Phát triển làng nghề ở Hà Nội:


Bài 1: Cần thay đổi phương thức (15:11 05/01/2019)


HNP - Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước 1.350 làng nghề. Các làng nghề đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động và đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Thủ đô. Tuy nhiên, việc phát triển nhỏ, lẻ, chưa mang tính chuyên nghiệp cao đang làm cho giá trị làng nghề không thể phát huy tối đa hiệu quả.

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô


Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, trong đó, có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có bề dày lịch sử lầu đời, gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô và đất nước như: Gốm Bát Tràng, Lụa Vạn Phúc, Thêu Quất Động... Tính đến nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, chiếm gần 30% tổng số làng nghề trong cả nước. Các làng nghề đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm (theo số liệu năm 2017). Dựa vào con số này có thể thấy, hiện nay, làng nghề Hà Nội đang đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Thủ đô và rất cần được duy trì, phát triển để có thể phát huy tối đa những vai trò không thể thay thế được của nó.
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế đất nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã tác động trực tiếp tới sự phát triển của làng nghề. Nhất là việc nhiều làng nghề trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang bị mai một nghề truyền thống và thiếu thợ lành nghề. Một bộ phận lớn người dân ở các làng nghề, nhất là những người trẻ, đang trong độ tuổi lao động, có thể dễ dàng tiếp cận với những công việc ở các thành phố lớn với mức thu nhập cao hơn và có một cuộc sống dư dả hơn làm nghề thủ công tại địa phương. Do đó, rất nhiều làng nghề có nguy cơ bị mai một, thậm chí không còn người để truyền nghề và lưu giữ những giá trị truyền thống. Tuy nhiên, ngay cả khi có sự hỗ trợ từ nhà nước hay chính quyền địa phương, cũng rất ít những người trẻ tình nguyện ở lại để “giữ nghề” vì cuộc sống ở các thành phố lớn rất có sức hút với các lao động trẻ.
 
Các khó khăn duy trì làng nghề nêu trên không chỉ gặp ở các làng nghề truyền thống nhỏ mà còn tồn tại ở ngay những làng nghề lớn, đang phát triển khá mạnh mẽ như Gốm Bát tràng, Lụa Vạn Phúc, May Vân Từ hay Giày da Phú Yên… Trong nhiều năm trở lại đây, làng nghề sản xuất giày da Phú Yên (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên) luôn được đánh giá là làng nghề truyền thống với những sản phẩm giày da có giá trị cao, nhạy bén trước những đổi thay của thị hiếu người tiêu dùng, người thợ nơi đây đã cho ra đời rất nhiều dòng sản phẩm đa dạng, phong phú về kiểu dáng. Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên Nguyễn Lương Đức chia sẻ, hiện nay, tổng thu nhập của nghề da giày chiếm 85% tổng thu nhập toàn xã, có trên 70-80% số hộ trong xã có người tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Việc sản xuất kinh doanh ổn định, đời sống của người thợ được nâng lên. Hiện, một thợ lành nghề làm gia công có thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, làng nghề cũng luôn phải đối mặt với với việc cạnh tranh về lao động đối với các khu công nghiệp lân cận. Đây là nguyên nhân khiến nhiều hộ gia đình, nhiều công ty sản xuất giày da không dám nhận các đơn hàng lớn do lo sợ không đáp ứng được tiến độ, thời hạn giao hàng.
 
Thiếu mặt bằng sản xuất đang trở thành một trong những vấn đề nhiều làng nghề Hà Nội phải đối mặt
 
Bên cạnh đó, các làng nghề cũng đang phải đối mặt với một thực tế là các hộ sản xuất chưa có mặt bằng rộng lớn để mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ, dây chuyền hiện đại vào sản xuất. Do đó, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản... Mặt khác, mặc dù các sản phẩm làng nghề của Hà Nội mang tính truyền thống và độc đáo cao nhưng các doanh nghiệp làng nghề lại chưa nắm bắt được sở thích và nhu cầu của thị trường. Hiện tại, chúng ta đang chỉ sản xuất và bán cái chúng ta có chứ chưa biết khách hàng đang cần hay sẽ cần những sản phẩm thế nào. Phương thức hoạt động này đang đi ngược lại với quan điểm marketing hiện đại và sẽ làm mất đi rất nhiều thị phần mà đáng ra chúng ta nên nắm được… Đây chính  là những nguyên nhân khiến cho làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm như da giày Phú Yên hay may Vân Từ vẫn không thể bứt phá để tạo được thị trường trong Asean và quốc tế.
 
Từ thực tế nghiên cứu về sự phát triển của các làng nghề Thủ đô, PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc, Giảng Viên Cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, mặc dù các làng nghề đã cố gắng đưa ra các sản phẩm rất đẹp, tuy nhiên, giá trị văn hóa, sự thiết thực của các sản phẩm đối với đời sống của người dân vẫn chưa đạt tới. Thiết bị lạc hậu dẫn đến sản phẩm làm ra giá cả không cạnh tranh được với các nước, đặc biệt là Trung Quốc… Với một góc nhìn khác, ông Fumio Kato, Giám đốc dự án “Phát triển kênh bán hàng thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm và du lịch” trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển của JICA cho rằng nhược điểm của các làng nghề Việt nói chung và các nghệ nhân làng nghề nói riêng là không có thói quen ghi chép dữ liệu xem mình đã làm gì và làm như thế nào để từ đó rút ra kinh nghiệm cho những lần sản xuất. Sản phẩm của làng nghề thường to, nặng, mẫu mã đơn điệu làm cho những người du khách như chúng tôi không thể nào muốn mua được cho dù kỹ thuật làm ra nó là những kỹ thuật hàng đầu thế giới.
 
Với các thực trạng trên, để các làng nghề của Hà Nội có thể phát triển, bứt phá, tạo được thị trường rộng lớn đòi hỏi các làng nghề cần thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ để cho ra các sản phẩm có chất lượng cao. Đồng thời, chủ động sáng tạo ra các mẫu mã mới, có tính mỹ thuật cao, tính đa năng, thân thiện với môi trường để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Mặt khác, các làng nghề cần chủ động tận dụng các lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang lại để phát huy sức mạnh nội lực, bứt phá chiếm lĩnh thị trường, tạo công ăn, việc làm bền vững cho lao động làng nghề.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t