Khắc phục những tồn tại trong triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (16:20 31/12/2019)


HNP - Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, Thành ủy, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện đồng bộ một khối lượng lớn các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, sau hơn 08 năm triển khai thực hiện, Thành phố cũng đã nhận thấy một số các tồn tại, bất cập cần có những giải pháp khắc phục.

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh, các tồn tại, bất cập đó là: Đồ án quy hoạch ngành, mạng lưới, lĩnh vực,… còn chưa đồng bộ với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất triển khai theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Công tác lập và thẩm định quy hoạch đô thị tuy đã đạt được khối lượng lớn nhưng còn chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Việc thực hiện phân cấp trong công tác quy hoạch của UBND cấp huyện còn nhiều lúng túng, một phần do quy định chưa rõ ràng, chưa xác định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị. Việc triển khai thực hiện quy hoạch sau khi phê duyệt còn chậm, nhất là ở các địa phương.

Bên cạnh đó, còn thiếu nguồn lực và tính tập trung trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, cải tạo chung cư cũ, công tác giải phóng mặt bằng… khiến bộ mặt đô thị chưa được đồng bộ, khang trang. Bên cạnh đó, triển khai đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội lớn (cấp vùng - liên vùng, cấp thành phố) còn chậm, phụ thuộc vào cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và năng lực nhà thầu. Ngoài ra, công tác quản lý trật tự xây dựng còn hạn chế; việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng, nhà đất "siêu mỏng, siêu méo" còn chậm so với yêu cầu.

Lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc cho rằng, những hạn chế tồn tại kể trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do khối lượng các đồ án quy hoạch rất lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn. Việc đồng thời tổ chức triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đô thị với khối lượng lớn và yêu cầu cao về chất lượng là một thách thức; Nhiều dự án trên địa bàn phải được rà soát, khớp nối đồng bộ với các quy hoạch, dự án khác mất nhiều thời gian và khó khăn cho công tác lập, thẩm định.

Bên cạnh đó, việc xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan chưa nhận được sự đồng thuận, thống nhất, mất thời gian hoàn chỉnh (như Quy hoạch phân khu đô thị Ga Hà Nội, quy hoạch phân khu H1, Quy chuẩn 4 quận…) hoặc phải chờ các quy hoạch liên quan để khớp nối, thống nhất (Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống phải chờ “Điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020”…).

Đội ngũ tư vấn có kinh nghiệm, năng lực lập các đồ án quy hoạch có quy mô lớn không nhiều cũng là một trong những khó khăn. Hiện đội ngũ này đang tập trung chủ yếu vào Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) và một số đơn vị tư vấn của các Hội dẫn đến quá tải, không đảm bảo về tiến độ và chất lượng yêu cầu.

Ngoài ra, sự đồng thuận của cộng đồng đối với một số quy hoạch chưa cao, đặc biệt là các quy hoạch về vệ sinh môi trường, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, nhà tang lễ, nghĩa trang… chưa nhận được sự ủng hộ của người dân. Một số đồ án quy hoạch UBND Thành phố có chủ trương mời tư vấn nước ngoài thực hiện (quy hoạch chi tiết làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc) còn gặp vướng mắc về đơn giá, định mức và kêu gọi tài trợ nên công tác phê duyệt dự toán và lựa chọn thầu kéo dài. Các quy định hiện hành còn có những chồng chéo, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chưa được các cấp thẩm quyền kịp thời tháo gỡ (ví dụ Luật Quy hoạch đô thị với Luật Nhà ở; Luật Thủ đô với Luật Cư trú; Các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thiếu…), Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có các văn bản gửi Bộ Xây dựng hoặc gửi các sở, ngành để tổng hợp báo cáo thẩm quyền,…

Về nguyên nhân chủ quan, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, việc xây dựng kế hoạch lập quy hoạch còn có những hạn chế, chưa dự báo được sự phức tạp trong quá trình tổ chức thực hiện. Một số đề án lần đầu tổ chức thực hiện dẫn đến còn chậm tiến độ như Chương trình phát triển đô thị; quy hoạch các chung cư cũ; Việc áp dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, chủ yếu mới chỉ kiểm soát được số lượng, tình trạng và thủ tục hành chính; Chưa liên thông được từ Thành phố đến các sở, ngành, quận huyện; Việc thống kê chi tiết, đối chiếu, so sánh lũy kế, cùng ký… vẫn phải thực hiện thủ công làm mất nhiều thời gian thực hiện, thiếu chính xác, thống nhất giữa các kỳ báo cáo, các sở ngành, địa phương.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế, Thành phố cần tập trung nghiên cứu các công cụ quản lý nhằm tạo bản sắc, bộ mặt kiến trúc đô thị; Đặc biệt đối với khu vực nội đô cần cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, cần khẩn trương triển khai quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý các khu vực quan trọng, đặc thù làm công cụ quản lý đô thị;… Đối với khu vực nông thôn, tập trung triển khai quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng đặc thù, quy chế quản lý các thị trấn… làm công cụ quản lý và kêu gọi đầu tư, tạo động lực phát triển.

Cùng với đó, cần xây dựng và hoàn thiện “Chương trình phát triển đô thị” để triển khai theo định hướng quy hoạch, tập trung vào các khu vực trung tâm Thành phố; tập trung ưu tiên giải quyết các dự án tạo động lực phát triển đô thị theo lộ trình phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội Thủ đô; Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành trong công tác di dời nhằm tạo quỹ đất phục vụ các công trình hạ tần thiết yếu, công trình công cộng, tái thiết khu vực đô thị trung tâm; Rà soát bổ sung các địa điểm xây dựng công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn Thành phố nhằm giải quyết nhu cầu dân sinh bức xúc.

Đồng thời, công bố công khai, bàn giao kịp thời các Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra các dự án thực hiện theo quy hoạch được duyệt; phối hợp các địa phương trong việc quản lý đô thị, trật tự xây dựng. Các Sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát các đồ án, dự án đã quá thời gian được giao thực hiện, đã được gia hạn, các dự án sử dụng sai mục đích,… báo cáo cấp thẩm quyền kiên quyết thu hồi, tổ chức đấu giá hoặc tạo quỹ đất phục vụ đối ứng cho các dự án BT của Thành phố.


Hoàng Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t