Nguồn vốn chính sách giúp dân thoát nghèo (11:21 05/03/2019)


HNP - Trong số các chính sách an sinh xã hội, thì hoạt động của Ngân hàng chính sách đã góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng và nhà nước về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội thành phố hướng dẫn thủ tục cho các hộ vay vốn


Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã triển khai kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng nguồn vốn, được giải ngân trực tiếp tại các điểm giao dịch ở UBND xã đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch.
 
Hành trình của vốn tín dụng chính sách đã tạo động lực cho trên 100 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống. Các hộ nghèo gia đình chính sách được hỗ trợ với lãi suất ưu đãi. Người nghèo và các đối tượng chính sách đã thay đổi cơ bản nhận thức từ việc cấp không, cho không sang vay vốn có hoàn trả. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn để phát triển kinh tế góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
 
Như tại xã Trung Châu (Đan Phượng), hiện nay, xã chỉ còn 30 hộ nghèo. Trong năm 2018, UBND xã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Ban trợ giúp người nghèo xã và các ngành đoàn thể phối hợp chặt chẽ với cán bộ ngân hàng để thực hiện tốt công tác cho vay giảm nghèo theo đúng quy định của Ngân hành chính sách và hướng dẫn hội viên sử dụng vốn vay hiệu quả. Tính đến cuối năm 2018, tổng dư nợ đối với nguồn tín dụng ưu đãi trên địa bàn xã là 19 tỷ đồng, tăng 1,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Bằng nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp cho 40 hộ trên địa bàn xã thoát nghèo.
 
Bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, trong thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có tốc độ tăng trưởng khá. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo là 1,4 tỷ đồng với 56 hộ nghèo. Về chương trình cho vay hộ cận nghèo là 6 tỷ đồng với 254 hộ cận nghèo vay. Dư nợ bình quân cho vay hộ cận nghèo đạt 23 triệu đồng/hộ. Đối với cho vay hộ mới thoát nghèo là 95 tỷ đồng với 3.455 hộ, dư nợ bình quân 27 triệu đồng/hộ. Tổng dư nợ 3 chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 103 tỷ đồng, tăng 4,3 tỷ đồng so đầu năm 2018, đạt 99,9% kế hoạch được giao.
 
Nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách không chỉ được sử dụng hiệu quả ở các huyện mà ở một số quận nguồn vốn cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại quận Bắc Từ Liêm, Ngân hàng chính sách xã hội hiện có tổng dư nợ là 171,658 tỷ đồng, trong đó, số hộ có dư nợ là 4.037 hộ. Trong năm qua, nguồn vốn tín dụng ngân sách ưu đãi đã giải quyết cho 8 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo và 834 hộ thoát nghèo được vay vốn sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Đặc biệt từ nguồn vốn đã tạo điều kiện cho 821 lao động có việc làm, giúp 3 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập.
 
Đánh giá về tình hình cho vay hộ nghèo, gia đình chính sách tại xã Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, ông Tạ Hoàng Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc cho biết:  trong thời gian qua, phường và Ngân hàng Chính sách xã hội quận đã tập trung cho vay sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình với các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Các hộ vay vốn chủ yếu đầu tư phát triển diện tích vườn quất ở làng Nhật Tảo, việc cho vay vốn đã giải quyết được việc làm cho hàng chục hộ.
 
Phó Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc cho biết thêm: hết năm 2018, trên địa bàn phường đã có 306 lượt hộ được vay vốn với tổng số dư nợ hiện nay là 13 tỷ đồng. Các hộ đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm hộ nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Năm 2016 từ chỗ còn 107 hộ nghèo và 135 hộ cận nghèo đến nay phường chỉ còn 60 hộ nghèo và chỉ còn 50 hộ cận nghèo. 
 
Theo ông Phạm Văn Quyết, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH thành phố Hà Nội: từ nguồn vốn ưu đãi trong những năm qua đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo. Hầu hết hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, buôn bán nhỏ... góp phần làm tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống. Số hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu đều được giải quyết cho vay. Thông qua 16 chương trình tín dụng chính sách, trên 100 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, trong đó, có gần 31 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gần 4 ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn để xây sửa nhà...
 
Có thể nói, các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, thực sự là công cụ, giải pháp đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t