Bệnh viện Việt Đức vững vàng hội nhập (15:52 30/08/2010)


HNP - Hà Nội ngày đầu thu, hòa cùng dòng người hối hả, chúng tôi đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức gặp Phó giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc Bệnh viện. Trong lần đầu đến với ông mặc dù đã có hẹn, song vì có một ca mổ rất quan trọng nên ông cũng chỉ kịp đứng trao đổi cùng chúng tôi độ chừng 10 phút trước cửa phòng làm việc rồi lại hẹn chúng tôi vào một buổi khác. Do đã mất thời gian cất công đến đây nên khi ông đi chúng tôi cũng tranh thủ tìm hiểu thêm về bệnh viện, về những hoạt động cũng như con người của một bệnh viện đầu ngành nổi tiếng về phẫu thuật ngoại khoa này…

Thầy thuốc nhân dân. PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức


Bệnh viện Việt Đức là một trong số ít bệnh viện được thành lập sớm nhất ở Việt Nam, lịch sử và truyền thống bệnh viện cũng luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của nền y học hiện đại Việt Nam với những tên tuổi đã đi vào lịch sử như Alexande Yersin, bác sĩ Hồ Đắc Di, Giáo sư Tôn Thất Tùng…cũng chính vì bệnh viện có một bề dày lịch sử truyền thống nên để phát huy và khẳng định vị thế là con chim đầu đàn trong ngành y tế trong tiến trình hội nhập quốc tế, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Việt Đức cũng đã phải hết sức nỗ lực rất nhiều. Trong đó, không thể không ghi nhận những đóng góp to lớn của những người lãnh đạo hôm nay.
Từ sau khi Giáo sư Tôn Thất Bách ra đi, để lại những dự định và hoài bão dang dở thì cũng là lúc sự nghiệp cải cách và đổi mới lề lối làm việc cũng như tâm, đức nghề y được đặt ra khẩn thiết hơn bao giờ hết. Và trọng trách ấy được đặt lên đôi vai của Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết và các cộng sự. Đó thực sự là một cuộc chuyển giao đầy khó khăn và thử thách nhưng cũng là một lẽ hợp với xu thế hội nhập của đất nước, của thế giới.
Với cơ chế mở cửa và hội nhập, ngành y cũng không nằm ngoại lệ, làm gì để giữ vững và phát huy truyền thống bệnh viện, làm gì để đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên, làm gì để giữ vững y đức, làm thế nào để hội nhập mà vẫn giữ bản sắc riêng của một bệnh viện đầu ngành…Những câu hỏi ấy cứ luôn ám ảnh trong đầu Phó giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết…Đúng là một áp lực không hề nhỏ.
Nối tiếp truyền thống và kế thừa thành quả bao thế hệ lãnh đạo đã dày công tạo dựng, Phó giáo sư Nguyễn Tiến Quyết đã từ đó từng bước cùng tập thể lãnh đạo bệnh viện đưa Bệnh viện Việt Đức trở thành lá cờ đầu trong ngành y tế.
Thời kỳ này (2004 - nay) là thời kỳ chuyển giao mang tính đột phá và có nhiều nét mới lạ đối với một bệnh viện đầu ngành giàu truyền thống. Đội ngũ những người có tên tuổi đã lần lượt ra đi hoặc nghỉ hưu để lại một sự hụt hẫng, một khoảng trống mênh mông cho một lớp lãnh đạo trẻ kế cận. Tuy nhiên, sự khó khăn hụt hẫng cũng nhanh chóng được khỏa lấp bởi sức trẻ, sự tự tin với nền tảng tri thức được đào tạo bài bản, đặc biệt nhiều người đã có một quá trình tu nghiệp lâu năm từ những nước có nền y học tiên tiến.
Hiện tại, Bệnh viện Việt Đức có gần 1.400 cán bộ công chức trong đó có trên 300 cán bộ có trình độ đại học và sau đại học, đặc biệt, số lượng giáo sư, tiến sĩ có trên 20 người đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong bệnh viện. Bệnh viện có 20 khoa lâm sàng, 6 khoa cận lâm sàng, 8 phòng ban và 4 trung tâm, theo chỉ tiêu của Bộ Y tế cho 700 giường bệnh nhưng thực tế hiện nay bệnh viện đã có  850 giường bệnh và phấn đấu sẽ có 1.200 giường bệnh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, điều trị của nhân dân.
Về mặt chuyên môn, bệnh viện vẫn tiếp tục xứng đáng là bệnh viện chuyên khoa hàng đầu, là trung tâm y tế chuyên sâu về ngoại khoa của ngành y tế. Nhiều kỹ thuật chuẩn đoán, điều trị mới được ứng dụng có hiệu quả trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đặc biệt, về mặt chuẩn đoán, nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại bậc nhất thế giới đã được bệnh viện đưa về áp dụng thành công như siêu âm Popper màu, chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc, chụp cộng hưởng từ hạt nhân, xét nghiệm Elissa tự động, nuôi cấy vi khuẩn kỵ khí, chẩn đoán giải phẫu bệnh tức thì và gần đây nhất là lắp đặt hệ thống chụp xạ hình mô phỏng hiệu quả cao (PET/CT).
Trong điều trị phẫu thuật, mổ phức tạp đã trở thành thương hiệu và diễn ra thường xuyên với tần suất dày đặc khoảng 100-130 ca/ngày, trong đó mổ cấp cứu chiếm khoảng 20-30 ca/ngày. Phẫu thuật nội soi được ứng dụng rộng rãi với hiệu quả cao, hầu hết các phẫu thuật viên trẻ đã làm chủ kỹ thuật này, có kỹ thuật không thua kém thế giới như phẫu thuật cắt tuyến thượng thận, cắt khối tá tụy, cắt dạ dày, cắt đại tràng, cắt gan qau soi ổ bụng, mổ nội soi với hệ thống hiển vi phẫu thuật và nội soi thần kinh hiện đại được trang bị nhiều kỹ thuật mổ nội soi, mổ vi phẫu thần kinh được thực hiện thường quy. Đối với mổ các bệnh lý phức tạp về tim mạch với tuần hoàn ngoài cơ thể đã được thực hiện hàng ngày tại bệnh viện, trong đó có nhiều ca bệnh phức tạp, thậm chí cả những ca nhỉ nhỏ từ 5-10kg…Các kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng trong chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, chữa cong vẹo cột sống bằng phẫu thuật, mổ cổ định cột sống gãy, mổ thay đốt sống…Thậm chí bệnh viện gần đây đã mổ cứu sống thành công một bệnh nhân đứt tủy. Kỹ thuật ghép cơ quan đã được thế hệ trẻ làm chủ, ghép thận đã trở thành một thế mạnh của đội ngũ bác sĩ trẻ và được thực hiện thường xuyên trong vài năm trở lại đây, hiện bệnh viện đang tiến hành ghép tim thực nghiệm để tiến tới áp dụng vào thực tế. Bệnh viện đã tiến hành ghép gan người lớn đầu tiên ở Việt Nam, hiện tại bệnh nhân sức khỏe tốt.
Trong công tác khám chữa bệnh thường xuyên vì là một bệnh viện lớn đầu ngành nên tình trạng quá tải là phổ biến, nhưng trong những năm gần đây việc khám chữa bệnh đã được nâng lên một bước rõ rệt với mật độ trung bình trong một ngày khám cho từ 700-1000 ca bệnh, trong đó có từ khoảng 250-300 trường hợp cấp cứu.
Bên cạnh nhiệm vụ chính là khám, điều trị bệnh cho nhân dân, bệnh viện còn là nơi đào tạo ra nhiều cán bộ kỹ thuật, nhiều bác sĩ giỏi cho ngành và cho Bộ Y tế. Hiện nay, bệnh viện có khoảng 150 bác sĩ đang theo học tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II và luôn có khoảng 300 sinh viên Đại học Y thực tập. Ngoài ra, bệnh viện còn tiếp nhận một lượng lớn sinh viên quốc tế đến học tập và hoàn thiện chuyên môn.
Cũng trong công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học trong thời kỳ này có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Ngay tại thời điểm này bệnh viện có 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ…
Ngoài ra, bệnh viện còn làm tốt công tac chỉ đạo tuyến, đào tạo và gửi nhiều cán bộ giỏi đến các địa phương, thực hiện tốt đề án 1846 của Bộ Y tế, một cách hiệu quả và chất lượng.
Để làm được những thành quả như hôm nay, theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết thì một trong những vấn đề có tính then chốt là đào tạo nguồn nhân lực kế cận cho bệnh viện. Vì vậy, việc phát triển đội ngũ cán bộ công chức luôn được lãnh đạo bệnh viện coi trọng và quan tâm đặc biệt…
Đưa ra những con số thống kê trên là để thấy rõ những năm gần đây, Bệnh viện Việt Đức đã có những sự thay đổi, phát triển vượt bậc. Không hề phủ nhận công lao của những thế hệ tiền bối, song mỗi thời đều có những đặc thù riêng. Rõ ràng, sự chuyền giao một thế hệ lãnh đạo mới đã đáp ứng được nhiệm vụ khám và điều trị bệnh cho nhân dân trong thời đại mới. Một trong những trụ cột hiện nay, không thể không kể đến Thầy thuốc nhân dân, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện và tập thể Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện – những người tâm huyết dám nghĩ dám làm.
Lần thứ 2 chúng tôi trở lại bệnh viện theo đúng lịch mà Tiến sĩ Quyết đã hẹn, chúng tôi đã được tiếp chuyện cởi mở và thẳng thắn với ông. Vâng, đó là một con người tận tụy, tài năng và đức độ. Mặc dù làm công tác quản lý của một bệnh viện lớn song ông vẫn là một phẫu thuật viên chính của bệnh viện, một thầy giáo tâm huyết…
Trong câu chuyện kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn thử thách cũng như áp lực ghê gớm trên cương vị một người đứng đầu một bệnh viện lớn, giọng Tiến sĩ Quyết điềm tĩnh đầy tự tin: “Thời gian đầu, ở bệnh viện cũng xảy ra một sự việc đáng tiếc, nhưng tôi đâu có sợ điều ấy”. Làm người ai chẳng có lúc mắc khuyết điểm, huống hồ đây lại là một tập thể lớn, Phó giáo sư Quyết đổi giọng đùa vui: “Này, tôi nói thật với anh nhé, tôi đanh đá lắm đấy, tôi không sợ gì dư luận đâu đấy nhé. Họ nói gì cứ nói còn việc mình làm mình cứ làm, miễn là làm đúng bằng cái tâm trong sáng”.
Vâng, sợ gì cơ chứ những sai lầm chỉ là nhỏ bé so với những gì mà ông và tập thể cán bộ công chức Bệnh viện Việt Đức đã làm. Mà có làm được thì mới ăn được, nói được, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Điều mà Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết luôn trăn trở và cố gắng thực hiện cho bằng được là làm sao để ngày một nâng cao đời sống cho cán bộ nhân viên của bệnh viện. Ông bảo: “Có như thế họ mới yên tâm công tác và không nghĩ đến chuyện tiêu cực nữa”.
Chia tay ông, ra về trong cái nắng hanh vàng chiều thu, tôi nói với anh bạn đồng nghiệp: “Còn có những con người như Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, còn những tập thể vững vàng như Bệnh viện Việt Đức rồi y học Việt Nam sẽ sớm sánh ngang với những nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”.
 


Hữu Cường


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t