Cắt giảm việc kiểm tra hậu kiểm về an toàn thực phẩm đối với 73 đơn vị do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (20:00 29/12/2020)


HNP - Ngày 29/12, Sở Công Thương Hà Nội có Báo cáo số 576/BC-SCT gửi Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội về kết quả kiểm tra hậu kiểm việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương năm 2020.

Theo đó, năm 2020, Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra hậu kiểm đối với 30 đơn vị (21 đơn vị sản xuất và 9 đơn vị kinh doanh, nhập khẩu); không kiểm tra đối với 13 đơn vị với lý do có 8 đơn vị dừng sản xuất, 4 đơn vị đã có cơ quan kiểm tra trước đó, 1 đơn vị xin cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong năm 2020. Đáng chú ý, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, Sở Công Thương đã rà soát, cắt giảm việc kiểm tra hậu kiểm đối với 73 đơn vị. 
 
Hiện nay, Sở Công Thương đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị rà soát, cập nhật, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về ATTP và xây dựng, triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 bảo đảm chất lượng, số lượng.
 
Qua kiểm tra về lĩnh vực trên, đoàn kiểm tra thuộc Sở Công Thương đã phát hiện 4/30 đơn vị vi phạm quy định của pháp luật về ATTP. Về việc này, Thanh tra Sở Công Thương đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 4 đơn vị với số tiền là 117 triệu đồng và buộc thu hồi sản phẩm vi phạm. Các hành vi vi phạm: Phiếu kiểm nghiệm sản phẩm không đủ chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định, không thực hiện theo dõi nhiệt độ đối với sản phẩm có yêu cầu bảo quản đặc biệt, kinh doanh thực phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
 
Theo đánh giá của Sở Công Thương, hiện nay, phương thức quản lý ATTP dần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc tự cập nhật các quy định của pháp luật về ATTP của một số cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế và đôi khi chưa chủ động, vì vậy dẫn đến vẫn còn tồn tại các hành vi vi phạm.
 
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã gây ra không ít khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn như: Sức mua của thị trường giảm trong khi các chi phí khác từ nhân công, mặt bằng... vẫn phải chi trả; nguồn hàng thực phẩm nhập khẩu không ổn định do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn nhiều diễn biến khó lường... Trước thực tế đó, Sở Công Thương đã thực hiện cắt giảm kế hoạch kiểm tra hậu kiểm năm 2020 và tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh kịp thời khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song song với duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh bảo đảm đúng quy định của pháp luật về ATTP.
 
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP và thực hiện tốt công tác kiểm tra, hậu kiểm, trong báo cáo này, Sở Công Thương cũng kiến nghị Bộ Công Thương: Sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm thuộc quản lý của ngành để doanh nghiệp có cơ sở tự công bố và cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ pháp lý để hướng dẫn và kiểm tra doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nghiên cứu, ban hành quy định việc kiểm tra, đánh giá lại kết quả việc tự tập huấn kiến thức về ATTP của cơ sở khi các đoàn tiến hành kiểm tra, hậu kiểm. Nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn về việc kiểm tra ATTP lĩnh vực công thương để có sự thống nhất giữa các cơ quan trong quá trình triển khai thực hiện…

Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t