Quốc hội chất vấn lĩnh vực công thương (09:35 05/06/2024)


HNP - Chiều 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Công Thương. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã tham gia chất vấn và tranh luận tại hội trường.

Quang cảnh kỳ họp


Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã triển khai hoạt động doanh nghiệp ký cam kết nói không với hàng giả trong thương mại điện tử. Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, phê duyệt đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang diễn ra và có những website công khai kinh doanh hàng hóa bất hợp pháp. Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Bộ trưởng cho biết việc ký cam kết như vậy có thực sự hiệu quả hay không, có cần thiết không? Và cơ chế kiểm tra, kiểm soát của Bộ Công Thương đối với các doanh nghiệp trong thực hiện cam kết như thế nào? Và khi nào sẽ hoàn thành công tác tham mưu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Tthương điều chỉnh, bổ sung một số quy định trong đó có 02 Nghị định và 07 nhóm quy định liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đã đề ra trong Báo cáo số 118 của Bộ Công Thương. 
 
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) chất vấn
 
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay Việt Nam đã tham gia 16 FTA, tuy nhiên việc thực thi các chính sách để tối đa hóa lợi ích, mở rộng các thị trường mới vẫn đang còn bộc lộ nhiều bất cập. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã có những chính sách cụ thể nào để tận dụng FTA với các đối tác ở những thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu? 
 
Đại biểu Dương Minh Ánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho biết, một trong những hạn chế của thương mại điện tử là khó xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Trong đó, vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân, các trường hợp vi phạm dữ liệu cá nhân và gian lận thương mại khiến cử tri lo lắng, do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về vấn đề trên?
 
Tranh luận về vấn đề quản lý thuốc lá điện tử, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết các biện pháp phòng, chống buôn lậu thuốc lá mới liệu có hiệu quả, bởi tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng lên rất nhiều, kể cả tình trạng buôn bán, sản xuất thuốc lá điện tử. Cần có giải pháp gì để lấp khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý thuốc lá điện tử hiện nay?
 
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) và đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn thành phố Hà Nội) về phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thương mại điện tử đang đối mặt với 3 thách thức lớn; trong đó, người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân và hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp.
 
Cũng theo Bộ trưởng, tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân, mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng tuy không phổ biến nhưng Bộ Công Thương đã nhận diện rõ vấn đề này và tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, nghị định hướng dẫn thi hành luật, trong đó, có bổ sung nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng. Ngày 1/7/2024, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, Bộ trưởng kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.
 
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật bao phủ toàn diện các lĩnh vực, trong đó có thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về các quy định pháp luật mới; yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh xây dựng quy tắc bảo mật thông tin; yêu cầu các sàn giao dịch điện tử công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng...
 
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu chất vấn
 
Về giải pháp chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng cho biết, Bộ thường xuyên khuyến nghị người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử; có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập; tăng cường kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập qua môi trường điện tử...
 
Bộ Công Thương cũng triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Riêng năm 2023, Bộ đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.
 
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) về việc cần thiết và có cơ chế giám sát vấn đề ký cam kết "nói không với hàng giả" trong thương mại điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận trong hoạt động thương mại điện tử cần giải pháp đồng bộ, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
 
Trong đó, các sàn thương mại điện tử ký cam kết là một trong những biện pháp quan trọng giúp nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử; thể hiện quyết tâm và cam kết tích cực phối hợp với ngành Công Thương trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cụ thể, đăng những logo "nói không với hàng giả" trên các sàn; xây dựng, đăng tải trên website về quy trình tiếp nhận, xử lý, phản ánh khiếu nại về hàng giả để triển khai các biện pháp kỹ thuật, bộ lọc từ khóa nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm trên website, ứng dụng…
 
Bộ trưởng cũng cho rằng, tình trạng kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng diễn ra một phần do các quy định, trách nhiệm và chế tài xử lý đối với hành vi này còn thiếu và chưa đủ mạnh. Vì vậy, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, dự kiến trong tháng 6/2024 gửi Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó trình Chính phủ trong quý III năm nay,...

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t