Để du lịch Hồ Tây tương xứng với vị thế, tiềm năng (15:02 27/08/2024)


HNP - Với vị trí địa lý và bề dày lịch sử, ngay từ khi thành lập, Đảng bộ quận Tây Hồ đã xác định “Quyết tâm phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô”. Mục tiêu đó được triển khai thực hiện xuyên suốt bằng các chương trình, đề án cụ thể qua các kỳ đại hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích và ưu tiên các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí, văn hóa, ẩm thực góp phần quảng bá hình ảnh quận Tây Hồ vừa hiện đại, văn minh vừa giàu truyền thống, bản sắc văn hóa.

Chùa Trấn Quốc soi bóng lung linh giữa Hồ Tây Hà Nội


Nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô, Tây Hồ là một vùng đất mang trong mình những lớp trầm tích văn hóa được bồi đắp qua nhiều thế kỷ, thể hiện qua hệ thống danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Trên địa bàn quận hiện có 71 di tích, trong đó có 40 di tích đã được xếp hạng. Rất nhiều di tích đã trở thành những điểm đến nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước như chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, đình Quảng Bá, đình Yên Phụ...
 
Hồ Tây, có diện tích mặt nước lên tới 527ha, được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Thủ đô. Xung quanh hồ Tây xưa kia là một loạt làng nghề nổi tiếng, gắn với hình ảnh Thăng Long - Hà Nội. Đó là làng Yên Thái với nghề làm giấy dó, làng Quảng An ướp trà sen hay làng xôi Phú Thượng, làng quất Nghi Tàm, làng đào Nhật Tân, làng Trích Sài dệt lĩnh, làng Yên Phụ làm hương...
 
Trên địa bàn quận Tây Hồ có phủ Tây Hồ - nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng linh thiêng, được coi như một trong những “cái nôi” của Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Không chỉ có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, xung quanh Hồ Tây và vùng phụ cận còn sở hữu nhiều khu vực có cảnh quan sinh thái tươi đẹp như hồ Bãi đá sông Hồng, Công viên nước Hồ Tây, các đầm sen tại phường Nhật Tân và Quảng Bá... 
 
Với những tiềm năng du lịch dồi dào, phong phú như vậy, quận Tây Hồ được xác định là trung tâm dịch vụ - du lịch, trung tâm văn hóa và là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô Hà Nội. Những sản phẩm du lịch đặc trưng của Tây Hồ được xác định gồm du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái... hàng năm thu hút hàng nghìn lượt người dân trong nước và ngoài nước, đáp ứng phần nào nhu cầu vui chơi giải trí và ẩm thực cho du khách. Hiện tại, trên địa bàn quận đã có 9 khu căn hộ và khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 2 khách sạn 2 sao, 17 khách sạn 1 sao, 12 khách sạn chưa xếp hạng, 19 căn hộ du lịch, 40 nhà nghỉ, 9 cơ sở du lịch lữ hành và nhiều nhà hàng lớn nhỏ, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch. 
 
Trong những năm qua, UBND quận tập trung các nguồn lực nhằm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị, xây dựng các dự án phục vụ lợi ích cộng đồng, khai thác tiềm năng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan hồ Tây, đồng thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. 
 
Quận Tây Hồ tổ chức Hội thảo “Đánh giá tiềm năng phát triển bền vững du lịch Hồ Tây” nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học để nghiên cứu thực hiện Đề án phát triển du lịch Hồ Tây theo hướng bền vững
 
Bên cạnh lợi thế, tiềm năng của Hồ Tây, quận cũng đang tập trung chỉ đạo triển khai các Đề án phát triển dịch vụ - du lịch gắn với làng nghề truyền thống trên địa bàn các phường thuộc quận như : Đề án “Tổ chức vận hành, khai thác điểm dịch vụ du lịch văn hoá và giới thiệu nghề sản xuất truyền thống làm giấy Dó xưa, phường Bưởi”; Đề án “Điểm giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP”; Đề án “phát triển làng nghề Hoa đào Nhật Tân gắn với dịch vụ du lịch”; Đề án “Phát triển làng nghề Quất cảnh Tứ Liên gắn với dịch vụ du lịch”; Đề án “Phát triển trồng hoa Sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh Hồ Tây”... Các Đề án trên đưa vào hoạt động nhằm quảng bá các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề trên địa bàn quận, từ đó tạo đà phát triển kinh tế địa phương. Các sản phẩm OCOP cũng được duy trì, mở rộng, đáp ứng việc phát triển kinh tế, du lịch làng nghề trên địa bàn quận; tiếp tục giữ vững và lan tỏa những giá trị, thương hiệu, sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể làng nghề, sản vật của quận... Theo đó, quận ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP theo nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và các điểm du lịch, kết nối để tạo thành sản phẩm “Dịch vụ du lịch OCOP Tây Hồ”. Đến nay, toàn quận có 39 sản phẩm OCOP được công nhận kết quả phân hạng (20 sản phẩm 4 sao và 19 Sản phẩm 3 sao).
 
Ngoài ra quận cũng đang tập trung xây dựng để thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận”; thực hiện “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch quận Tây Hồ”, nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý về phát triển du lịch. Trong đó, ứng dụng “Tay Ho 360” (trên App Store và CH Play) được triển khai nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin về du lịch và văn hóa của cả người dân địa phương và du khách.
 
Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác các tuyến, tour du lịch còn mang tính chất manh mún, hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, công tác bảo tồn các giá trị văn hoá còn nhiều bất cập, việc khai thác các tài nguyên cũng chưa được triệt để nên mới chỉ dừng lại ở việc thu hút được một điểm du lịch tâm linh, còn rất nhiều các nguồn tài nguyên khác chưa thu hút được nhiều khách du lịch gây lên tình trạng lãng phí về tài nguyên….
 
Để có sự phát triển mạnh mẽ của Hồ Tây tương xứng với vị thế, tiềm năng sẵn có, cùng với việc tiếp tục tập trung sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn, quận cần tập trung triển khai đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích theo quy hoạch. Tập trung bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, công trình kiến trúc có giá trị; ứng dụng công nghệ số trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Đầu tư xây dựng công trình văn hóa tiêu biểu của quận.
 
Đồng thời đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng Hồ Tây và vùng phụ cận; kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực Hồ Tây, bãi giữa và hai bên khu vực sông Hồng, khu vực Nhật Tân - Nội Bài, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận chủ động trang trí, xây dựng, cải tạo cảnh quan trụ sở, nhà ở, nhà hàng, cửa hiệu, đường phố… tạo cảnh quan đặc sắc để khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm; khai thác và phát triển tối đa các sản phẩm du lịch đặc trưng và du lịch “xanh”  cho Tây Hồ.
 
Ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động về đầu tư, hoạt động về du lịch các chính sách thuế, thuê đất và các thủ tục hành chính liên quan…Đẩy mạnh thông tin truyền thông, xúc tiến quảng bá hình ảnh Hồ Tây. Mở rộng các hình thức thông tin, tuyên truyền; truyền thông quảng bá các sản phẩm của các Đề án sau khi hoàn thành trên các kênh truyền thông số, mạng xã hội; xây dựng các ấn bản phẩm văn hóa để giới thiệu hình ảnh, không gian, sản phẩm làng nghề, sản phẩm tiêu biểu của quận; mở rộng liên kết các hoạt động xúc tiến, quảng bá qua các sự kiện, hoạt động giao lưu, trao đổi, hợp tác với các quận, huyện khác và của Thành phố.
 
Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch, Tổng công ty du lịch Hà Nội để quảng bá hình ảnh, tạo điểm đến, lập bản đồ du lịch, trung tâm chung chuyển cũng như kết nối các tour, tuyến thăm quan gắn với các sản phẩm du lịch trên địa bàn quận. Đặc biệt là du lịch tâm linh, du lịch làng nghề truyền thống…
 
Tiếp tục triển khai Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận, giai đoạn 2021-2025”; Tập trung thực hiện Đề án “Chuyển đổi số và xây dựng quận Tây Hồ thông minh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn quận đến năm 2023, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp văn hóa từ đó khai thác triệt để các tiềm năng du lịch của quận”.

Lê Hải


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t