Thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng 05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm (22:21 28/03/2021)


HNP - Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chiều 28/3, trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp 9 tháng cuối năm 2021 và để tạo tiền đề thực hiện các nhiệm vụ cho các năm từ 2021- 2025, Thành phố Hà Nội đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ 05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.  

Quang cảnh buổi làm việc


Theo đó, về việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, đến nay, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 97/2019/QH14 đã được thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Ban soạn thảo dự thảo Nghị định biên soạn, thực hiện các thủ tục, lấy ý kiến các tổ chức, nhân dân. Thành phố đã tổ chức hội nghị, các phiên thảo luận để tiếp tục rà soát, trao đổi, bổ sung đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình thẩm định và báo cáo giải trình với Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp theo đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, Thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng xem xét, sớm ký ban hành để thành phố Hà Nội triển khai thực hiện.
 
Về kế hoạch đầu tư công, dự kiến tổng nhu cầu chi của Thành phố giai đoạn 2021-2025 là 965 nghìn tỷ đồng, trong đó, nhu cầu đầu tư công khoảng 650 nghìn tỷ đồng, khả năng cân đối ngân sách Thành phố Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 30-35% nhu cầu. Thành phố đầu tư 455 dự án công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư gần 207 nghìn tỷ đồng. Đây là các dự án quan trọng cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch giao thông Thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giải quyết ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển KT-XH, tăng cường liên kết vùng và đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong khu vực. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố Hà Nội trên mức 35% để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô giai đoạn 2022-2025, đáp ứng trách nhiệm, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô và phục vụ phát triển hội nhập của cả nước.
 
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối nguồn lực, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 quốc gia 4 dự án lĩnh vực giao thông với nhu cầu vốn 21.351 tỷ đồng giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng (Bao gồm các  dự án: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, Km14+380 - Km38+00; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 32, đoạn từ Sơn Tây đến cầu Trung Hà; Xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; Xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và đường nối ra Quốc lộ 32). Ngoài ra, cho phép Thành phố Hà Nội rà soát quỹ nhà đất công dôi dư sau khi sắp xếp trụ sở, di dời cơ sở sản xuất, giáo dục, y tế... các cơ quan đơn vị của Trung ương và Thành phố, quỹ nhà đất chuyên dùng của Thành phố và rà soát quỹ đất trước đây đã quy hoạch làm quỹ đất đối ứng thực hiện các dự án BT, nay dừng triển khai (dự kiến khoảng 8.900ha) để tổ chức đấu thầu, đấu giá tạo nguồn đầu tư phát triển các công trình giao thông trọng điểm. 
 
Đối với khó khăn, vướng mắc khi triển khai đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị, về vị trí ga C9 trong tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo), đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vị trí nhà ga C9 theo đúng dự án đầu tư và quy hoạch giao thông đã được phê duyệt và giao Thành phố chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng thống nhất các yếu tố, điều kiện về kỹ thuật chạy tàu, yêu cầu của Luật Di sản Văn hóa để xác định cụ thể phạm vi, các yêu cầu của lối lên, xuống và các yêu cầu về kỹ thuật khác để thiết kế, hạn chế ít nhất ảnh hưởng đến di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm. Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm tháo gỡ vướng mắc về bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương trình Quốc hội phê duyệt đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; phê duyệt chủ trương đầu tư Tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc sử dụng vốn đầu tư công và nguồn vốn khác.
 
Đối với việc đầu tư các cầu lớn qua Sông Hồng, Hà Nội mong muốn Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương phát triển đồng bộ các cầu qua Sông Hồng. Trong đó, Dự án cầu Tứ Liên (tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng), cầu Thượng Cát (khoảng 9.000 tỷ đồng) trước đây Thành phố đã kêu gọi đầu tư theo hình thức BT nay do hình thức BT đã bị hủy bỏ, Thành phố chủ trương chuyển đổi thực hiện bằng đầu tư công và hình thức đầu tư khác phù hợp.
 
Về lĩnh vực quy hoạch, vừa qua, Thành phố đã phê duyệt 6 phân khu quy hoạch đô thị khu vực nội đô lịch sử (quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng), nâng tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị từ 86% lên 96%. Thành phố đã báo cáo Chính phủ và Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Để thực hiện đồng bộ, nâng cao tính khoa học, tính khả thi và thực tiễn khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành, Thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tỷ lệ đất đô thị và nông thôn toàn Thành phố lên 40% - 60% (Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tỷ lệ là 30%- 70%), cho phép nghiên cứu quy hoạch sân bay dân dụng thứ 2 tại địa bàn Thành phố để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 100 triệu hành khách/năm. Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô hoàn chỉnh mô hình chùm đô thị Thành phố đặt trong mối quan hệ Vùng Thủ đô; đặc biệt tại đô thị trung tâm hoàn chỉnh phát triển cân đối, hài hòa tương xứng Bắc sông Hồng với Nam sông Hồng, lấy trục không gian xanh sông Hồng làm trung tâm... Điều chuyển Vườn quốc gia Ba Vì về Thành phố Hà Nội quản lý để đồng bộ trong quy hoạch, trong quản lý đất đai, tài nguyên rừng, gìn giữ, phát triển không gian xanh, gắn với bảo tồn, phát triển du lịch. Cho phép Thành phố tiếp tục bố trí vốn sự nghiệp cho công tác lập quy hoạch để chủ động tháo gỡ vướng mắc trong việc bố trí vốn và giải ngân vốn phù hợp tính đặc thù của công tác nghiên cứu lập quy hoạch.
 
Về công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.579 chung cư cũ hầu hết được xây dựng từ những năm 1960 đến 1992 tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử; hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2014 đến nay mới thực hiện cải tạo, xây dựng lại được 18 chung cư, tiến độ thực hiện chậm do có nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, về phương pháp tổ chức thực hiện. Để thực hiện được chủ trương mang tính xã hội và yêu cầu tái thiết đô thị cao, đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất để Thành phố chủ động tổ chức tổng kiểm định kỹ thuật chung cư cũ, tổ chức lập toàn bộ quy hoạch cải tạo, tái thiết chung cư cũ; nghiên cứu áp dụng phân làm 03 mô hình cấp độ (Khu chung cư cũ: quy mô lập đồ án quy hoạch chi tiết; Nhóm chung cư cũ: quy mô lập tổng mặt bằng; Tập hợp các chung cư cũ độc lập, đơn lẻ: quy mô lập tổng mặt bằng nhà đơn lẻ + đề án nghiên cứu phương thức quy gom tái định cư tại chỗ trên địa bàn phường, quận) để có cơ chế chính sách, biện pháp tổ chức triển khai phù hợp nhằm phát huy tối đa giá trị quỹ đất, khai thác hiệu quả kinh tế và tính khả thi dự án, đồng thời, có phương án tạm cư, tái định cư phù hợp nhất, trên cơ sở đó, nghiên cứu bổ sung vào nội dung đề xuất cơ chế chính sách đặc thù. Cùng với đó, cho phép Thành phố Hà Nội xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai, thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết (chung cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), trong đó thực hiện quy hoạch theo hướng tăng các chỉ tiêu khống chế, giữ ổn định chỉ tiêu dân số, tái tạo quỹ nhà để sử dụng vào chức năng thương mại, dịch vụ khi tăng chiều cao công trình, giảm mật độ xây dựng, thực hiện một số biện pháp, thủ tục hành chính cụ thể để thực hiện.
 
Về việc tổ chức Sea Games 31, đây là sự kiện thể thao lớn nhất Khu vực diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 còn phức tạp, khó lường, do đó, Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Thành phố trong công tác chuẩn bị tổ chức, Ban Chỉ đạo quốc gia cần sớm xây dựng phương án, kịch bản SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 để Hà Nội được chủ động phương án phòng dịch.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t