Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó? (21:21 15/08/2024)


HNP - Ngày 15/8, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”. Dự tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại tọa đàm


Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội đã trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống người dân. Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Thành phố phấn đấu đến năm 2030, ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5. Tuy nhiên, đây là bài toán khó, khi lượng phương tiện cơ giới hoạt động trên địa bàn Thành phố quá lớn với gần 7 triệu mô tô xe máy; 1,1 triệu ô tô và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác hằng ngày đổ về Hà Nội.
 
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi tặng hoa các khách mời, chuyên gia
 
Trước thực trạng này, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí, trong đó có việc khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, phát triển giao thông xanh, giảm thiểu phương tiện cá nhân. Trong đó, Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông công cộng với hơn 132 tuyến buýt, trong đó có tỷ lệ đáng kể là xe điện và xe CNG. Đặc biệt, sự xuất hiện của hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí…
 
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết, trước thực trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là khu vực nội đô ngày càng đáng lo ngại, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Qua Tọa đàm này, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ đưa ra những góc nhìn và ý kiến đóng góp với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan hoạch định chính sách từng bước chuyển đổi phương tiện xanh cho đô thị, qua đó, tăng cường khích lệ người dân tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng, bảo vệ môi trường.
 
TS Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro phát biểu tại tọa đàm
 
Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường, rất tâm huyết với chủ đề tọa đàm “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”. Đây là vấn đề chúng ta đang phải làm, buộc phải làm để cho môi trường sống tốt đẹp hơn. Mới đây, vào 8h ngày 8/8, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được vận hành. Sau một tuần đi vào khai thác thương mại, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đã chạy 1.370 chuyến, tàu vận chuyển an toàn 393.168 hành khách. Ngày đạt kỷ lục đã vận chuyển 100.515 hành khách. Đối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 20% hành khách có ô tô, nhưng bỏ ô tô để đi tàu điện. Từ những số liệu này cho thấy sự quan tâm của người dân đối với loại hình phương tiện xanh.
 
Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường đánh giá, việc chuyển đổi là khó chứ không phải dễ, tuy nhiên rất cần thiết. Ở một số nước, vấn đề này đã trở thành mệnh lệnh chứ không đơn thuần là ý thức. Bởi nếu không chuyển đổi giao thông xanh, ô nhiễm môi trường tiếp tục gây nguy hại đến sức khỏe con người, như vậy sẽ tổn thất rất lớn đối với sức khỏe, kinh tế, môi trường.
 
Theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, xu thế chuyển đổi giao thông xanh là tất yếu, ai không tham gia sẽ bị loại chứ không thể lùi. Tuy nhiên, để xe công cộng tốt phải có bến bãi tốt, hệ thống kết nối giao thông liên kết chặt chẽ, đầu tư hạ tầng, kể cả các trạm nạp pin, điện...
 
 
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Chương trình tọa đàm của Báo Kinh tế & Đô thị với chủ đề “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó” là nội dung rất quan trọng. Chúng tôi đánh giá rất cao cách thức thực hiện của Báo kinh tế & Đô thị. Chương trình sẽ tạo sức lan tỏa để người dân cùng biết và đồng hành nhằm thay đổi nhận thức và cách làm. Qua tọa đàm, các chuyên gia giúp cho thành phố đưa ra những cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống hiệu quả và nhanh nhất. Qua đây, Thành phố cũng rút ra được nhiều bài học tất yếu phải làm.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố thông tin, Hà Nội đang hoàn thiện và trình Thủ tướng quy hoạch Thủ đô. Việc rất quan trọng mà cần làm ngay là giải quyết ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm và ùn tắc giao thông đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển Thủ đô và đời sống người dân. Tọa đàm do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức hôm nay có nội dung rất cụ thể và thực chất. Quy hoạch Thủ đô có 3 chuyển đổi, trong đó, chuyển đổi xanh đòi hỏi sự đồng bộ lớn. Mục tiêu của Toạ đàm cũng là một trong những mục tiêu mà Luật Thủ đô đề ra, đó là lấy người dân làm trung tâm, đo đếm được cụ thể người dân được hưởng lợi những gì. Hà Nội nhất trí với quan điểm của các chuyên gia là, sự quyết tâm của chính quyền, trong đó vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Chúng ta đều nhận thức được mục tiêu và xác định rất rõ, vậy làm thế nào để triển khai nhanh và hiệu qủa nhất.
 
“Chúng tôi thấy rằng, việc rà soát và tổ chức lại giao thông đã đem lại hiệu quả ngay trong việc giảm thiểu ùn tắc. Bên cạnh đó, có cơ chế, khuyến khích để người dân thấy thuận lợi nhất và tích cực tham gia; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, thời gian đi trên đường giảm rất nhiều. Bên cạnh đó cũng cần tính toán cơ chế, có thể nâng quy chuẩn, tiêu chuẩn về phát thải đối với phương tiện trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội đang rất quyết tâm chuyển đổi năng lượng vận hành phương tiện sang điện. Ngoài ra, Hà Nội hiện nay đã đưa vào Quy hoạch Thủ đô để đồng bộ và kết nối trong giao thông. Phải kết nối được toàn bộ các phương thức vận tải hành khách nhằm thu hút người dân. Nội dung tuyên truyền cũng rất quan trọng để người dân biết, hiểu, tự nguyện và lan tỏa. Cần tuyên truyền những nội dụng cụ thể về lợi ích phương tiện xanh đem lại. Những ý kiến tại hội thảo ngày hôm nay cần được tuyên truyền rộng rãi để từng sở, ngành Thành phố vào cuộc và đem lại hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải và lãnh đạo Báo Kinh tế & Đô thị, Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội
 
Sáng cùng ngày, Báo Kinh tế & Đô thị đã chính thức ra mắt Chuyên mục Chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đây là một trong những hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động của báo Kinh tế & Đô thị chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 - 10/10/2024.
 
Theo đó, Báo Kinh tế & Đô thị đã chính thức ra mắt Chuyên mục Chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Chuyên mục bao gồm các tiểu mục: Theo dòng lịch sử; Hà Nội hôm nay; Tin tức; Báo chí số; Thông tin quận huyện. Đây là các tiểu mục vừa thể hiện hình thức truyền tải ấn tượng với việc áp dụng công nghệ số, vừa chứa đựng nguồn thông tin phú, đa dạng; thể hiện bức tranh toàn diện về quá trình phát triển suốt 70 năm qua của Hà Nội trên tất cả các lĩnh vực: văn hóa, xã hội, kinh tế, đô thị…

Thu Hằng


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t