Lan tỏa những tấm gương lao động, sản xuất giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số thủ đô (13:21 28/12/2017)


HNP - Thời gian qua, công tác hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được các cấp, các ngành thành phố Hà Nội coi trọng. Cùng với việc hỗ trợ về cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất, nhiều bà con là đồng bào DTTS thủ đô cũng tích cực vượt lên hoàn cảnh trở thành những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất và được nhiều người dân ở địa phương noi theo.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn thăm mô hình chè của đồng bào dân tộc thiểu số xã Ba Trại


Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi và đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng. Cùng với đó, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS cũng dần hình thành và phát triển, đội ngũ những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự phát huy vai trò và tham gia tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. 
 
Người có uy tín đã tích cực vận động và giúp đỡ nhiều hộ đồng bào tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Bản thân người có uy tín và gia đình có nhiều đóng góp tích cực như: hiến đất làm đường, tham gia lao động công ích, gương mẫu trong phát triển kinh tế hộ gia đình, đã vận dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, sử dụng các giống ngô, lúa mới cho năng suất cao, bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả...
 
Điển hình như chị Bùi Thị Ngọc, dân tộc Mường, xã Tiến Xuân, Thạch Thất (Hà Nội). Chị làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn rừng, gà thả đồi. Chị cho biết: gia đình chị cũng như nhiều hộ khác ở xã Tiến Xuân trước đây chỉ sản xuất nông nghiệp thuần túy, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng chị quyết tâm tìm ra còn đường để phát triển kinh tế trên chính quê hương mình. Nhờ sự quan tâm của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, khuyến khích phát triển sản xuất, vợ chồng chị đã tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi thú y. Bước đầu khi chưa có kinh nghiệm và vốn, chị nuôi 4 con lợn rừng nái gây giống và 100 con gà thả đồi, thức ăn chủ yếu tận dụng sẵn có của gia đình. 
 
Cùng với việc phát triển chăn nuôi, với sự hỗ trợ của xã, chị cũng kết hợp trồng 4ha cây keo, trồng cây ăn quả như bưởi Diễn, đu đủ, rau các loại, nuôi cá... Năm 2016, khi đã có kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi, gia đình chị mạnh dạn xây dựng thêm chuồng trại. Hiện nay, gia đình chị nuôi 40 con lợn rừng thả đồi, 2 trại gà thả đồi, mỗi lứa 3.000 con. Bình quân, mỗi năm, gia đình chị có thu nhập đạt trên 300 triệu đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho 2 lao động thường xuyên với mức thu nhập mỗi tháng 5-6 triệu đồng và 6 lao động thời vụ. 
 
Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, chị còn là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tiến Xuân. Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế của gia đình, khi đảm nhiệm vai trò cán bộ phụ nữ xã, chị luôn vận động, giúp đỡ các chị em tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn rừng, gà thả đồi. Hiện nay, trên địa bàn xã Tiến Xuân đã có nhiều gia đình áp dụng mô hình chăn nuôi theo phương pháp mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Cùng với nhiều tấm gương về phát triển kinh tế, trong đồng bào dân tộc thiểu số còn có nhiều cán bộ cơ sở là đồng bào DTTS tích cực tham gia công tác Đảng, chính quyền ở cơ sở, nắm vững chủ trương chính sách của nhà nước đồng thời gắn kết với nhân dân. Ông Lương Quang Chi, dân tộc Mường, xã Minh Quang, Ba Vì, ông người cán bộ mặt trận tâm huyết, năm nay đã 75 tuổi, là ông Chi Hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Sổ. Chi hội của thôn ông có 80 thành viên, phần lớn đều độ tuổi từ 60 trở lên. 
 
Ông cho biết, những người cao tuổi sống ở vùng miền núi của Thủ đô nên việc đi lại, giao tiếp với xã hội còn nhiều hạn chế, điều đó đã ảnh hưởng phần nào đến việc tiếp cận, cập nhật những thông tin liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Được bà con tín nhiệm là người có uy tín trong cộng đồng, bản thân ông thường xuyên làm công tác tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, chính sách đoàn kết dân tộc. 
 
Chia sẻ về kinh nghiệm tiếp cận hội viên người cao tuổi, ông cho biết, khi tuyên truyền, ông luôn tìm cách truyền đạt sao cho ngắn gọn, dễ hiểu nhất, nhờ đó, các thành viên trong Chi hội đều thông suốt các chủ trương, chính sách khi triển khai đến bà con. Trên địa bàn xã Minh Quang hiện nay có 15 người có uy tín, ông luôn tự giác đi đầu trong mọi công tác của địa phương. Trong gia đình, ông cũng luôn giáo dục con cái làm việc và học hành chăm chỉ.
 
Tại buổi gặp mặt, biểu dương những người có uy tín trong đồng bào DTTS, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng: không chỉ gương mẫu, đi đầu tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình này còn động viên người thân trong gia đình, dòng họ và mọi người trong thôn, bản phát triển sản xuất, ổn định đời sống, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; vận động tất cả mọi người đề cao, có trách nhiệm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá đặc sắc của các dân tộc, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc.
 
Trong thời gian tới, Chủ tịch cũng yêu cầu các đơn vị cần quan tâm xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo thu nhập ổn định, bền vững cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô; Tiếp tục vận động các quận hỗ trợ nguồn lực cho các huyện vùng dân tộc thiểu số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t