Định hướng nghề nghiệp cho thanh niên: Cần phải được quan tâm đúng mức (10:58 11/12/2017)


HNP - Công tác định hướng nghề nghiệp trong chính sách giáo dục chưa được quan tâm đúng mức; cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực mất cân đối, lệnh giữa cung và cầu; hệ thống dịch vụ việc làm tuy được hình thành cơ bản, nhưng kết nối chậm, manh mún, chưa đồng bộ…Đây là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại diễn đàn “Khởi nghiệp và việc làm” giữa Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng với 250 đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chính Minh, chiều 10/12.


Những nguyện vọng chính đáng

Theo nhiều đại biểu, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, ban hành nhiều chính chính hỗ trợ cho thanh niên trong công tác đào tạo, giải quyết việc làm, khởi nghiệp. Tuy nhiên, một số chính sách chủ yếu hướng vào hỗ trợ, khuyến khích, chưa rõ trách nhiệm của các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của chính sách. Đặc biệt, các chính sách tín dụng còn thiếu gắn kết giữa cho vay vốn và hỗ trợ đầu tư trực tiếp vào thị trường, nên hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; các chính sách ưu đãi đối với lao động việc làm ở vùng sâu, vùng xa (lương, phụ cấp) chưa thực sự hấp dẫn với thanh niên; các nguồn lực hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp còn hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Tiến Hưng (Đoàn Hà Nội) cho rằng, gần đây, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, hỗ trợ xây dựng và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp... nhưng thực tiễn nhiều doanh nghiệp thiếu kỹ năng về điều hành, quản trị doanh nghiệp. Vì vậy, thanh niên mong muốn Chính phủ và bộ, ngành sớm có kế hoạch, định hướng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của tuổi trẻ. Đại biểu Nguyễn Trung Kiên (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, thanh niên rất muốn vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, nhưng rất khó tiếp cận các nguồn vốn. Nguyên nhân do thanh niên chưa làm chủ gia đình, hoặc đã làm chủ nhưng vẫn còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, nên các tổ chức cho vay e ngại đối với chủ hộ thanh niên. Vì thế, thanh niên rất mong muốn có chính sách cụ thể để hỗ trợ thanh niên trong lĩnh vực này. Đại biểu Nguyễn Văn Linh (Đoàn Điện Biên) nêu rằng, hiện tại công tác dạy nghề trong nhà trường chủ yếu lý thuyết, thiếu phần thực hành. Thêm nữa, chính sách xuất khẩu lao động khu vực miền núi còn khó tiếp cận, doanh nghiệp thu phí “bôi trơn” nhiều, rất cần bộ, ngành chức năng kiểm tra, chấn chỉnh, tạo điều kiện cho thanh niên lao động, tăng thu nhập cho gia đình, địa phương.

Tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với thanh niên

Trao đổi về hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh: hiện nay, hỗ trợ về khuôn khổ pháp lý cho khởi nghiệp đã được hình thành, nằm trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành. Trong đó, sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tham gia các cụm, liên kết ngành và chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 35/NQ-CP  tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung các nhóm giải pháp quan trọng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, sẽ thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 300 tỷ đồng và ban hành quy định, quy chế để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này.

Về chính sách việc làm, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng liên quan đến nghề nghiệp, việc làm nói chung và của thanh niên nói riêng. Trong đó, nhiều nghị định, chiến lược, quyết định, chương trình, đề án trực tiếp gắn với công tác khởi nghiệp, việc làm của Chính phủ đã ban hành và thực hiện tương đối hiệu quả. Dù vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, công tác định hướng nghề nghiệp trong các trường học triển khai, nhưng chưa rộng khắp, sát với nhu cầu thực tiễn của thanh niên, bạn trẻ, nên việc lệnh cung-cầu thị trường lao động. “Nguyện vọng của thanh niên được học đại học là chính đáng, nhưng không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Học bậc nào, ngành nào, thì cũng cần phải có đam mê mới thành công, vì thế, mỗi thanh niên hãy trau dồi kỹ năng, đam mê thì sẽ thành công”. Đồng chí Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: cả nước có 1.974 trường cao đẳng, trung cấp nghề và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ xác định năm 2018 là năm đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Hiện tại, Bộ đang sắp xếp để chuẩn bị trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng ở cấp tỉnh có một trường cao đẳng dạy nghề; ở các huyện sáp nhập các trường nghề lại theo hướng hai trong một, hoặc ba trong một. Ngoài ra, Bộ định hướng chung sẽ mở các trường tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài; các trường này do doanh nghiệp mở, sử dụng để đào tạo bồi dưỡng cho chính doanh nghiệp mình. Trong đào tạo trường nghề sẽ giảm học lý thuyết, tăng học thực hành.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t