Triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển nghề, làng nghề (14:52 12/07/2017)


HNP - Sở Công Thương Hà Nội vừa đánh giá tình hình phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Đàm Tiến Thắng, thành phố Hà Nội hiện có 297 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được công nhận, trong đó, có 47 nghề trong tổng số 52 nghề thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc. Nhiều nghề vẫn giữ nhịp độ phát triển tốt như: sơn mài, khảm trai, điêu khắc, mộc dân dụng, gỗ mỹ nghệ, thêu, ren, dệt lụa, khăn bông, may, da giày, cơ kim khí, gốm sứ, dát quỳ vàng bạc, chế biến nông sản thực phẩm, nuôi trồng hoa cây cảnh, sinh vật cảnh. Các làng nghề có doanh thu cao như: Điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng (Hoài Đức) doanh thu đạt 2.805 tỷ đồng/năm; chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu (Hoài Đức) 1.600 tỷ đồng/năm; dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) 250 tỷ đồng/năm; rèn Đa Sỹ (Hà Đông) 288 tỷ đồng/năm; mộc cao cấp Vạn Điểm (Thường Tín) 587 tỷ đồng/năm; hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm) 483 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân lao động tại các làng nghề đạt từ 4 đến 5 triện đồng/người/tháng. Các sản phẩm của làng nghề ngày càng có uy tín trên thị trường, tạo nhiều việc làm cho người lao động trong và ngoài địa phương. Một số sản phẩm dệt may, chế biến nông sản, đồ gốm sứ, mộc mỹ nghệ xuất khẩu mạnh sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản và thị trường Châu Âu.

Theo đánh giá, công tác phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn thành phố được các cấp, các ngành rất quan tâm. Đồng thời coi công tác quản lý hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương. Một số chương trình hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề được triển khai hiệu quả như: Đào tạo nghề, nhân cấy nghề cho lao động nông thôn; chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức tham gia các hội chợ thủ công mỹ nghệ trong nước và quốc tế; chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc và làng nghề gốm sứ Bát Tràng; chương trình áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị khoa học công nghệ...

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ trong công tác phát triển nghề, lành nghề của thành phố triển khai còn chậm, chưa đạt hiệu quả như: Xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề; cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông tại các làng nghề; hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề; duy trì và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu tập thê của các làng nghề sau khi đã được thành phố hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể...

Để triển khai có hiệu công tác quản lý phát triển nghề, làng nghề 6 tháng cuối năm, Sở Công Thương đã xác định rõ tập trung vào một số nội dung như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về phát triển nghề, làng nghề; giúp người dân làng nghề trong việc tiếp cận các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để đầu tư sản xuất kinh doanh; tuyên truyền quảng bá chương trình du lịch gắn với sản phẩm làng nghề; xây dựng các tour du lịch làng nghề phù hợp nhu cầu, thị hiếu của du khách. Cùng với đó, áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị khoa học công nghệ và quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường làng nghề; phát triển thương hiệu, công nhận làng nghề, nghệ nhân...


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t