Tự chủ bệnh viện:


Bài 2: Để tự chủ phải đi cùng với chủ động (08:31 25/08/2019)


HNP - Bên cạnh những kết quả tích cực, những cơ chế, chính sách chung đối với việc thực hiện tự chủ các đơn vị của ngành y tế còn thiếu và chưa đồng bộ; cùng với những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động cần được tháo gỡ để phát huy tính chủ động và trách nhiệm của các bệnh viện.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trong lần thăm và làm việc với Bệnh viện Tim Hà Nội năm 2017


Còn nhiều “nút thắt”
 
Theo Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, một trong những khó khăn đặt ra đối với các bệnh viện thực hiện tự chủ là đơn giá các dịch vụ khám chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ. Mặc dù năm 2018, việc rà soát, điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã được thực hiện, nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để hạn chế trong Thông tư 37 của Bộ Y tế, đó là phải tính chi phí quản lý, chi phí khấu hao vào trong giá dịch vụ y tế; tiền lương vẫn tính ở mức lương cơ sở 1.150.000 đồng, thay vì mức lương cơ sở 1.490.000 đồng như hiện nay, do vậy, gây khó khăn trong hạch toán thu chi và trả lương cho cán bộ, nhân viên y tế. 
 
Bên cạnh đó, việc giao dự toán số tiền BHYT cho từng cơ sở khám chữa bệnh, cùng với việc tạm ứng và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT giữa cơ quan quản lý BHYT và các cơ sở khám chữa bệnh chưa đảm bảo tiến độ, gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh trong việc chi tiêu, cân đối tài chính. Theo như Phó Giám đốc Bệnh viên Xanh Pôn Trần Ngọc Sơn: Hiện nay, đơn vị có số bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng đông, mặc dù việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT của Bệnh viện đúng quy định, đã có kiểm toán, nhưng với việc áp trần quỹ và dự toán bảo hiểm y tế khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn. Bởi nếu như đến tháng 11 Bệnh viện đã khám chữa bệnh bằng BHYT hết trần quỹ thì trong tháng 12 của năm đó, Bệnh viện sẽ không được thanh toán bằng BHYT cho bệnh nhân.
 
Ngoài ra, một khó khăn nữa được các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính đó là không được tự mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, mà phải mua sắm qua đấu thầu tập trung. Trong khi việc mua sắm tập trung không đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chi phí cũng không tiết kiệm so với các đơn vị tự mua sắm. Mặt khác, một số bệnh viện thực hiện tự chủ, nhưng chưa được chủ động trong công tác cán bộ cũng như việc thành lập các khoa phòng theo yêu cầu nhiệm vụ. Cũng theo Phó Giám đốc Bệnh viên Xanh Pôn Trần Ngọc Sơn, trước đây việc thành lập các khoa, phòng ở Bệnh viện do Sở Y tế quyết định, nay chuyển về Thành phố, quy trình mất tới hơn 1 năm.
 
Còn theo Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội Bùi Vinh Quang, do bị ràng buộc quy định về biên chế nên đơn vị khó tuyển dụng được nhân sự có trình độ cao, bởi muốn tuyển nhân sự là các phó giáo sư, tiến sỹ… thì phải bổ nhiệm họ giữ các chức vụ nhất định, trong khi họ lại chưa vào biên chế nên không thể bổ nhiệm. Ngoài ra, trước đây việc bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc các bệnh viện do Sở Y tế thực hiện, nay chuyển về Thành phố nên quy trình kiện toàn nhân sự tại các đơn vị cũng mất nhiều thời gian hơn.
 
Tăng tự chủ gắn với tăng trách nhiệm
 
Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Tổ chức Trung ương về việc thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế trên địa bàn Thành phố vừa qua, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở y tế thực hiện tự chủ, Bộ Y tế cần tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 85/2012/NĐ-CP theo hướng giao quyền tự chủ toàn diện để phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, gắn với tăng cường công tác thanh, kiểm tra, công khai, minh bạch về tài chính và hoạt động. 
 
Cùng với đó, đổi mới cơ chế sử dụng BHYT theo hướng chi cho khám chữa bệnh và y tế dự phòng, chi phòng bệnh và quản lý sức khỏe, sàng lọc, phát hiện sớm để nâng cao ý thức nhân dân trong việc bảo vệ sức khỏe. Đẩy nhanh lộ trình và sớm hoàn thành việc tính đúng, tính đủ chi phí trong giá dịch vụ y tế. Ngoài ra, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng, nên giao việc quyết định thành lập các khoa phòng, bổ nhiệm Phó giám đốc các bệnh viện về Sở như trước kia để rút ngắn thời gian, quy trình kiện toàn nhân sự cho các đơn vị.
 
Cho rằng ngành y tế là một trong những ngành đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", đặc biệt là Nghị quyết 19-NQ/TW về “Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, những kết quả đạt được là do sự thống nhất, quyết tâm cao của toàn thể CB, CC, VC, đội ngũ y bác sỹ trong toàn ngành đã không ngại khó khăn, mạnh dạn với cách làm bài bản, khoa học để từ đó rút kinh nghiệm, giúp Thành phố nhân rộng việc thực hiện chủ trương này.
 
Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị của các đơn vị y tế, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thống nhất sẽ giao các sở, ngành xem xét, tham mưu với Thành phố những vấn đề về phân cấp quản lý cán bộ đối với ngành y tế; có cơ chế đặc thù để thu hút nhân lực chất lượng cao; trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế... theo hướng tăng tự chủ gắn với tăng thẩm quyền, tăng tính tự chịu trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị y tế.
 
Còn theo Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, Hà Nội là địa phương có điều kiện thuận lợi để thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp y tế nói riêng và các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung. Những kết quả cùng với kinh nghiệm của Hà Nội sẽ được Trung ương ghi nhận, tiếp thu để điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW trong thời gian tới.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t