giao ban, kiểm điểm tiến độ thường xuyên với các xã, phường, thị trấn. Huyện Gia Lâm là đơn vị có cách làm mới trong công tác này, ngoài ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền đồng bộ, sâu rộng đến nhân dân, huyện còn hỗ trợ kinh phí thực hiện cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai định mức 30.000 đồng/giấy cho các xã, thị trấn. Đối với các trường hợp vướng mắc, tập thể lãnh đạo huyện cùng hợp với các phòng ban chuyên môn, nghiên cứu hồ sơ từng trường hợp, phân loại từng dạng, bám sát các Luật, hướng dẫn của cấp trên để thao gỡ; nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Sở TN&MT, đề xuất phương án xử lý. Bằng cách làm này, huyện Gia Lâm đã cấp GCNQSDĐ đạt hơn 91% - cao hơn tỷ lệ chung của thành phố. Tương tự, dù địa bàn các quận: Thanh Xuân, Hai Bà Trưng có nhiều nguồn gốc đất phức tạp, nhưng do tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, nhất là giao trách nhiệm cho người đứng đầu các phường và trưởng các phòng chuyên môn, nên cũng đạt tỷ lệ cao trong cấp GCNQSDĐ so với trước thời điểm tháng 9/2016.

Những tồn đọng, vướng mắc

Hầu hết các quận, huyện, thị xã đều có chung vướng mắc, khó khăn trong cấp GCNQSDĐ ở (9%), bởi còn tranh chấp, khiếu kiện; không phù hợp với quy hoạch; giao đất không đúng quy định; lấn chiếm, tự chuyển đổi mục đích….

Huyện Sóc Sơn được thành phố đánh giá “vùng trũng” về công tác cấp  GCNQSDĐ với tỷ lệ cấp chỉ đạt hơn 73%; tồn đọng đến gần 20.000 trường hợp, trong đó nhiều thửa đất đủ điều kiện nhưng người dân chưa chịu kê khai. Quận Bắc Từ Liêm cũng tương tự chỉ đạt tỷ lệ đạt 75%, tồn động hơn 12.000 thửa với nhiều nguyên nhân giống ở huyện Sóc Sơn. Huyện Chương Mỹ cũng là đơn vị còn tồn đọng lớn với hơn 13.000 thửa giao đất trái thẩm quyền, tự chuyển mục đích sử dụng, lấn chiếm, tranh chấp… Đáng lưu ý, huyện có hơn 6.000 thửa đất do các cơ quan, đơn vị, nông trường tự phân phối giao đất cho cán bộ, khi chưa thực hiện quy hoạch và bàn giao cho huyện quản lý. Ngoài ra, số lượng người dân chưa kê khai đất trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng rất lớn. Nguyên nhân, do người dân không có nhu cầu cấp GCNQSDĐ, kinh phí trích đo bản đồ địa chính tương đối cao (theo quy định hiện hành, nếu thửa đất có diện tích từ 100m2 đến 300m2 thì đơn giá là 1.554.400 đồng/thửa), trong khi thu nhập người dân thấp. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho biết: quận cũng có tỷ lệ cao các trường hợp vướng mắc thuộc dạng bất khả kháng không thể cấp giấy. Những trường hợp này có nguồn gốc đất nông nghiệp, hoặc đất nằm trong các dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng đến nay chưa thực hiện. Các trường hợp trên không đủ điều kiện cấp GCN, quận đã chỉ đạo các phường hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc đăng ký đất đai lần đầu theo quy định.

Theo báo cáo của Sở TN&MT, tính đến 10/3, toàn thành phố đã cấp GCNQSDĐ lần đầu trong khu dân cư 1.320.861 giấy, đạt 90,46% (còn 252.099 thửa chưa cấp, trong đó 55.658 thửa đủ điều kiện, 196.441 thửa còn vướng mắc); cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình cá nhân sau dồn điền đổi thửa được 606.251 giấy cần cấp, đạt 96,63% (còn phải cấp 21.213 sẽ cấp đến  31/3/2017 thực hiện xong). Đối với cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua nhà dự án, toàn thành phố đã cấp được 146.884 giấy, đạt 82,39% (còn phải cấp 31.394 giấy); cấp GCNQSDĐ  cho tổ chức (không bao gồm cơ sở tôn giáo tín ngưỡng) được 13.726 giấy, đạt 71,32% (còn khoảng 5.521 thửa đất chưa cấp).


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t