Nỗ lực đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân Thủ đô (14:55 30/03/2017)


HNP - Trước áp lực gia tăng dân số, Thủ đô Hà Nội đang đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác đầu tư cho giáo dục. Mục tiêu của Thành phố không chỉ đảm bảo quy mô trường lớp, chất lượng học tập mà còn đảm bảo cả điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để học sinh có cơ hội học tập tốt nhất.

Trường Mầm non Chất lượng cao 20/10, quận Hoàn Kiếm


Từ năm 2012 đến năm 2015, toàn Thành phố đã xây mới 121 trường học, gần 1.700 phòng học với kinh phí hơn 3 nghìn tỷ đồng. Đến năm học 2016 – 2017, mạng lưới các trường học trên địa bàn thành phố tiếp tục phát triển với 2.665 trường, gần 53 nghìn nhóm lớp với 1,8 triệu học sinh, so với cùng kỳ năm học trước tăng 43 trường, hơn một nghìn nhóm lớp, 95 nghìn học sinh. Mầm non và tiểu học là hai cấp học có sự phát triển mạnh về quy mô học sinh... Số lượng học sinh ngày càng tăng trong những năm học vừa qua chính là nguyên nhân khiến cho trường, lớp học ở nhiều nơi luôn đối mặt với nguy cơ quá tải, đòi hỏi các địa phương phải chủ động có kế hoạch xây dựng bổ sung trường, phòng học nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. 
 
Theo lãnh đạo quận Hà Đông, trong 5 năm qua, mỗi năm, quận xây mới từ 4 đến 5 trường học, nhưng nhiều trường vẫn quá tải. Quy mô tuyển sinh những năm gần đây tăng trung bình trên 5 nghìn học sinh/năm. Mối lo của lãnh đạo quận là trên địa bàn hiện có hơn 100 dự án nhà ở, chung cư, khu đô thị đang triển khai, trong đó, 60 dự án đã đưa vào hoạt động, kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về dân số, đòi hỏi phải chủ động chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, trong đó, có trường học. Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, Hà Đông cần thêm 85 trường học mới.
 
Không chỉ ở Hà Đông, quận Cầu Giấy cũng là một trong những quận đang trăn trở về số lượng học sinh tăng nhanh trong những năm gần đây. So với nhu cầu hiện tại thì số trường học cơ bản đủ, nhưng các trường đều có sĩ số học sinh/lớp cao. Dự báo, năm học tới, quy mô học sinh sẽ tăng khoảng 10%, tương đương 6.300 học sinh, cần xây thêm 4 trường học. Kế hoạch từ nay tới năm 2020, Cầu Giấy cần bổ sung khoảng 10 trường ở các cấp học. Tương tự, tại huyện Hoài Đức, từ nay tới năm 2020, cần bổ sung 77 trường học…
 
Nhu cầu bổ sung trường, phòng học là cấp thiết, song hầu hết các đơn vị đều đang đối mặt với hai khó khăn cơ bản là kinh phí và quỹ đất. Dù được phê duyệt dự án từ năm 2007, nhưng đến nay, một số ít trường thuộc các quận nội thành, trong đó phải kể đến trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, quận Ba Đình vẫn phải đi học nhờ. Trên địa bàn quận Tây Hồ, Trường Tiểu học và THCS Tứ Liên cũng trong hoàn cảnh học nhờ, học tạm tương tự, do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng để lấy quỹ đất xây dựng trường. Quận Hà Đông từ nay tới năm 2020 cần xây dựng 85 trường mới, nhưng quỹ đất sạch gần như không còn... 
 
Các huyện thì gặp khó khăn trong việc xóa phòng học cấp 4 xuống cấp, phòng học tạm, học nhờ vì thiếu kinh phí. Ba Vì hiện còn 234 phòng học xuống cấp, không bảo đảm chất lượng. Huyện Mỹ Đức còn 206 phòng học mượn, học tạm và phòng học cấp 4 xuống cấp, chủ yếu ở cấp học mầm non. Nhiều nơi thiếu phòng, phải ngăn đôi để học sinh có chỗ học. Nguồn ngân sách của huyện khó giải quyết triệt để tình trạng này. Trong khi đó số phòng học cần thay mới của Phú Xuyên là 119, song huyện chưa thể giải quyết do ngân sách hạn chế, công tác xã hội hóa , bởi điều kiện kinh tế - xã hội và cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn.
 
Nhiệm vụ ưu tiên của ngành GD&ĐT Hà Nội trước mắt là tập trung đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất cho các trường học, nhất là trong bối cảnh gia tăng về quy mô học sinh như hiện nay. Đặc biệt có những nhiệm vụ ưu tiên trước mắt là bổ sung trường học còn thiếu; xóa phòng học cấp 4 xuống cấp, phòng học nhờ, học tạm; xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn; xây dựng trường chuẩn quốc gia. Theo đó, đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, TP Hà Nội đã xác định rõ vị trí, yêu cầu và những điểm cần xây mới. Thành phố phấn đấu cải tạo, sửa chữa khoảng 1.200 trường học. 
 
Cùng với Thành phố, các quận, huyện, thị xã cũng sẽ ưu tiên kinh phí đầu tư cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong đó, có cả trường công nhận mới và công nhận lại. Xây dựng kế hoạch nhằm xóa bỏ phòng học nhờ, học tạm. Riêng về cơ sở vật chất, năm học 2017 - 2018, đã triển khai xây dựng, cải tạo 2.725 khu vệ sinh xuống cấp, chưa đạt chuẩn. Năm 2018 - 2020, tiếp tục rà soát, xây nhà vệ sinh xuống cấp theo tiêu chuẩn thiết kế, để đạt chuẩn quốc gia…
 
Việc mở rộng quy mô trường lớp nhằm đáp ứng đủ nhu cầu học tập của người dân trước áp lực tăng dân số cơ học như hiện nay. Song song với đó, Thành phố còn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cũng như nâng cao chất lượng dạy và học để góp phần phát triển ngành GD&ĐT một cách toàn diện, xứng đáng là đơn vị đầu tàu của cả nước.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t