Tổng kết khai quật không gian chính điện Kính Thiên năm 2016 (20:45 28/12/2016)


HNP - Sáng 28/12, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học khu vực chính điện Kính Thiên năm 2016.

Toàn cảnh buổi hội thảo


Theo đó, các nhà khảo cổ học khẳng định, đã làm rõ thêm một phần không gian chính điện Kính Thiên thời Lê Trung Hưng và Lê Sơ, làm rõ thêm một phần không gian kiến trúc quan trọng của Hoàng thành Thăng Long thời Lý. Khai quật khảo cổ học khu vực điện Kính Thiên năm 2016 tiếp tục xác định tầng văn hoá có niên đại kéo dài từ khoảng thế kỷ VIII - IX đến thế kỷ XIX - XX. Xác định được các dấu tích ở Trục trung tâm có niên đại kéo dài từ thời Lý đến thời hiện đại...  Mặc dù hố đào còn rất nhỏ, các di tích thường chồng xếp, cắt phá rất phức tạp nhưng trong nghiên cứu tổng thể vẫn góp phần nhận diện rõ thêm một bước kiến trúc tổng thể của khu vực Trung tâm qua các thời trên những nét lớn.
 
Các nhà khoa học cho rằng, đợt khai quật này, lần đầu tiên làm rõ móng tường thời Nguyễn ở Đoan Môn được dựng lên trên cơ sở tận dụng và thu hẹp móng tường Đoan Môn thời Lê Trung hưng. Thời Lê Trung hưng, cho thấy dấu tích móng tường phía Nam của Cấm thành, dấu tích chân móng và móng của Đoan Môn sâu 1,2 - 1,5m so với bề mặt hiện tại, dấu tích sân Đan Trì lát gạch vồ màu xám, dấu tích hành lang giai đoạn sớm nối tiếp với kết quả khai quật năm 2014 và năm 2015. Vào một thời kỳ nào đó của thời Lê Trung hưng, có thể do sụt lún, kiến trúc hành lang được gia cố mở rộng sát vào phía Đoan Môn, xây thêm kiến trúc sát vào phía tường Nam của Cấm thành…
 
Các phát hiện mới vừa khẳng định các kết luận sơ bộ của những năm trước, vừa gợi mở thêm các nghiên cứu trong thời gian sắp tới. Qua đó, có thể thấy, dấu tích Hoàng thành Thăng Long với các tiêu chí nổi bật toàn cầu tiếp tục được chứng minh rõ thêm nhưng vẫn còn nguyên các bí ẩn ở dưới lòng đất đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu kiên trí, tổng thể và lâu dài. Theo GS Phùng Văn Liêm: Mỗi mùa khai quật có những nhận thức mới, ghi dấu ấn trong bảo tồn, phát huy di sản, từng bước tiệm cận với điều khoa học hơn. 
 
Tại buổi hội thảo, GS Phan Huy Lê cho biết: Mỗi năm chúng ta có thêm nhận thức mới. Năm 2016, khẳng định tầng văn hoá của khu Đoan Môn - Điện Kính Thiên kéo dài liên tục từ Đại La qua Lý Trần, Lê, Lê Trung Hưng, Nguyễn phong phú hơn so với khu di tích 18 Hoàng Diệu và Vườn Hồng. Khu Đoan Môn - Điện Kính Thiên là khu có tiềm năng, có tính liên tục gồm tất cả các địa tầng, giai đoạn văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cần báo cáo Thành phố mở rộng diện tích khai quật theo mục tiêu bảo tồn di tích; xây dựng kế hoạch khai quật theo trình tự; lập hồ sơ khoa học một cách nghiêm túc, đặc biệt tiến tới số hoá 3D…

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t