Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra việc thực hiện một số quy hoạch chuyên ngành phát triển Thủ đô (16:05 17/02/2017)


HNP - Sáng 17/2, Đoàn công tác của Chính phủ, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu, đã đi kiểm tra việc thực hiện một số quy hoạch chuyên ngành trong quy hoạch tổng thể phát triển Thủ đô. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cùng lãnh đạo các sở, ngành của Thành phố.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra dự án đường vành đai III


Thực hiện theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch GTVT đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhiều công trình hạ tầng giao thông khung của Thành phố đã được đầu tư hoàn thành góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, tăng cường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Qua đó, diện tích đất dành cho giao thông tăng từ 0,3 - 0,5% đất đô thị/năm, (năm 2010 đạt 7%, đến năm 2016 đạt 8,95%). Thành phố đã phối hợp với Bộ GTVT triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó, đã giải quyết được 20/44 điểm ùn tắc giao thông (tuy nhiên, hiện nay phát sinh trở lại 04 điểm cũ và phát sinh mới 13 điểm, nâng tổng số điểm ùn tắc giao thông đến thời điểm này là 41 điểm).
 
Một trong những công trình giao thông trọng điểm mà Hà Nội đang cần đẩy nhanh tiến độ là đoạn tuyến Vành đai 3 từ cầu vượt Mai Dịch đến cầu Thăng Long, dài 5,5km, tổng mức đầu tư 3.113 tỷ đồng.  Hiện, Hà Nội đã hoàn tất giải phóng trên 50% mặt bằng dự án, bàn giao cho đơn vị thi công. Dự kiến, trong năm 2017 sẽ tiếp tục hoàn thành GPMB bên phải tuyến từ cầu vượt Mai Dịch - công viên Hoà Bình.
 
Cùng với đó, các dự án Vành đai 2,5, 3,5, 4, QL6, cầu vượt sông Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy 2, Giang Biên, Cầu Đuống 2; cầu vượt nội đô, đường sắt đô thị cũng đang được gấp rút triển khai. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là thiếu vốn. 
 
Hà Nội đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành bố trí đủ nguồn vốn ODA đối ứng; đồng thời cho phép được hưởng cơ chế đặc thù, lựa chọn nhà thầu, áp dụng nhiều hình thức xã hội hoá nguồn vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng.
 
Về cấp nước, hiện nay, tổng công suất các nhà máy nước, trạm cấp nước của thành phố Hà Nội khoảng 1.050.000 m3/ngày đêm, tỉ lệ bao phủ cấp nước khu vực đô thị đạt 96%. Tổng hợp nhu cầu sử dụng nước của Thủ đô Hà Nội năm 2016 khoảng 1.250.000 m3/ngày đêm; dự kiến đến năm 2017 nhu cầu sử dụng nước của Thủ đô Hà Nội khoảng 1.350.000 m3/ngày đêm, năm 2018 khoảng 1.450.000 m3/ngày đêm. Như vậy, so với dự báo nhu cầu sử dụng nước của thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2017-2018, lượng nước còn thiếu khoảng 300.000-350.000 m3/ngày đêm, trong đó, chưa tính đến các khu vực phát triển mở rộng mạng lưới cấp nước.
 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra thực địa Dự án Cầu vượt đường An Dương 
 
Để giải quyết nhu cầu cấp bách về sử dụng nước sạch, Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho phép triển khai ngay một số dự án và được cập nhật trong điều chỉnh Quy hoạch, trong đó, có dự án nâng công suất nhà máy nước Bắc Thăng Long từ 50.000m3/ngđ (nguồn nước từ nguồn nước mặt sông Hồng); ủy quyền cho UBND TP phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cấp nước, trong quá trình thực hiện Thành phố sẽ xin ý kiến Bộ Xây dựng, các Bộ, Ngành liên quan để hoàn thiện trước khi phê duyệt.
 
Trong lĩnh vực môi trường, hiện, chất thải rắn của Hà Nội chủ yếu được xử lý tại các khu liên hợp Sóc Sơn, Xuân Sơn, chưa đáp ứng được nhu cầu nội tại. Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư, xây dựng các khu xử lý rác thải tại Tả Thanh Oai (Thanh Trì), Bắc Sơn (Sóc Sơn), Đồng Ké (Chương Mỹ).
 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm và tặng quà cán bộ, công nhân viên nhà máy nước Bắc Thăng Long
 
Đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Thủ đô Hà Nội đang thay đổi hàng ngày. Bên cạnh cảnh quan môi trường được chú trọng với thêm nhiều cây xanh, mặt nước; các công trình hạ tầng cấp bách được đầu tư và nhiều công trình được đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân.
 
Tuy nhiên, hiện, hạ tầng giao thông, đô thị của Thủ đô vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội cũng như đời sống của người dân. Đó là tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng; thiếu nước sạch; ô nhiễm môi trường; ô nhiễm không khí, úng ngập mùa mưa; thiếu quỹ đất xây dựng nghĩa trang… trong khi việc đầu tư xây dựng giao thông đô thị còn chậm do thiếu nguồn lực, cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tế.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu thành phố Hà Nội cần phối hợp với các bộ, ngành giải quyết đồng bộ các vấn đề từ quy hoạch phát triển đô thị và tổ chức thực hiện quy hoạch, tiếp tục điều chỉnh rà soát làm quy hoạch phân khu. Tập trung rà soát lại quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp nhưng phải đảm bảo lợi ích chung. Chú ý kết nối giao thông đô thị lõi với đô thị ven đô, chú ý những khu vực chưa phát triển để tạo ra vùng động lực mới. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đầu tư các dự án trọng điểm cấp bách, lựa chọn dự án đầu tư ưu tiên; cùng đó xây dựng cơ chế huy động vốn, đặc biệt là huy động vốn xã hội hóa.  Kiểm soát môi trường, chống xả thải không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra tiếp tục đầu tư phát triển đảm bảo nguồn cung điện, nước, cây xanh đô thị, xử lý chất thải rắn, rà soát quy hoạch nghĩa trang…
 
Đối với lĩnh vực giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung đầu tư cho công trình giao thông cấp bách, nút giao thông đồng cấp, kết nối, giao thông nội bộ và đối ngoại cũng như tuyến vành đai, tuyến xuyên tâm và bãi đỗ xe. Công trình nút giao An Dương - đường Thanh Niên triển khai cần đảm bảo được yêu cầu chống lũ và giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội, tạo ra công trình kiến trúc đẹp cho Thủ đô.
 
Do đó Hà Nội cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định dự án mời các nhà khoa học nghiên cứu và có trách nhiệm tham gia, công bố tham khảo ý kiến người dân nếu được ủng hộ mới triển khai xây dựng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai hai dự án đường sắt đô thị, nghiên cứu kết nối hệ thống đường sắt quốc gia, tạo kết nối đồng bộ, đồng thời, huy động các nguồn vốn để tiếp tục triển khai các dự án đường sắt khác.
 
Trước đó, đoàn công tác Chính phủ đã đi kiểm tra thực địa tại công trình Dự án mở rộng đường vành đai III đoạn Mai Dịch - Nội Bài; kiểm tra thực địa Dự án Cầu vượt đường An Dương và đường Nghi Tàm sau khi điều chỉnh kết cấu đê; kiểm tra tại nhà máy nước Bắc Thăng Long.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t