Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Thành phố Hà Nội (09:35 16/10/2019)


HNP - Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, nhờ đó, Đảng bộ luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, chi bộ, việc tổ chức quán triệt, lãnh đạo triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết cấp trên còn hạn chế cần phải có những giải pháp khắc phục để xây dựng Đảng bộ thực sự vững mạnh.

Trong các giải pháp đó, thứ nhất, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng. Xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức chỉ có thể đạt được kết quả cao khi có sự thống nhất trong nhận thức của cấp ủy các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, Đảng ủy trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tổ chức, lực lượng về vị trí, vai trò của Đảng bộ, các chi bộ đối với việc thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng; trong công tác xây dựng đội ngũ đảng viên; là cầu nối giữa Đảng với quần chúng. Qua đó, làm cho đội ngũ đảng viên nhận thức đúng Đảng bộ nhà trường, các chi bộ trực thuộc là trung tâm đoàn kết, nhân tố quyết định hàng đầu để cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng; trong đó, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tự học tập của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên, cán bộ chủ trì. Đồng thời, chủ động nắm, quản lý và làm tốt công tác định hướng tư tưởng; tăng cường giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp công nhân và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ đảng viên để họ đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ; chú trọng bồi dưỡng nguồn phát triển đảng, bồi dưỡng đảng viên mới và học tập chỉ thị, nghị quyết theo quy định. Trong sinh hoạt, cấp ủy, chi bộ cần phát huy dân chủ, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết thống nhất cao; tăng cường thông tin tuyên truyền,… tạo sự chuyển biến nhận thức cho đảng viên về vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ và sự cần thiết phải xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Hai là, tập trung xây dựng, hoàn thiện hoạt động của các chi bộ trực thuộc Đảng ủy nhà trường phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Hiện nay, loại hình chi bộ đảng trong Đảng bộ nhà trường đa dạng, có chi bộ các khoa, chi bộ các phòng, chi bộ học viên. Do vậy, nội dung xây dựng và hoàn thiện các chi bộ cần chú trọng chặt chẽ hơn nữa theo chức năng nhiệm vụ của từng loại chi bộ, để các chi bộ thực hiện lãnh đạo đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, cần hoàn thiện tiêu chí xây dựng bí thư đồng thời là trưởng phòng, trưởng khoa (phó bí thư là cán bộ cấp phó trưởng phòng, khoa); quy định về giải quyết quan hệ giữa bí thư là cấp phó với phó bí thư là cấp trưởng trong công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, phòng, khoa. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy các cấp cần coi trọng việc nâng cao chất lượng cấp ủy, trong đó lấy tiêu chuẩn cấp ủy viên là trọng yếu, đảm bảo cho họ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, đạo đức trong sáng, lối sống trung thực, lành mạnh, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi; nắm vững đường lối chính trị, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có khả năng nắm bắt thực tiễn để đề xuất biện pháp đóng góp vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, luôn nghiêm túc tự phê bình, phê bình và giữ gìn đoàn kết thống nhất trong đơn vị. Đồng thời, kiên quyết đưa những người yếu kém về phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống ra khỏi cấp ủy; kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch, tạo nguồn cán bộ với củng cố, kiện toàn cấp ủy các cấp.

Ba là, chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, coi trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, yêu cầu, nguyên tắc tập trung dân chủ trong tình hình mới; đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ. Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, quy chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ cho từng lĩnh vực, từng mặt công tác xây dựng Đảng. Mở rộng dân chủ, đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; xây dựng các thiết chế, cơ chế phát huy dân chủ, bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thảo luận, chấp vấn, phê bình, thông tin, bảo lưu ý kiến. Thực hiện nghiêm chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách; thể chế hóa thành các quy chế, quy định cụ thể về tổ chức, lề lối làm việc, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để vừa giữ vững lãnh đạo tập thể, vừa phát huy mạnh mẽ trách nhiệm cá nhân; trong đó, phải quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị.

Cấp ủy, chi bộ cần coi trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề theo hướng cụ thể, sát thực tế của cơ quan, đơn vị mình. Yêu cầu khi chuẩn bị nội dung sinh hoạt phải chu đáo, đúng quy định của Đảng và sát với nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhiệm vụ chính trị trung tâm. Trong sinh hoạt cần tiến hành tốt các nội dung, phổ biến, trao đổi về tình hình chính trị nổi bật; công tác đào tạo cán bộ của Nhà trường trong từng thời gian; các vấn đề liên quan trực tiếp đến cơ quan, khoa, phòng, các lớp học; từ đó, định hướng tư tưởng, đề cao trách nhiệm, phân công công tác cho cán bộ, đảng viên. Hằng năm, đảng bộ, từng chi bộ xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề, nội dung tập trung vào thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và phát huy vai trò của tổ chức quần chúng tham gia xây dựng Đảng. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng; Quy định của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm; về những điều đảng viên không được làm. Cấp ủy, chi bộ phải giám sát toàn diện đảng viên trên các mặt, kể cả đảng viên là cán bộ do cấp ủy cấp trên quản lý; chú trọng kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng; kịp thời phát hiện cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân vi phạm kỷ luật, không có ngoại lệ. Cùng với đó, thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở thông qua hoạt động của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị- xã hội của nhà trường; cấp ủy viên các cấp lắng nghe góp ý của quần chúng đối với tổ chức đảng, đảng viên và giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của họ. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của tổ chức quần chúng, trong việc tham gia xây dựng Đảng và giám sát cán bộ, đảng viên.

Trên đây là một số giải pháp cơ bản góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội. Quá trình tổ chức thực hiện, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng cho phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, các phòng, khoa, chi bộ lớp học để góp phần xây dựng Đảng bộ nhà trường vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đủ sức lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ do thành phố giao cho.


Ths. Nguyễn Danh Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t