Hà Nội tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong thực tiễn (19:29 02/03/2023)


HNP - Phát huy vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo của cả nước, Hà Nội chú trọng đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN vào thực tiễn nhằm thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố.

Bưởi Tam Vân được trồng thành công trên địa bàn huyện Phúc Thọ


Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ hoàn thành nghiệm thu cấp cơ sở cho 36 nhiệm vụ KH&CN, hoàn thành nghiệm thu cấp Thành phố cho 49 nhiệm vụ KH&CN, kiểm tra tiến độ đối với 65 nhiệm vụ KH&CN, thẩm định 10 nhiệm vụ có tính chất tương tự nhiệm vụ KH&CN của một số đơn vị trên địa bàn.  
 
Kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng rất cao. 100% kết quả các dự án sản xuất thử nghiệm được ứng dụng vào thực tiễn, khoảng 80% kết quả các đề tài, đề án được ứng dụng ở các mức độ khác nhau vào thực tiễn của Thành phố. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học góp phần thực hiện 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 13 nhiệm vụ - giải pháp và 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. 
 
Một số kết quả nghiên cứu là cơ sở để Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của các đơn vị. Cụ thể có thể kể đến như kết quả của đề tài “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên Đảng bộ thành phố Hà Nội - Thực trạng, nhiệm vụ và giải pháp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” do Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì thực hiện đã được Thành ủy cụ thể hóa thành các quy định quản lý trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng của Thành phố (Quy định số 09-QĐ/TU ngày 24/10/2022 của Thành ủy Hà Nội quy định một số vấn đề về công tác quản lý đảng viên; rà soát, sàng lọc, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội; Đề án số 20-ĐA/TU ngày 24/10/2022 của Thành ủy Hà Nội về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới...
 
Đề tài “Nghiên cứu đề xuất phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội” và “Nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội” do Trường Đại học Luật thực hiện góp phần cung cấp cơ sở khoa học, đề xuất một số chính sách, giải pháp để đưa vào hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, kiến nghị với Trung ương về tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với thủ đô Hà Nội. 
 
Một số nhiệm vụ liên quan đến giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội cũng đã, đang được triển khai thực hiện trong năm 2022. Nổi bật, đề tài “Báo chí, truyền thông góp phần bảo đảm an ninh tư tưởng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện; Đề tài “Ảnh hưởng của yếu tố địa lý quân sự Hà Nội đến hoạt động xây dựng khu vực phòng thủ Thủ đô trong tình hình mới” do Bộ Tư lệnh Thủ đô... 
 
Các kết quả nghiên cứu dự kiến góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc dự báo những nhân tố tác động và những vấn đề đặt ra đối với công tác an ninh, quốc phòng, quân sự của Thủ đô trong tình hình mới, xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị quân sự thành phố góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ Thủ đô thời kỳ đổi mới, đề xuất các giải pháp giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo xây dựng khu vực phòng thủ Thủ đô vững chắc trước mọi tình huống.
 
Bên cạnh đó, nhiều đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, vật liệu… đã đạt kết quả khả quan và được ứng dụng với quy mô khác nhau vào thực tiễn đời sống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân Thủ đô.
 
Điển hình, đề tài “Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen bưởi Tam Vân và quýt Tích Giang trên địa bàn Hà Nội” do Trung tâm Tài nguyên thực vật chủ trì thực hiện đã tuyển chọn được 14 cây đầu dòng bưởi Tam Vân và quýt Tích Giang làm nguồn vật liệu có giá trị trong bảo tồn, lưu giữ và phát triển trong sản xuất; các quy trình canh tác, mô hình trồng mới và mô hình thâm canh có tính thực tiễn, dễ áp dụng trong sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, góp phần bảo tồn nguồn gen bưởi Tam Vân và quýt Tích Giang trên địa bàn huyện Phúc Thọ, đa dạng hóa các sản phẩm cây có múi ở Hà Nội. Hiện nay, nông nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ dần khẳng định là vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, cho hiệu quả cao, đời sống nhân dân ngày càng đổi thay.
 
Trong khi đó, dự án sản xuất thử nghiệm “Xây dựng mô hình sản xuất giống và thâm canh cà chua trái vụ, an toàn tại Hà Nội” do Viện Nghiên cứu nông lâm nghiệp Thăng Long chủ trì thực hiện đã hoàn thiện quy trình sản xuất cây giống cà chua ghép trên gốc cà chua và thâm canh cà chua trái vụ, an toàn.  Dự án được thử nghiệm áp dụng quy trình tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm trong vụ Xuân Hè và Hè Thu năm 2022. Cụ thể, sản xuất được 305.000 cây giống cà chua ghép, tỷ lệ sống sau ghép đạt 92,9%, tỷ xuất vườn đạt 85,1%; năng suất lý thuyết đạt 63,3 tấn/ha, cao hơn 16,3% so với các giống cà chua không ghép; tổng sản lượng thu được là 250 tấn.
 
Như vậy, Khoa học và Công nghệ đóng góp ngày càng hiệu quả vào nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư đổi mới công nghệ, hướng đến sự phát triển toàn diện và bền vững cho kinh tế - xã hội Thủ đô.

Trần Hương


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t