Tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội: Vẫn nhiều khó khăn (15:11 30/08/2019)


HNP - Việc tích tụ, tập trung ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất, từng bước hình thành sản xuất lớn trong nông nghiệp đang diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Có những hình thức đã đem lại những kết quả tích cực, nhưng cũng có những hình thức gặp phải những khó khăn. Trong đó, việc tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực thủy sản ở Hà Nội là một ví dụ.

Chưa thể khai thác hết tiềm năng…

Kết quả rà soát, toàn thành phố 30.840ha có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản; diện tích đưa vào nuôi năm 2018 đạt 22.400ha, trong đó, có 4.327ha hồ chứa mặt nước lớn, còn lại là ao, hồ nhỏ, ruộng trũng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản của thành phố đạt 115.000 tấn, bảo đảm cung cấp khoảng 40% nhu cầu sản phẩm thủy sản cho người dân đang sinh sống, học tập, làm việc tại Hà Nội.

Để tạo sự đột phá trong nuôi trồng thủy sản, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1836/QĐ-UBND ngày 25/2/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, thành phố đã xác định được 62 vùng nuôi trồng thủy sản tập tại 62 xã. Trên cơ sở quy hoạch, các huyện đã lập 13 dự án xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại 10 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Thanh Trì với tổng diện tích 2.400ha.

Trong số các dự án trên, đến nay, có 4 dự án được phê duyệt đầu tư ở các xã Cổ Đô, Phú Đông, Phú Cường, Phong Vân, Vạn Thắng (huyện Ba Vì), Trung Tú, Đồng Tân (huyện Ứng Hoà), Hợp Thanh, An Phú, Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), Xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín). 9 dự án còn lại được phê duyệt chủ trương đầu tư ở các huyện: Quốc Oai, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Thanh Trì. Đến nay, có 2/13 dự án đã được đầu tư triển khai, gồm: Dự án vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thuộc 2 xã Trung Tú và Đồng Tân (huyện Ứng Hòa) quy mô 232ha và dự án xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín) quy mô 93,2ha. Các dự án còn lại chưa được triển khai.          

Căn cứ vào danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung và các tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành phố đã xác định 5.397ha vùng chuyên canh thủy sản tại 73 xã thuộc các huyện, thị xã; dự kiến, diện tích chuyên canh thủy sản được mở rộng trong thời gian tới theo Quyết định số 3215/QĐ-UBND của UBND thành phố là 9.167ha.

Theo Sở NN&PTNT, về hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố chủ yếu: Sau dồn điền đổi thửa, đối với diện tích đất nông nghiệp cấy lúa kém hiệu quả, nông dân xin chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Các hộ gia đình tự nguyện góp đất, liên kết thành lập hợp tác xã thủy sản. Hiện trên địa bàn thành phố có 28 hợp tác xã thủy sản tập trung ở các huyện: Ba Vì, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín. Ngoài ra, các hộ mua, nhận chuyển nhượng chuyển sử dụng đất hoặc thuê đất, mặt nước của các hộ khác để mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Cách làm này cũng làm tăng quy mô, đưa ruộng đất, mặt nước đến với người sử dụng hiệu quả nhất, qua đó giúp tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của nuôi trồng thủy sản...

… Do còn những khó khăn, vướng mắc

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, khó khăn lớn nhất trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn thành phố là hạn chế về hạn điền và thời gian sử dụng. Đối với hộ gia đình, cá nhân còn có những vướng mắc về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hằng năm đất nuôi trồng thủy sản không quá 10 lần hạn mức giao đất (Điều 130 Luật Đất đai năm 2013).

Về giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp khá cao, trong lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp thấp, nhiều rủi ro, mặt khác cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất chưa đủ mạnh, nên thị trường đất nông nghiệp hoạt động trầm lắng, kém hiệu quả. Trong nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản chỉ cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm, nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa. Đây cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực thủy sản ở Hà Nội.

Để thúc đẩy việc tích tụ, tập trung ruộng đất phục vụ nuôi trồng thủy sản của Hà Nội, ông Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, có tính đến việc quy hoạch trung và dài hạn phát triển các vùng, sản phẩm thủy sản hàng hóa, nhất là sản phẩm chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường. Gắn quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, bố trí phân công lại lao động ở nông thôn. Cùng với đó, khuyến khích phát triển các mô hình HTX, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sản xuất triển quy mô lớn. Muốn làm được việc này, cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn. Khuyến khích hình thức nông dân mua cổ phần trong các doanh nghiệp có hợp đồng với nông dân hoặc thuê đất của hộ nông dân…

Hy vọng với nhiều cơ chế, chính sách cởi mở, sự quan tâm đầu tư của thành phố, nhất là ban hành nhiều chính sách về dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ nông nghiệp, các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của thành phố sẽ tạo bước chuyển mới, bảo đảm sự phát triển ổn định lâu dài…


Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t