Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 15/11/2014 đến ngày 21/11/2014) (05:54 25/11/2014)



Những nội dung trọng tâm
 
1. Thời sự, chính trị
 
Ngày 19-11, dưới sự chủ trì của Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tiến hành họp xem xét tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2014 và xây dựng kế hoạch KT-XH năm 2015. Thảo luận tại hội nghị, các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất cao với báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch KT-XH năm 2014, đặc biệt là kế hoạch KT-XH năm 2015 và tiếp tục thực hiện chủ đề "Năm trật tự và văn minh đô thị" trong năm 2015. Các đại biểu cũng đề nghị thành phố phân cấp mạnh hơn, phân công trách nhiệm rõ hơn cho địa phương; tăng cường kỷ cương, kỷ luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức; đầu tư mạnh hơn nữa cho nông thôn, ngoại thành; nâng cao sự gắn kết, chia sẻ, giúp đỡ giữa các quận nội thành và các huyện ngoại thành… Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH Thủ đô năm 2014 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố, năm có ý nghĩa quyết định tới việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XVI Đảng bộ thành phố. Đồng chí chỉ đạo, năm 2015, các cấp, ngành phải nỗ lực thực hiện thật tốt 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Ban cán sự đảng UBND thành phố đề ra, trong đó tập trung vào 5 nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội; quản lý trật tự xây dựng đô thị; nâng cao chất lượng quản lý của bộ máy cơ quan nhà nước từ thành phố xuống cơ sở; tiếp tục thực hiện 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá của thành phố. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh gắn với tái cơ cấu kinh tế (Hà Nội mới, 20/11); Kinh tế Hà Nội vượt khó, lấy lại đà tăng trưởng (An ninh Thủ đô, 20/11); Tránh tình trạng dân kiến nghị thời gian dài mà chính quyền không giải quyết (Đại đoàn kết, 20/11).
 
UBND TP Hà Nội vừa có quyết định về việc Thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra việc quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường Kim Mã - Trần Phú, đường vành đai 1, đường vành đai 2 và các tuyến đường mới mở trên địa bàn TP. Tổ công tác liên ngành sẽ làm việc với quận, huyện và các chủ đầu tư để kiểm tra, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã giải quyết các vướng mắc, tồn tại về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng kết hợp với chỉnh trang đô thị và xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng theo quy định khi mở đường.  Lập tổ công tác liên ngành kiểm tra trật tự đô thị (Kinh tế đô thị, 16/11).
 
UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội về việc đưa ra xem xét, thông qua Nghị quyết về đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố năm 2014. Theo Nghị quyết này, 21 phố, 4 đường mới được đề nghị đặt tên, 1 tuyến đường được đề nghị điều chỉnh kéo dài và 1 công trình công cộng đề nghị đặt tên (thuộc địa bàn của 7 quận, huyện, thị xã). Trong đó, 19 đường, phố và một công trình công cộng mang tên địa danh; 2 phố dạng tên khác; 2 phố tên di tích lịch sử văn hóa; 2 phố mang tên danh nhân và một đường điều chỉnh kéo dài. Hà Nội đề xuất đặt tên 25 đường, phố mới (An ninh Thủ đô, 21/11).
 
Hiện nay, tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội triển khai rất chậm. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm trong quá trình thực hiện dự án. UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các chủ đầu tư phải tập trung nhân lực, nguồn lực hoàn tất các thủ tục để khởi công tất cả sáu dự án còn lại trong năm 2014. Cụ thể, ngay trong tháng 11 này, thành phố “chốt” khởi công bốn dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp Phú Thị, Bình Phú, Lại Yên (do các huyện Gia Lâm, Thạch Thất, Hoài Đức làm chủ đầu tư), Ninh Hiệp do Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng số 18 làm chủ đầu tư. Hà Nội “chốt” khởi công 4 dự án xử lý nước thải trong tháng 11 (TTXVN, 15/11).
 
Thông tin về việc bãi rác của TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Đà, nguồn cấp nước mặt cho Nhà máy nước sạch sông Đà để cấp về Hà Nội đã gây lo lắng cho người dân. Ngày 20/11, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 9081/UBND-XDGT yêu cầu các đơn vị liên quan bảo đảm an toàn nguồn nước cấp từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội. Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco), Công ty CP Nước sạch Vinaconex thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu về chất lượng nước sạch cấp từ Nhà máy nước sạch sông Đà bảo đảm đảm an toàn cho sinh hoạt của nhân dân. Định kỳ thông tin, báo cáo UBND TP và các đơn vị có thẩm quyền về chất lượng nước sạch cấp về Thành phố. Bảo đảm an toàn nguồn nước cấp từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội (Kinh tế đô thị, 20/11); Nước từ Hòa Bình về Hà Nội phải đảm bảo an toàn (An ninh Thủ đô, 21/11); Kinh hoàng nước thải từ bãi rác chảy thẳng ra nguồn cấp nước cho Thủ đô (giaoducthoidai.vn, 21/11).
 
2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị
 
Theo thông tin từ Cục Thuế Hà Nội, đơn vị đang tích cực đôn đốc, triển khai chương trình kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử. Tính đến 31/10, đã có 2.276 giao dịch nộp thuế điện tử, với số thuế đã nộp 1.717 tỷ đồng. Tính cả 10 tháng qua, toàn ngành thu được 99.606 tỷ đồng, đạt 86,5% dự toán pháp lệnh, tăng 7,4% (so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, số thu trừ dầu, tiền sử dụng đất được 87.271 tỷ, đạt 88% dự toán, tăng 7,9%. Nếu loại trừ chênh lệch thu, chi ngân hàng, lũy kế thu 10 tháng đạt 97,8% dự toán pháp lệnh, tăng 13,1%... Hà Nội: Hơn 2.000 giao dịch nộp thuế điện tử (Công an nhân dân, 18/11).
 
Theo nhận định của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu mua sắm của nhân dân đối với các nhóm hàng thực phẩm sẽ tăng lên mạnh trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. Dự báo, giá các mặt hàng thiết yếu có thể tăng nhẹ ở một số nhóm hàng. Sở Công thương Hà Nội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường trong dịp giáp Tết Nguyên đán. Hà Nội: Không lo thiếu hàng Tết Nguyên đán (Đại đoàn kết, 20/11).
 
Theo UBND TP Hà Nội, trong thời gian tới, UBND TP tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện việc cải tạo, nâng cấp các chợ theo phương thức xã hội hoá để phục vụ nhân dân mua bán, đáp ứng yêu cầu văn minh thương mại Thủ đô. Việc đầu tư xây dựng lại, cải tạo, nâng cấp các chợ trên địa bàn thành phố phải bảo đảm giữ được mô hình hoạt động chợ dân sinh, đủ diện tích bố trí sắp xếp các hộ đã kinh doanh tại chợ cũ, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm... Khi triển khai dự án, chính quyền quận, huyện cần công khai, minh bạch, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương và hộ kinh doanh để tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai dự án... Giải quyết vướng mắc các dự án đầu tư cải tạo chợ trên địa bàn Hà Nội (Hà Nội mới, 17/11); Hà Nội tiếp tục cải tạo, nâng cấp chợ theo phương thức xã hội hoá (baoxaydung.com.vn, 17/11).
 
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt - Nhật hoặc tên kép, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội cùng Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất tên gọi. Cùng với đó, việc đổi hay đặt tên một công trình quan trọng có liên quan đến công chúng thì phải lấy ý kiến người dân trước khi có quyết định cuối cùng. Thăm dò bước đấu của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, nhiều người dân Thủ đô không đồng thuận với việc đổi tên cầu Nhật Tân thành cầu Hữu nghị Việt – Nhật. Do đó,  UBND thành phố Hà Nội đã “chốt” lại phương án đặt tên chính thức cây cầu nói trên vẫn là cầu Nhật Tân, dự kiến sẽ được khánh thành vào tháng 1/2015. Hà Nội vẫn muốn giữ tên cầu Nhật Tân (Vneconomy.vn, 18/11).
 
UBND thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP dịp cuối năm. Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Công an TP chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy, Thanh tra GTVT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy tắc an toàn giao thông như: đi quá tốc độ quy định, đi sai phần đường, làn đường, chở quá số người cho phép, xe máy lạng lách, đánh võng, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm …. Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp cuối năm (Kinh tế đô thị, 19/11).
 
Ngày 19/11, Sở GTVT Hà Nội đã có cuộc họp với UBND các quận, huyện về công tác quản lý giao thông, đô thị trên địa bàn TP. Theo đó, thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014", từ đầu năm đến nay, các quận, huyện đều đã vào cuộc tích cực kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Do đó, bộ mặt các tuyến phố, nhất là tại các quận trung tâm đã khang trang, sạch đẹp, đường thông, hè thoáng. Tại cuộc họp, Sở GTVT cũng đã giới thiệu dự thảo về quy định quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống đường đô thị cùng quy định về quản lý mái che, mái vẩy trong phạm vi hè đường để các quận, huyện cùng tham gia góp ý. Đóng góp ý kiến vào dự thảo, hầu hết các đại biểu đều đồng tình với quy định trên, tuy nhiên cho rằng cần căn cứ vào đặc thù của từng quận, huyện để bố trí, sắp xếp xe máy trên hè… Đề xuất lắp đặt mái che, mái vẩy không cần xin phép (Kinh tế đô thị, 20/11).
 
Hơn 2 năm nay, 24 hộ dân tại Khu tập thể 24 gian Công ty CP May Thăng Long, ngõ 264 Minh Khai, Hà Nội, phải sống trong tình trạng mất an toàn ngay tại chính căn nhà của mình. Theo phản ánh của người dân, quá trình thi công Trung tâm thương mại Garden Thăng Long do Công ty CP May Thăng Long làm chủ đầu tư đã khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 24 căn nhà tại Khu tập thể này hiện tại bị nghiêng, tường nứt, nền sụt lún. Hà Nội: Thi công TTTM Garden Thăng Long làm lún, nứt nhà dân (VTV, 20/11). 
 
UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Sở VHTT&DL phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm đối với các trường hợp quảng cáo không phép, trái phép và không đúng nội dung cấp phép trên toàn thành phố. Nhằm xử lý triệt để các vi phạm trong hoạt động quảng cáo ngoài trời, TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã không thỏa thuận, cấp phép quảng cáo kết hợp tuyên truyền, trường hợp thực sự cần thiết trình UBND TP xem xét, quyết định. Để hình thành một không gian cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại, TP Hà Nội chỉ đạo Sở VHTT&DL sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quảng cáo, làm cơ sở để cấp phép biển, bảng quảng cáo trên địa bàn. Hà Nội mạnh tay gỡ bỏ biển quảng cáo trái phép (Xây dựng, 18/11).
 
Thời gian qua, người dân sống tại các tuyến đường ven sông Tô Lịch (tuyến Nguyễn Đình Hoàn - Quan Hoa - Nguyễn Khang - Nguyễn Ngọc Vũ - Giáp Nhất - Thượng Đình - Kim Giang) liên tục phản ánh về tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi trông giữ phương tiện, gây cản trở giao thông. Điều đáng nói, người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng, nhưng chưa được xử lý triệt để. Vi phạm đường ven sông Tô Lịch chờ xử lý! (Kinh tế đô thị, 18/11).
 
Hơn một năm qua, Nhà văn hóa (NVH) xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì đã trở thành tụ điểm karaoke, khiêu vũ… gây mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết, do NVH chưa đủ quy chuẩn nên chỉ làm nơi chứa dụng cụ phục vụ các phong trào của xã. Tháng 6/2013, UBND xã đã họp và đồng ý cho CLB văn hóa mượn để sinh hoạt với chủ trương tự cân đối thu chi để lấy kinh phí sửa chữa và mua trang thiết bị, CLB đã thu phí hoạt động… Tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì: Nhà văn hóa thành… quán karaoke? (Kinh tế đô thị, 17/11).
Sau khi xóa bỏ hết lò gạch thủ công trên toàn địa bàn thành phố, đến thời điểm này thành phố mới cho phép 8 huyện được xây dựng 71 lò gạch áp dụng công nghệ xử lý khói thải do Công ty TNHH Đức Trung (lò úp vung) chuyển giao. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng lò gạch chuyển đổi vượt xa con số trên với rất nhiều loại công nghệ khác nhau và đều xây dựng không có giấy phép. Lại tràn lan lò gạch không phép (Hà Nội mới, 18/11).
 
3. Văn hóa, y tế và giáo dục
 
Ngày 19/11, Thanh tra Sở VHTT&DL Hà Nội đã tổ chức đợt kiểm tra hiện vật lạ tại các di tích trên địa bàn quận Long Biên và Đông Anh. Tại quận Long Biên, theo báo cáo, trên địa bàn quận đã di dời được 28/30 con sư tử đá tại các di tích. Hiện nay, còn lại duy nhất một đôi sư tử đá ở di tích chùa Võ Trung (phường Phúc Lợi, quận Long Biên). Ngược lại, với Long Biên, huyện Đông Anh gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đưa hiện vật trái phép ra khỏi di tích. Theo thống kê, đến tháng 10, trên địa bàn huyện có 127 hiện vật lạ vẫn đang tồn tại, chưa có biện pháp di dời, chờ hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Sau đợt kiểm tra ngày 19/11, Thanh tra Sở VHTT&DL Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra các di tích trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Đông, Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Trì, Chương Mỹ. Hà Nội ra quân kiểm tra hiện vật lạ (Kinh tế đô thị, 20/11).
 
Liên quan đến phương án bảo tồn di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý tại lô E khu vực khảo cổ học Vườn Hồng (Hà Nội), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có Văn bản số 2116/KHXH báo cáo Thủ tướng Chính phủ về niên đại, giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di tích tâm linh đặc biệt này. Theo đó, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị đề Thủ tướng cho phép trước mắt bảo tồn nguyên trạng di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý trong phạm vi diện tích tối thiểu khoảng 400m2 (không tính diện tích có thể sẽ khai quật thêm ở phía Tây Bắc của di tích). "Cần bảo tồn nguyên trạng di tích tế lễ Trời-Đất đầu thời Lý" (vietnamplus, 18/11).
 
 Các khu chợ truyền thống luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt với khách du lịch. Tới đây, du khách dễ dàng tìm hiểu sâu hơn về văn hóa lối sống đặc trưng của người dân bản địa. Tạp chí Conde Nast Traveler của Anh mới đây đã bình chọn 7 khu chợ trời thú vị nhất thế giới. Theo đó, có tới 3 trên 7 khu chợ thuộc Châu Á. Trong đó, chợ Long Biên của Việt Nam cũng có mặt ở danh sách. Chợ Long Biên vào tốp những khu chợ trời hấp dẫn nhất thế giới (Hà Nội mới, 13/11).
 
Ngày 18-11, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành GD-ĐT, kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.  Chiều 18-11, tại Hà Nội, Sở GD-ĐT, Công đoàn ngành giáo dục và Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Hà Nội đã tổ chức gặp mặt, biểu dương Nhà giáo nhân ái dạy học sinh khuyết tật, học sinh các lớp tình thương; gặp mặt gương điển hình nhà giáo nhân dịp 5 năm thực hiện cuộc vận động "Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt". Nhân dịp này, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội đã khen thưởng 70 cá nhân; Công đoàn ngành khen thưởng 108 nhà giáo nhân ái và cá nhân điển hình trong việc thực hiện cuộc vận động. Cùng ngày 18-11, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt 97 nhà giáo tiêu biểu của các cấp học nhân kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (Hà Nội mới, 19/11). Tuyên dương 178 nhà giáo Thủ đô tiêu biểu (Quân đội nhân dân, 19/11).
 
Sở Y tế Hà Nội vừa yêu cầu tất cả các BV tuyến thành phố thực hiện kế hoạch luân phiên về BV tuyến huyện. Cán bộ đi luân phiên là bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh viên, kỹ thuật viên đã được cấp chứng chỉ hành nghề, loại trừ những đối tượng được miễn thực hiện theo quy định. Việc cử cán bộ đi luân phiên không vượt quá 20% tổng số cán bộ chuyên ngành của đơn vị, đảm bảo công bằng, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nhân lực. Đơn vị tiếp nhận phải xác định rõ nhu cầu cần hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và xây dựng kế hoạch để tiếp nhận cán bộ. Hà Nội: Tăng cường cán bộ y tế cho tuyến dưới (Đại đoàn kết, 17/11).
 


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t