Bảo tồn không gian mặt nước giữ gìn nét đặc trưng của Hà Nội xanh (20:20 31/05/2018)


HNP - Hệ thống sông hồ của Hà Nội mang lại những giá trị to lớn nhiều mặt, góp phần hình thành hệ thống hạ tầng xanh, giúp Hà Nội thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Không chỉ vậy, đó còn là nơi lưu giữ không gian văn hóa vật thể và phi vật thể của quá trình phát triển đô thị. 

Một góc hồ Ngọc Khánh


Theo thống kê, Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng hồ có trong nội đô như: Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, Trúc Bạch, Thiền Quang, Linh Đàm, Giảng Võ, Thành Công, Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Nghĩa Tân… và có 13 con sông chảy qua. Trong cấu trúc không gian đô thị, không gian mặt nước đóng vai trò như một bộ khung thiên nhiên trở thành hệ sinh thái tự nhiên hòa quyện với cuộc sống đời thường của cư dân. Không gian mặt nước làm phong phú đời sống văn hóa cộng đồng đóng góp trong những không gian công viên nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, thư giãn, thể dục dưỡng sinh…; gián tiếp mang lại lợi ích kinh tế với hình ảnh thiên nhiên gần gũi, hấp dẫn du khách tham quan sử dụng dịch vụ tại chỗ; là một lợi thế tự nhiên trong hệ thống hạ tầng cấp, thoát nước của đô thị.
 
PGS.TS. Nguyễn Nam - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch trường Đại học Xây dựng nhận định: Hồ của Hà Nội là một trong những thành phần quan trọng trong cấu trúc không gian cũng như môi trường của thành phố. Đặc biệt, nói đến các giá trị văn hóa của Hà Nội, không thể tách rời địa danh của các hồ, vì đó cũng chính là nơi cội nguồn sinh ra các đặc trưng văn hóa: Hồ Gươm gắn với truyền thuyết vua Lê và các đình đền xung quanh. Hồ Tây, Hồ Thiền Quang gắn với các làng nghề truyền thống và các đình chùa gần đó. Hồ Giám gắn với trường đại học đầu tiên của Việt Nam - Quốc tử Giám…
 
Bên cạnh các giá trị về văn hóa, các hồ Hà Nội còn có vai trò vô cùng quan trọng trong tạo lập môi trường vi khí hậu cho Hà Nội như tăng độ ẩm làm mát không khí, lọc bụi, giảm tiếng ồn, giảm bức xạ của mặt trời. Ngoài ra, hồ còn giữ chức năng là các hồ điều hòa trong việc chống úng ngập cục bộ, nâng cao mực nước ngầm trong đô thị, giúp phát triển cây xanh, thảm cỏ… bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên còn lại trong đô thị. Nếu nhìn nhận rộng hơn, các hồ Hà Nội chính là một thành phần quan trọng của hạ tầng xanh, không chỉ điều hòa nước, mà còn phần nào kết hợp với hệ thống cây xanh thảm cỏ, lọc đi một phần nào những ô nhiễm của đô thị.
 
Được coi là thành phố của sông hồ, thế nhưng Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, thời gian qua, việc khai thác, sử dụng quỹ mặt nước phục vụ cảnh quan và đời sống đô thị còn chưa hợp lý. Nhiều ao, hồ ở Hà Nội bị lấp để xây dựng các tòa nhà, khu đô thị làm giảm đáng kể diện tích mặt nước, gây ra hiện tượng ngập úng vào mùa mưa. Điển hình các khu vực mới phát triển như Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng trên diện tích của nhiều ao, hồ trước đó dẫn đến tình trạng thường xuyên ngập lụt mỗi khi mưa lớn.
 
TS. KTS Nguyễn Trúc Anh - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cũng đưa ra nhận định, ngoài một số hồ nước đã đảm nhận thành công vai trò không gian mặt nước, cảnh quan sinh thái như Hồ Tây, Hồ Gươm, các sông, hồ, ao ngoại thành chưa đóng góp nhiều vào tạo dựng không gian xanh cho đô thị bởi tình trạng ô nhiễm. Hơn nữa, tiết diện các dòng chảy bị thu hẹp do lấn chiếm, cản trở việc thoát nước. 
 
Trước thực trạng trên, từ năm 2016, thành phố Hà Nội đã thực hiện chiến dịch cải tạo môi trường hệ thống hồ. Cùng với việc tập trung nạo vét, cải tạo lại các hồ trên địa bàn, bắt đầu từ tháng 9 năm 2016, sau một thời gian thử nghiệm với các mẫu trong phòng thí nghiệm, chương trình xử lý ô nhiễm môi trường hồ Hà Nội theo công nghệ mới của Đức bằng chế phẩm Redoxy 3C đã được công ty thực hiện thành công ngoài hiện trường, góp phần cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân. Đến nay, việc xử lý bằng chế phẩm này đã và đang được công ty thoát nước nhân rộng ra toàn hệ thống hồ Hà Nội, với khoảng 90 hồ trong nội thành và 44 hồ ngoại thành đã được xử lý và cải thiện môi trường.
 
Tuy nhiên, hiện vẫn còn có nhiều người không khỏi lo ngại tình trạng ô nhiễm sẽ tái diễn, nếu công tác quản lý sau đó không được chặt chẽ. Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội còn thiếu quy hoạch chi tiết để có thể dự báo các phát sinh lấn chiếm, từ đó hoạch định những hành lang bảo vệ. Hơn nữa, quy hoạch mới chỉ xem không gian mặt nước trong đô thị như một không gian công cộng đô thị đơn thuần, chưa phát huy được tính nghệ thuật để có thể làm bật lên vai trò điểm nhấn tạo bản sắc. 
 
TS. KTS Nguyễn Trúc Anh cho rằng, mặt nước và cây xanh đô thị cần được quy hoạch gắn bó thành một nhất thể để tăng cường hiệu quả phục vụ đô thị. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tạo dáng vẻ tự nhiên cho đường kè, như dùng gạch block có lỗ kết hợp trồng cỏ, hạn chế ảnh hưởng đến khả năng tự thấm hút của bờ sông, hồ. “Rõ ràng, để khai thác tối đa, lợi thế của sông, hồ, Hà Nội hệ thống giải pháp đồng bộ từ khía cạnh pháp lý, quản lý Nhà nước tới quy hoạch và cải tạo” - TS. KTS Nguyễn Trúc Anh nói.
 
Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, hệ thống hồ cần được nghiên cứu theo định hướng tạo cảnh quan và điều hòa thoát nước, đặc biệt là sự kết nối điều hòa giữa các hồ thuộc đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái. Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái rừng và làng nghề gắn với bảo vệ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan sông núi, sông, hồ, đầm, nông - lâm nghiệp…tạo sự kết nối giữa khu vực nội đô mở rộng, bảo tồn và tạo thêm nhiều không gian mặt nước nhằm giữ gìn và duy trì nét đặc trưng của Hà Nội xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.

Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t