Phát triển làng nghề ở Hà Nội:


Bài 3: Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử (15:13 05/01/2019)


HNP - Thương mại điện tử đang phát triển vô cùng mạnh mẽ và tác động trực tiếp đến thói quen của người tiêu dùng. Do vậy, các hộ sản xuất, các doanh nghiệp làng nghề cần nắm bắt cơ hội, đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, phát triển kinh doanh theo hướng thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường thế giới.

Các làng nghề truyền thống cần tận dụng tối đa hiệu quả TMĐT mang lại


Thương mại điện tử là việc sử dụng các phương pháp điện tử để làm thương mại hay nói một cách khác là việc thực hiện toàn bộ các giao dịch thương mại thông qua các phương tiện công nghệ điện tử mà không cần in ra giấy. Sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực điện tử và thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã làm cho Thương mại điện tử phát triển vô cùng mạnh mẽ từ năm 2015 trở lại đây. Theo thống kê cùa Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, năm 2016, có 1,6 tỷ người trên thế giới mua hàng trực tuyến. Các chuyên gia dự báo, doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ tăng từ 1.900 tỷ USD năm 2016 lên 4.060 tỷ USD vào năm 2020. Các nhà khoa học hàng đầu thế giới ước tính, chỉ 3 năm nữa (2020), sẽ có 50 tỷ thiết bị trên toàn hành tinh được kết nối, cùng thời điểm giá trị thị trường kinh tế của Internet đạt khoảng 11 nghìn tỷ USD. 
 
Với sức ảnh hưởng vô cùng lớn của thương mại điện tử sẽ tác động rất lớn đến việc kinh doanh trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực làng nghề. Thương mại điện tử sẽ là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp của làng nghề Hà Nội. Nếu có thể tận dụng tốt công nghệ hiện đại, biết áp dụng bán hàng thông qua các kênh thương mại điện tử, các sản phẩm làng nghề sẽ được khách hàng biết đến nhiều hơn, qua đó giúp người sản xuất, doanh nghiệp bán được hàng hóa. Tuy nhiên, nếu không thể tận dụng các ưu thế này, ngược lại, các sản phẩm làng nghề sẽ bị các sản phẩm của các công ty khác dần chiếm lĩnh thị trường. 
 
Tiến sỹ Vũ Tuấn Anh, Giảng viên và chuyên gia tư vấn đổi mới sáng tạo chương trình IPP Phần Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, trong bối cảnh CMCN 4.0, TMĐT - bán hàng xuyên biên giới sẽ là một giải pháp tối ưu. Cá kho Vũ Đại sử dụng các công cụ của Google bán hàng xuất khẩu là một ví dụ sinh động cho các hoạt động này. Do đó, các đơn vị sản xuất cần kết hợp với các đơn vị thương mại chủ động thực hiện các chương trình kế hoạch TMĐT.
 
Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có 198 làng nghề truyền thống, mặc dù sản phẩm đã có xuất khẩu ra nhiều thị trường thế giới và được đánh giá cao. Tuy nhiên, việc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn. Qua khảo sát của nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, ở các làng nghề, cả các doanh nghiệp và doanh nhân chưa có nhiều sự hiểu biết về thương mại điện tử. Kinh nghiệm và thói quen sản xuất kinh doanh truyền thống vẫn mang tính phổ biến. Sức ỳ, ngại đổi mới là một cản trở lớn khi áp dụng TMĐT. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất tại các làng nghề nhỏ, tiềm lực hạn chế nên khó khăn đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và kỹ thuật thương mại điện tử. Mặt khác, sự hỗ trợ của nhà nước cho TMĐT phát triển làng nghề hạn chế. Nguồn lực của nhà nước còn hạn hẹp nên đầu tư khó khăn và thiếu tập trung. Môi trường thương mại điện tử làng nghề cũng còn nhiều bất cập đã cộng hưởng thêm các khó khăn cho làng nghề. 
 
Nhìn nhận về vấn đề giao thương hiện nay tại các làng nghề Hà Nội, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện nay, việc giao thương giữa các doanh nghiệp làng nghề với các đối tác quốc tế chủ yếu vẫn là khách hàng tìm đến các doanh nghiệp thông qua các thông tin của họ. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp làng nghề vẫn còn rất thụ động trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Đối với các doanh nghiệp chủ động hơn cũng chỉ là mang sản phẩm của mình đến trưng bày tại các hội chợ để tiếp cận với khách hàng. Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng, với việc hội nhập thị trường ngày càng sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc giao thương để mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của làng nghề.
 
Trước thực trạng trên, để đẩy mạnh TMĐT tại các làng nghề Hà Nội, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Đức Thân, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng các cơ quan quản lý, hiệp hội cần xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về TMĐT để nâng cao nhận thức và hiểu biết cho doanh nghiệp, người dân tại các làng nghề. Các làng nghề xuất phát từ điều kiện thực tế của mình triển khai áp dụng các giai đoạn của TMĐT. Đó là thông tin; sự hiện diện qua Website; mạng nội bộ; tự động hoá giao dịch và mạng extranet-TMĐT tích hợp cấp độ cao. Đồng thời, cần phát triển liên kết trong nội bộ làng nghề với bên ngoài trong phát triển TMĐT; tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho TMĐT tại các làng nghề; xây dựng môi trường TMĐT hiện đại, đồng bộ. Vấn đề quan trọng là xây dựng thể chế đồng bộ cho phát triển TMĐT tại Việt Nam… 
 
Chia sẻ về kinh nghiệm xuất khẩu, thâm nhập thị trường các nước, bà Hà Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Quang Vinh cho biết, trong suốt 30 năm làm sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh phát triển cuộc CMCN 4.0, công ty nhận thấy, nếu không đầu tư các ứng dụng về khoa học và công nghệ thì sẽ không bước vào được thị trường.
 
Cùng chung quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần nhấn mạnh, sự phát triển làng nghề hiện nay đòi hỏi không chỉ là cái cũ, bảo lưu những giá trị tốt đẹp mà trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng làng nghề cần tạo ra cho mình những giá trị mới, phù hợp với nhịp đập kinh tế thị trường hiện đại thì các sản phẩm mới có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Đồng thời, làng nghề cũng cần đẩy mạnh phát triển TMĐT để thúc đẩy kinh doanh, coi đây là phương thức để quảng bá các sản phẩm của làng nghề đến với bạn bè quốc tế.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t