Doanh nhân Phạm Quang Hoàn và niềm tự hào thương hiệu Việt (15:08 23/12/2009)


HNP - Hàng ngày có biết bao các công trình công nghiệp, dân dụng trên phạm vi cả nước sử dụng những thiết bị điện như: dây và cáp điện chống cháy, các loại phụ kiện điện: công tắc điện, phích cắm điện, bản cực điện, công tác điện tử cảm ứng với chuyển động, công tắc điện tử cảm ứng với tiếp xúc, cửa cuốn công nghệ Úc... mang nhãn hiệu HWA-SUNG. Nhưng có lẽ họ chỉ hiểu đơn giản rằng đó là những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả lại hợp lý nên chọn mua chứ mấy ai biết được rằng sản phẩm thiết bị điện HWA-SUNG của Công ty Thiên Phú đã 27 lần nhận giải thưởng sản phẩm chất lượng cao: huy chương vàng, cúp vàng, siêu cúp thương hiệu mạnh của Bộ Công nghệ, Bộ khoa học- Công nghệ, nhiều huy chương vàng về chất lượng tiêu chuẩn quốc tế và nhiều giải thưởng cao quý khác; Giám đốc Công ty Phạm Quang Hoàn đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng: Sen vàng quê lụa, Doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Đặc biệt vừa qua là danh hiệu Doanh nhân văn hoá, Doanh nhân đất Việt thế kỷ 21 (do Trung tâm văn hoá doanh nhân Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam công nhận).

Câu chuyện về doanh nghiệp này lại càng kỳ diệu hơn nếu ta biết được rằng sản phẩm dây cáp điện chống cháy mang nhãn hiệu độc quyền  HWA-SUNG đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) cấp bản quyền, là niềm tự hào cho thương hiệu Điện Việt Nam. Mỗi khi có khách hàng nước ngoài đến Công ty, chỉ một câu nhận xét ngắn gọn “number one” cũng đã hàm chứa một sự thật khá đầy đủ rồi.
Nằm trên địa bàn cụm công nghiệp Hà Bình Phương thuộc xã Liên Phương (Thường Tín), Công ty mới chỉ bắt đầu chuyển về và đi vào hoạt động cách đây 7 năm. Nhưng những gì mà Thiên Phú có được hôm nay thì thật đáng khâm phục. Một trụ sở giao dịch độc lập và có đại lý bán buôn bán lẻ trên khắp 3 miền của Tổ quốc. Nhà máy sản xuất khang trang bề thế trên diện tích hơn một nghìn m2 đất, với dây truyền tự động hiện đại bậc nhất của Ý và Đức; đội ngũ cán bộ quản lý trong sản xuất, kinh doanh trẻ, nhiệt tình, năng động sáng tạo, bài bản đúng chuyên môn, phù hợp với sự phát triển của công ty trong tình hình mới. Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thời cơ và thách thức đan xen, Thiên Phú luôn tạo cho  mình vị thế vững chắc trong nền kinh tế hội nhập và phát triển toàn cầu.
Hôm nay ngồi trong phòng làm việc của Giám đốc, nghe chuyện về công ty mà tôi thấy sửng sốt. Nào là chuyện mặt trái của các doanh nghiệp khi hội nhập WTO, chuyện Thiên Phú do sản phẩm đạt chất lượng tốt nên đã bị công ty khác làm nhái thương hiệu, Thiên Phú chưa khiếu kiện thì công ty nọ còn vừa ăn cướp vừa la làng, đòi kiện lại... rồi câu chuyện về con số, doanh thu, về công nhân, về người, nhà xưởng khiến tôi không khỏi bàng hoàng. Mỗi tháng làm gì thì làm công ty cũng phải có được xấp xỉ 7 tỷ đồng. Và điều ngạc nhiên hơn chính là chuyện về người lãnh đạo công ty - Giám đốc, doanh nhân văn hoá Phạm Quang Hoàn…
Sinh ra và lớn lên ở thôn Xâm Động, xã Vân Tảo, Thường Tín. Bố anh được coi là người “khai quốc công thần” cho ngành giáo dục của huyện, hoà bình lập lại ông là một trong những người lập nên những trường học đầu tiên của huyện Thường Tín. Sẵn dòng máu văn chương, trí thức của cha anh truyền lại, ngay từ nhỏ Phạm Quang Hoàn đã yêu thích văn chương và trở thành một học sinh giỏi văn, đã từng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi học sinh giỏi. Có lẽ anh sẽ đeo đuổi nghiệp văn chương nếu như cùng một lúc anh không nhận được hai giấy báo, một của khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp, hai là giấy gọi nhập ngũ. Và cũng từ quyết định nhập ngũ năm 1967 ấy cuộc đời và sự nghiệp Phạm Quang Hoàn rẽ sang một hướng khác.
Sau hơn một năm chiến đấu tại chiến trường B, anh bị thương nên được chuyển về Tổng Cục hậu cần làm công tác tuyên truyền chính trị. Con đường đưa anh đến với khoa học kỹ thuật và những thành công trong sản xuất kinh doanh được đánh dấu vào năm 1987 khi anh chuyển sang công tác tại Hội Khoa học công nghệ Hà Nội. Một ý nghĩ táo bạo nhưng cũng rất thực tế trong anh lúc ấy là: Việt Nam rừng vàng biển bạc vậy sao lại không tận dụng. Nghĩ vậy anh đã đi nhiều nơi, đặt chân đến rất nhiều tỉnh miền núi để tìm hiểu nghiên cứu các dạng tài nguyên khoáng sản. “Không có trường đại học nào tốt bằng trường đại học thực tế”. Đó là câu anh tự răn mình và hướng mình vào nghiên cứu ứng dụng. Cụ thể là, đi đến đâu bằng những việc làm nhỏ của mình anh cũng mang đến niềm vui cho bà con dân bản, được người dân yêu quý và giúp đỡ. Đến Hà Bắc để khai thác mỏ đồng anh đã hướng dẫn người dân làm ra Sunfat đồng để phun lên cây cà chua, chống sương muối. Hay bằng những kiến thức về đông y anh đã hướng dẫn bà con dân tộc biết cách chữa một số bệnh. Qua thời gian nghiên cứu, mày mò đã đưa anh làm thành công một dự án cấp Nhà nước: Sản xuất ra đồng kim loại từ quặng đồng ở Việt Nam bằng phương pháp điện phân. Theo nguyên lý và công nghệ của Liên Xô lúc đó phải tốn 12 KW điện mới điện phân được 1KW đồng. Đề tài của anh thành công chỉ tốn có 4,5 KW điện đã được 1KW đồng. Đề tài này thành công đã đưa Phạm Quang Hoàn trở thành một trong những người đầu tiên sản xuất đồng thành công trong cả nước và đưa Việt Nam trở thành nước thứ 6 làm ra đồng kim loại từ quặng.
- Mọi người đánh giá thế nào về đề tài này thưa anh?
Đề tài này đã thu hút sự chú ý của mọi người một cách đặc biệt. Từ các nhà khoa học, đến các cán bộ lãnh đạo Đảng, nhà nước, các cán bộ cao cấp từ trung ương đến điạ phương quan tâm. Và cũng thật vui mừng khi từ dự án đó một hội thảo khoa học về Đồng đã được thực hiện.
- Đó có phải là bước mở đầu cho thành công của anh khi đến với ngành điện?
Nói là bước đầu thì cũng đúng, đó là động lực giúp tôi nghĩ tiếp và bước tiếp. Nhưng để có những bước tiến nổi trội như hôm nay thì cũng nhiều gian truân lắm.
Rời quân ngũ, về nghỉ chế độ năm 1993, hai vợ chồng chỉ có hai ba lô con cóc làm bạn. Bao khó khăn chồng chất. Không có nhà để ở, không một đồng vốn để làm ăn. Với anh tìm ra một giải pháp để tăng thu nhập lúc này là một việc hết sức cấp bách. Anh bàn với vợ vay vốn của anh em, họ hàng mua lại một xưởng sản xuất cũ ở Hà Nội, thành lập một cơ sở thương binh tàn nhưng không phế, sản xuất mặt hàng chính là giấy vở học sinh mà công nhân là hầu hết anh em bạn bè thời chiến đấu, xuất ngũ chưa có việc làm. Xưởng sản xuất giấy đã đảm bảo cuộc sống cho anh em thương binh, một phần lãi anh đem tặng cho các học sinh con thương binh, gia đình chính sách của thành phố Hà Nội. Đến bây giờ anhh vẫn cho quyết định đó là đúng đắn. Tuy kinh doanh, sản xuất giấy vở nhưng những ý tưởng về điện vẫn bám riết và đeo đuổi anh, chỉ chờ cơ hội là anh thực hiện ước mơ của mình. Và cơ hội đã đến, năm 1995 Công ty Thiên Phú chính thức ra đời, đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Thiên Phú ra đời với sản phẩm dây và cáp điện chống cháy có phải là một bước đột phá thứ hai?
Không phải bước đột phá mà là những dự định ấp ủ từ lâu, những băn khoăn trăn trở đã được lý giải và cái quan trọng là muốn sản phẩm của mình đến người tiêu dùng một cách an toàn. Từ thực tế khí hậu của Việt Nam, sản phẩm dây dẫn điện ở trong nước thời gian này chưa nhiều, chất lượng vỏ bọc dây điện còn hạn chế, hệ thống cách điện kém nên thường bị nóng chảy khi sử dụng. Qua nghiên cứu, tôi thấy rằng từ 70 đến 80% vụ gây ra hoả hoạn ở Việt Nam là từ dây cáp điện. Từ đó tôi đã nghiên cứu đề tài cho ra đời loại dây dẫn điện mới, có khả năng chống cháy. Dây cáp điện chống cháy Thiên Phú ngoài đạt tiêu chuẩn do ngành điện đề ra còn vượt trội bởi sức bền gấp 10 lần so với sản phẩm nơi khác. Chính vì vậy sản phẩm này đã được Hội đồng thẩm định cấp thành phố bao gồm nhiều giáo sư, tiến sỹ đầu ngành phản biện lại. Tôi đã có những lý lẽ để chứng minh và quan trọng hơn là sản phẩm của tôi đã được đem thực hành, đốt ngay trước Hội đồng thẩm định. Và cuối cùng thì sản phẩm đã được đánh giá cao, được thừa nhận chất lượng ngang với sản phẩm trên thị trường các nước Châu Âu. Cũng từ đó Hội đồng đã cho sử dụng nguồn vốn nghiên cứu khoa học của thành phố để thực hiện đề tài.
Năm 2005 anh đã chuyển cả Công ty Thiên Phú về đóng trên cụm công nghiệp Hà Bình Phương thuộc xã Liên Phương - Thường Tín. Nhiều người khuyên ngăn quyết định của anh - một công ty đang trên đà phát triển đóng tại thủ đô, hà cớ gì lại di chuyển để lại mất công gây dựng từ đầu? Nhưng họ đâu biết rằng anh quyết định chuyển công ty về địa phương một phần cũng vì giải quyết công ăn việc làm cho người lao động của quê hương. Và không chỉ làm vậy vừa khẳng định vị trí của mình trên vùng đất mới, anh vừa tham gia vận động bạn bè về địa phương anh mở công ty. Hiện nay hơn 10 công ty mà anh kêu gọi có mặt trên địa bàn huyện Thường Tín đã tạo công ăn việc làm cho không ít người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo. Giờ đây Thiên Phú đã có một quy mô nhà xưởng khang trang với những dây truyền sản xuất hiện đại. Từ những dây truyền sản xuất này mỗi tháng công ty sẽ cho ra lò khoảng 4 triệu mét dây điện các loại. Công ty còn cung cấp các sản phẩm dây cáp điện chống cháy dùng trong ngành Công nghiệp điện lực. Tổng cộng đến nay công ty đã đa dạng hoá bằng sự có mặt của 12 loại sản phẩm điện ở hơn 100 đại lý trên cả nước. Trong đó có nhiều loại sản phẩm độc quyền, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động. Tăng doanh thu năm 2006  là trên 80 tỷ đồng. Sắp tới anh đang thuê thêm 4-5ha đất để phát triển sản xuất đường dây cáp ngầm, dây điện trung thế, dây điện  cao thế... Trong những năm qua Thiên Phú đã có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc dân như: giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu người/ tháng, nộp đầy đủ những tài khoản thuế và các nghĩa vụ khác cho nhà nước; tham gia tích cực vào các phong trào từ thiện do các tổ chức phát động.
 Đối với con em gia đình chính sách, anh luôn dành tình thương và sự quan tâm đặc biệt. Đời sống của công nhân trong công ty được anh bố trí nơi ăn, nghỉ sạch sẽ, thoáng mát, và được tham gia đóng bảo hiểm xã hội toàn bộ trong công ty. Với anh quan tâm đến đời sống người lao động chính là cách động viên họ hăng say lao động, làm cho họ tin tưởng góp sức xây dựng công ty ngày càng vững mạnh. Điều đó không phải người lãnh đạo nào cũng thấu được. Anh bảo để cho đội ngũ công nhân của anh vào nếp, mang tác phong công nghiệp như hôm nay không phải là việc dễ dàng. Ban đầu chuyển về địa điểm mới, có nhiều cái khó cùng một lúc nhưng cái khó khăn nhất là làm sao chuyển được tâm lý thụ động, thói quen, nếp sinh hoạt của người dân nông thôn và tư duy nông nghiệp vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân thành tư duy công nghiệp như nước ngoài. Kinh doanh là vậy. Đòi hỏi ở người lãnh đạo phải vừa nghiêm khắc vừa mềm dẻo trong cách xử lý và trên hết là tình thương và trách nhiệm đối với công ty, đặt lợi ích tập thể làm mục đích kinh doanh và vì mục tiêu làm giàu chính đáng. Chân lý đó đã giúp anh lấy được niềm tin và sự kính trọng ở mọi người. Trong cuộc sống cũng như trên thương trường anh luôn lấy đức độ làm trọng. Và đức độ của anh chính là sự khẳng định thương hiệu bằng giá trị sản phẩm: nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, hạ giá thành thiết kế, công nghệ, nắm bắt kịp sự phát triển về tri thức của thế giới để tạo cơ hội vượt lên. Kinh doanh là một cuộc cạnh tranh nhưng phải cạnh tranh lành mạnh, là một cuộc thi tài về chất xám chứ không phải vừa ăn cướp lại vừa la làng như một số công ty. Dùng nhãn mác hàng hoá của người khác để bán hàng của mình, hoặc vì lợi nhuận bất chấp đến thiệt hại của người tiêu dùng là những chiêu cạnh tranh không lành mạnh, cần phải lên án.
Đã ở tuổi 60, Giám đốc Phạm Quang Hoàn vẫn thể hiện là một lãnh đạo năng động và tháo vát, nhạy bén với sự hội nhập và phát triển của nền kinh tế mới. Lúc thấy anh xuất hiện ở Hà Nội, Khi chỉ đạo ở Thiên Phú, thoắt ẩn thoắt hiện hết trong Nam ngoài Bắc để tham khảo thị trường. Thời gian gần đây, Giám đốc “đóng đô” ở Cao Bằng. Bởi không chỉ mở rộng sản xuất trên địa bàn xã Liên Phương. Khi nhà máy Thiên Phú đi vào ổn định, Giám đốc Phạm Quang Hoàn lại mạnh dạn xây dựng một khu sản xuất tại cửa khẩu huyện Phúc Hoà, tỉnh Cao Bằng. Đó là dự án đầu tư, chế biến, khai thác các loại khoáng sản ra hàng hoá. Trước kia Việt Nam chỉ dùng lò luyện theo công nghệ cũ, dùng than cốc nhập ngoại. Loại này giá thành rất đắt. Bằng cách mày mò, nghiên cứu anh đã hoán cải luyện ra than cầu từ than cám của Việt Nam. Sản phẩm này có giá thành hạ hơn rất nhiều. Dây chuyền sản xuất đó cũng do anh tự nghiên cứu và đang dần đi vào hoạt động ứng dụng. Anh bảo anh có duyên nợ với miền núi, anh vẫn thấy ở đấy có nhiều tiềm năng phong phú nhưng chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả. Việt Nam chỉ xuất khẩu quặng thô thì phí quá. Trong khi đó kim loại Việt Nam phần lớn vẫn là nhập ngoại, đời sống của bà con dân tộc còn nhiều lắm những khó khăn.
Việt Nam gia nhập WTO, thời cơ và thách thức mới. Thiên Phú cũng không nằm ngoài quy luật đó. Một mặt Thiên Phú đang tận dụng mọi cơ hội mà sự gia nhập WTO mang lại, đặc biệt là việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của công ty đi các nước. Bên cạnh đó cũng phải làm thế nào để tăng mức độ cạnh tranh ở cả hai yếu tố công nghệ và quản trị... Tất cả đều phụ thuộc vào vai trò to lớn của người đứng mũi chịu sào: Giám đốc - Doanh nhân văn hóa Phạm Quang Hoàn./.  
 


Ngọc Khánh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t