Đổi thay ở xã dân tộc miền núi Yên Bình (12:53 16/07/2018)


HNP - Là 1 trong 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) sáp nhập về thủ đô Hà Nội, sau 10 năm, xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) đã đổi thay về mọi mặt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, khang trang, to đẹp hơn những xã vùng đồng bằng…

Tuyến đường dẫn vào trung tâm xã Yên Bình cho thấy sự đổi thay nhanh chóng sau 10 năm về với Thủ đô


Từ xã miền núi nhiều khó khăn
 
Trên con đường nhựa rộng thênh thang dẫn vào trung tâm xã, 2 bên là những dãy nhà cao tầng mọc san sát, minh chứng cho sự phát triển trù phú của xã Yên Bình, chị Đinh Nghĩa Hương vừa giao hàng cho khách vừa kể: Trước đây, con đường này là đường đất, hễ có mưa là lầy lội, đi lại rất khó khăn. Từ khi về với Thủ đô, được huyện và Thành phố quan tâm, đầu tư trải nhựa, nhân dân đi lại rất thuận tiện, mọi hoạt động kinh tế cũng từ đó mà phát triển. Từ khi có con đường mới, gia đình chị Hương đã chuyển từ sản xuất nông nghiệp, thu nhập bấp bênh sang mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa, cho thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình khấm khá hơn trước.
 
Đó cũng là cảm nhận chung của cán bộ, nhân dân xã Yên Bình sau 10 năm về với thủ đô Hà Nội. Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần nhớ lại: Trước khi sáp nhập về Thủ đô, xã Yên Bình cũng như 3 xã miền núi khác của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, cơ sở vật chất gần như không có gì, hệ thống giao thông thì trên 90% là đường đất, lầy lội về mùa mưa, giao thông bị chia cắt. Hạ tầng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa chủ yếu là nhà cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng; hệ thống điện do nhân dân tự đóng góp xây dựng nên chất lượng không cao, có thôn còn chưa có điện…
 
Trên địa bàn xã còn có hồ thủy lợi xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, hệ thống kênh mương hoàn toàn chưa được đầu tư xây dựng; việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi gặp rất nhiều khó khăn, do xã có tới 40% là đồng bào dân tộc Mường, cùng với thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật… nên năng suất, sản lượng không cao. Thu nhập trên 1 ha canh tác năm 2007 chỉ đạt 72 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người của xã cũng chỉ đạt 9 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 14,5%...
 
Đến xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới
 
Trước tình hình đó, ngay sau khi sáp nhập về Thủ đô, xã Yên Bình nói riêng và 2 xã Yên Trung, Tiến Xuân đã được Thành phố và huyện chỉ đạo, đặc biệt quan tâm đầu tư để bắt kịp mặt bằng chung của các xã khác. Theo Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn, bên cạnh việc đầu tư cho 3 xã theo Chương trình số 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, Thành ủy còn ban hành Nghị quyết 06 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi TP Hà Nội”, trên cơ sở đó, huyện Thạch Thất đã ban hành Nghị quyết 21a, UBND huyện ban hành Kế hoạch 170…
 
Trong 10 năm qua, 3 xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân của huyện Thạch Thất đã được đầu tư trên 735 tỷ đồng để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó, riêng xã Yên Bình được đầu tư trên 200 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, xã đã triển khai trên 23 công trình, dự án, như xây mới và xây thêm trường Trung học cơ sở, trường Tiểu học và Mầm non; thay thế đường điện hạ thế, trạm biến áp; xây dựng mới 8 công trình đường giao thông trong các thôn, 2 đường giao thông liên thôn, liên xã; 1 nhà văn hóa trung tâm xã; nạo vét và kè 2 hồ thủy lợi, đồng thời, xây mới 6 công trình kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 
Đặc biệt, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong xã đã được chuyển giao khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ về giống, vốn (với tổng kinh phí trên 2,3 tỷ đồng) để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành các mô hình nuôi ong, nuôi dê sinh sản; mô hình chuyển đổi vườn tạp sang trồng thanh long ruột đỏ và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; hay các mô hình rau an toàn kết hợp với chăn nuôi hữu cơ, trong số đó tiêu biểu nhất là trang trại Hoa Viên, với quy mô hơn 60ha, cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng.
 
Từ sự quan tâm của Thành phố và huyện, với những giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực, diện mạo kinh tế - xã hội của Yên Bình có bước khởi sắc rõ nét. Đến năm 2017, giá trị sản xuất bình quân đạt 180 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 42 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,06%. Xã cũng hoàn thành toàn bộ 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, được UBND TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.
 
Quan trọng hơn, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường được quan tâm, gìn giữ và phát huy. Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần tự hào chia sẻ: “Trước đây khi chưa về Hà Nội, phụ nữ dân tộc Mường không thích mặc váy dân tộc, không biết đánh Cồng chiêng. Nhưng khi về Hà Nội thì ngược lại, phụ nữ thích mặc váy dân tộc và biết đánh Cồng chiêng”. Đến nay, 10 thôn của xã Yên Bình có tới 13 bộ Cồng chiêng, 10/10 thôn đều có đội Cồng chiêng thường xuyên luyện tập, giao lưu với nhau cũng như với các xã, các huyện khác.
 
Có được kết quả này, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho biết: Ngay sau hợp nhất, huyện xác định văn hóa Cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường cần phải được bảo tồn, phát triển. Chính vì thế, huyện đã mua tặng 3 xã, mỗi xã 1 bộ Cồng chiêng. Đồng thời, 4 tháng sau hợp nhất, huyện tổ chức Ngày hội văn hóa tại 3 xã, với mục đích nhận diện, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và loại bỏ dần những hủ tục. Đến nay, đồng bào 3 xã thực hiện rất tốt việc cưới, việc tang văn minh, tiết kiệm, trong đó, tỷ lệ hỏa táng ở 3 xã cũng cao nhất huyện Thạch Thất.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t