Hà Nội với công tác cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã (09:37 22/01/2017)


HNP - Trong năm 2016, thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nạn buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã cũng được tích cực triển khai.

Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội và lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Tiên thả những cá thể Tê tê về với môi trường tự nhiên


Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Thành Phố Hà Nội (Trung tâm) được thành lập nhằm thực hiện chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, tổ chức nghiên cứu khoa học, phục vụ thăm quan, học tập; quan hệ trong nước và quốc tế trong việc nghiên cứu, bảo tồn, trao đổi, cung cấp động vật hoang dã các thế hệ sau (F2).
 
Trong những năm qua, mặc dù, hành vi vi phạm về ĐVHD quý hiếm đã được quy định trong Luật ĐDSH năm 2008 và Bộ luật Hình sự, nhưng thực tế, các hành vi xâm hại đến các loài ĐVHD diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do lợi nhuận từ việc săn bắn, buôn bán ĐVHD, cũng như nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD nên các đối tượng vẫn bất chấp mua bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. 
 
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội là trung tâm kinh tế văn hoá của cả nước, với số lượng dân cư đông địa bàn rộng, tiềm ẩn nhiều hoạt động mua bán, vận chuyển, gây nuôi động vật hoang dã có tính phức tạp. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn ĐDSH, đặc biệt là bảo vệ động, thực vật hoang dã quý hiếm, thành phố Hà Nội đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, thả, chuyển giao động vật hoang dã sau cứu hộ; xây dựng các văn bản liên quan đến công tác cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã.
 
Đồng thời, tổ chức bộ máy và chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất như chuồng trại, vật tư, thiết bị thú y phục vụ cho công tác cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã. Trong năm 2016, Trung tâm đã tiếp nhận 59 vụ với 557 cá thể và 7,5 kg rắn. Trong đó số động vật sống là 555 cá thể và 7,5 kg Rắn.
 
Ngay khi tiếp nhận các cá thế, các cán bộ thú y trung tâm đã điều trị, trong đó tổ chức điều trị 82 đợt cho 417 lượt các cá thể động vật hoang dã chủ yếu là Hổ, Gấu ngựa, Chim công, mèo rừng…Cùng với đó công tác phòng bệnh cũng được coi trọng, các loài được tiêm vắc xin phòng bệnh và tẩy giun sán theo theo định kỳ 13 đợt cho 604 lượt các cá thể động vật hoang dã.
 
Sau khi các loài được điều trị và nuôi dưỡng, công tác tái thả động vật hoang dã được triển khai thường xuyên. Năm 2016, đã tổ chức tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ về môi trường tự nhiên 2 đợt với 80 cá thể và 2,0 kg Rắn. Đặc biệt có nhiều cá thể là động vật quý hiếm, như: Khỉ đuôi dài, Khỉ đuôi lợn, Khỉ mặt đỏ, Khỉ vàng, 13 cá thể Rắn hổ mang chúa, cá thể Rồng đất, Nhông úc, Cự đà… tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh. Thả 20 cá thể Tê tê java tại Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai.
 
Ngoài ra, trong năm, Trung tâm đã tổ chức chuyển giao 8 đợt với 245 cá thể động vật hoang dã, chủ yếu chuyển giao cho các đơn vị như: Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp; Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; Trung tâm cứu hộ, bảo tồn Tê tê thuộc Vườn Quốc gia Cúc phương.; Công ty TNHH Một thành viên Vườn Thú Hà Nội. Chuyển giao động vật hoang dã đã chết trong quá trình tiếp nhận, cứu hộ 01 đợt với 26 cá thể cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
 
Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, Trung tâm đã chủ động tích cực trong lĩnh vực hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế; nhằm nâng cao chất lượng cứu hộ, bảo tồn các loài động vật hoang dã. Riêng năm 2016, Trung tâm đã ký các biên bản thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt (FB Việt) để tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ về tài chính cho Trung tâm trong công tác làm giàu phúc lợi động vật và công tác thú y.
 
Trong năm qua, công tác thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý bảo vệ ĐVHD cho cán bộ công chức, cán bộ kiểm lâm, các tổ chức, cá nhân tham gia vào gây nuôi ĐVHD theo đúng quy định của pháp luật. Đã phát 17.400 tờ rơi về quản lý, bảo vệ, phát triển ĐVHD, hướng dẫn cho các cơ sở gây nuôi ĐVHD, nhà hàng ký cam kết không mua, bán, cất giữ, vận chuyển ĐVHD trái phép. Tổ chức, chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm địa trên địa bàn thành phố.
 
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện tốt chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, nghiên cứu khoa học, hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Chú trọng vệ sinh, phòng, trị dịch bệnh trong quá trình cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã cũng như thả, chuyển giao động vật hoang dã về môi trường tự nhiên sau cứu hộ. Ngoài ra, sẽ hoàn thiện các văn bản nhằm giải quyết nhanh các vụ vi phạm trong quản lý, bảo vệ và nâng cao chất lượng công tác cứu hộ động vật hoang dã.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t