Rà soát kỹ càng, xây dựng đầy đủ trình HĐND Thành phố xem xét chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp (16:14 12/05/2023)


HNP - Sáng 12/5, tại phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, do Thường trực HĐND Thành phố tổ chức, các vị đại biểu HĐND Thành phố đã phát huy tinh thần dân chủ, đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ vấn đề, tập trung vào những việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà điều hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn


Phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao khó khăn do nguồn lực đầu tư lớn
 
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Đàm Văn Huân cho biết, dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh, dù đã được phê duyệt đến nay gần 10 năm, nhưng chưa được triển khai, gây nhiều ý kiến trong dư luận.
 
Trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những định hướng quan trọng của Hà Nội. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ đạt 70% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.
 
Đại biểu Đàm Văn Huân đặt câu hỏi tại phiên chất vấn
 
Dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh đã được Thường trực Thành ủy Hà Nội thông qua năm 2013; Đến năm 2014 thì được phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500. Dự án cũng phù hợp Quy hoạch về phòng chống lũ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trước đó.
 
Tháng 8/2022, khi thẩm quyền phê duyệt cấp phép đầu tư vào dự án vẫn thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đã có nhà đầu tư nộp hồ sơ xin ý kiến của Bộ này. Sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, mới đây vào ngày 15/2/2023, Bộ KH&ĐT đã có văn bản trả lời nhà đầu tư, trong đó, có nêu thẩm quyền phê duyệt thuộc về thành phố Hà Nội. Hiện nay, Thành phố đang giao Sở KH&ĐT hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh trong thời gian sớm nhất.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền trả lời tại phiên chất vấn
 
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, ngoài dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh, UBND Thành phố đã rà soát, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung thêm 7 dự án khu nông nghiệp công nghệ cao khác nhằm cụ thể hoá Quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
 
“Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt 7 dự án nêu trên. Thành phố vẫn đang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án. Dù vậy, việc phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao hiện vẫn còn nhiều khó khăn do đòi hỏi nguồn lực đầu tư ban đầu lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lại rất chậm. Thành phố đang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát cơ chế, chính sách mang tính đặc thù để tổng hợp vào Luật Thủ đô sửa đổi nhằm tạo hành lang thúc đẩy hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hà Nội cũng mong muốn Quốc hội sớm thông qua Luật Thủ đô để tạo điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển những khu nông nghiệp công nghệ cao…” - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm.
 
Chưa phát huy hiệu quả đầu tư khu giết mổ tập trung
 
Tham gia chất vấn về công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, đại biểu Trần Khánh Hưng cho biết, Dự án xây dựng hạ tầng khu giết mổ tập trung tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) được đầu tư hơn 100 tỷ đồng, nhằm thu gom các hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu vực dân cư vào khu giết mổ tập trung, chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư; tuy nhiên, đến nay đã nhiều năm trôi qua, vẫn chưa được đưa vào khai thác, sử dụng. Đại biểu đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến chậm đưa khu giết mổ tập trung Bình Minh vào khai thác, sử dụng, dẫn đến tình trạng chưa phát huy hiệu quả đầu tư, xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực.
 
Đại biểu Trần Khánh Hưng đặt câu hỏi tại phiên chất vấn
 
Liên quan việc đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, UBND huyện đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất triển khai thực hiện lập danh mục, kế hoạch, xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Tuy nhiên, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vẫn chưa thực hiện được do thời gian qua dự án chưa có nhà đầu tư doanh nghiệp quan tâm đầu tư; do tính chất đặc thù nên không có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giết mổ gia súc gia cầm, việc kêu gọi đầu tư dự án gặp nhiều khó khăn…
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, để sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng, thu gom các hộ gia đình giết mổ gia súc gia cầm tự phát trong khu dân cư, tránh ô nhiễm môi trường, đáp ứng để nghị của cử tri các xã, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung tại xã Bình Minh là rất cần thiết. Huyện đề xuất giao cho huyện, các hợp tác xã đứng ra thu gom các hộ giết mổ trong khu dân cư.
 
Cùng với đó, UBND huyện Thanh Oai đã có các tờ trình đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung phương án đấu giá thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án; đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố sớm xem xét, giải quyết. Sau khi được phê duyệt điều chỉnh phương án đấu giá, UBND huyện sẽ nộp hồ sơ đề nghị UBND Thành phố phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá.
 
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng trả lời tại phiên chất vấn
 
Liên quan đến dự án xây dựng hạ tầng khu giết mổ tập trung tại xã Bình Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền thừa nhận đây là lĩnh vực hết sức khó khăn, thiếu sức hấp dẫn trong quá trình thu hút đầu tư, mặc dù trong năm 2018, HĐND thành phố đã xây dựng Nghị quyết để hỗ trợ cho vấn đề này. Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo thực tiễn cho thấy, dự án này chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút được nhà đầu tư. Vừa qua, Thành phố tiếp tục rà soát, giao huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, nếu tổ chức đấu giá không thành công, Thành phố sẽ có các giải pháp đề xuất với Thành ủy, đề xuất với HĐND Thành phố có các cơ chế, chính sách đủ mạnh, để thu hút các nhà đầu tư tham gia. UBND Thành phố cũng đang chỉ đạo các ngành xây dựng các cơ chế chính sách phát triển cho lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, có hỗ trợ các cơ sở giết mổ; trình HĐND Thành phố thông qua trong tháng 7 này. Từ đó, hy vọng các cơ chế, chính sách sẽ đủ sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư tham gia vào dự án xây dựng hạ tầng khu giết mổ tập trung tại xã Bình Minh.
 
Yêu cầu thanh tra việc xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp
 
Các đại biểu: Vũ Ngọc Anh, Trần Hợp Dũng, Nguyễn Ngọc Việt... quan tâm đến vấn đề vi phạm trên đất nông nghiệp; việc sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, hiệu suất chưa cao do chưa có hướng dẫn việc xây dựng nhà kính, nhà màng, chuồng trại chăn nuôi, khu vực sơ chế sản phẩm nông nghiệp...
 
Trả lời câu hỏi về vi phạm trên đất nông nghiệp bãi bồi ven sông, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, quận có vùng bãi 1.224ha, đất nông nghiệp 883ha, đất bãi bồi ven sông 341ha. Khu vực vùng bãi có 8 phường liên quan, hiện nay, quận đã quy hoạch đầy đủ và được phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch này, quận chủ động rà soát, đề xuất Thành ủy, UBND Thành phố triển khai, quản lý, khai thác hiệu quả. Thành ủy đã thống nhất chỉ đạo triển khai thực hiện, quận đang kết hợp các sở, ngành, UBND Thành phố triển khai các giải pháp. 
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt đặt câu hỏi tại phiên chất vấn
 
Với phản ánh địa bàn các phường Thạch Bàn, Cự Khối… đã chuyển đổi vùng bãi, quá trình triển khai chưa triệt để, còn vi phạm diện tích sử dụng chưa đúng mục đích, quận đã tập trung tháo dỡ công trình vi phạm, quyết tâm không để vi phạm mới phát sinh; lập đề án, phương án quản lý khai thác đất vùng bãi. 
 
Về vi phạm trên đất nông nghiệp tại huyện Phúc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, 3 năm qua, huyện đã nghiêm túc và cầu thị trong việc xử lý vi phạm tồn tại trước đây. Năm 2022, huyện đã xử lý hơn 300 trường hợp vi phạm, tuyên truyền, thuyết phục nên chỉ có 2 vụ phải cưỡng chế. Phúc Thọ không có tái vi phạm, tồn tại vi phạm trên lĩnh vực đất nông nghiệp.
 
Liên quan đến chất vấn dự án hoa cây cảnh biến tướng thành vùng sinh thái xã Hiệp Thuận, nằm ở bờ Hữu sông đáy, lãnh đạo huyện cho biết, do diện tích này khó canh tác, thường bị bỏ hoang nên xã đã lập tờ trình xin ý kiến huyện phê duyệt làm vùng hoa cây cảnh. Quá trình trồng hoa, cây cảnh, nhân dân đến chụp ảnh nhiều, chủ đầu tư xây dựng cột để phục vụ chụp ảnh, huyện đã lập biên bản xử lý. 
 
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường trả lời tại phiên chất vấn
 
Thông tin làm rõ thêm, các vi phạm liên quan đất nông nghiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết, UBND Thành phố đã chỉ đạo xử lý vi phạm, đã tổng thanh tra và phát hiện hơn 800 nghìn trường hợp vi phạm. 
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền thừa nhận, việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp chưa phát huy hiệu quả, nhiều vướng mắc. UBND Thành phố tiếp thu, sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương hoàn thiện cơ chế chính sách. Để có quy định chính thức, tháng 7/2023, UBND Thành phố sẽ hoàn thiện chính sách trình HĐND thành phố thông qua. Sau khi được thông qua, sẽ triển khai thực hiện để phát triển nông nghiệp, trong đó có đầu tư nhà màng, nhà lưới.
 
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu tiếp thu tại phiên chất vấn
 
Phát biểu tiếp thu tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, các vấn đề được nêu tại phiên chất vấn đều đúng và trúng, được cử tri quan tâm. Qua đó, đại biểu và các thành viên UBND Thành phố đã cùng chỉ rõ các tồn tại, hạn chế để UBND Thành phố, các sở, ngành, quận, huyện nhận diện rõ vấn đề, có giải pháp giải quyết triệt để. 
 
Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho biết thêm, kết quả phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội thời gian qua đã đạt những thành tựu cơ bản; Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, ban hành hàng loạt chính sách, cơ chế thực hiện. Dù vậy, Chủ tịch UBND Thành phố cũng thẳng thắn chỉ rõ, nông nghiệp ở Hà Nội chưa phát triển được như mong muốn, công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm... 
 
Đối với các vướng mắc về xây dựng trên đất nông nghiệp do vướng quy định luật và đang được sửa đổi, Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, việc xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp cần có cái nhìn toàn cảnh, toàn diện. Về các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị rà soát kỹ càng, xây dựng đầy đủ, sớm trình HĐND Thành phố xem xét.  

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t