Hội thảo đánh giá mô hình trồng giống ngô biến đổi gen (15:28 22/12/2016)


HNP - Sáng 22/12, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tổ chức hội thảo đánh giá mô hình trồng giống ngô biến đổi gen từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị và định hướng trong thời gian tới.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng Ngô chuyển gen tại huyện Chương Mỹ


Hiện nay, Hà Nội có khoảng 20.000ha trồng ngô. Trong những năm qua, diện tích gieo trồng ngô của Hà Nội đang chiều hướng giảm dần do chi phí sản xuất cao, hiệu quả sản xuất thấp. Ngoài ra, sâu bệnh và cỏ dại được coi là hai yếu tố ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng cũng như hiệu quả của sản xuất.
 
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng mô hình trồng ngô biến đổi gen bằng giống NK 4300 Bt/Gt, đây là giống được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép sản xuất thương mại với đặc điểm là kháng sâu đục thân và chịu được thuốc trừ cỏ gốc.
 
Mô hình được thực hiện trên quy mô 20ha, tại xã Sơn Đà, huyện Ba Vì và xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, cả 2 điểm đều thực hiện trên đất cấy 2 vụ lúa với gần 200 hộ tham gia. Việc gieo trồng được tiến hành từ 20 đến 25/9/2016, với mật độ khoảng 60.000 cây/ha, được cơ giới hoá về tưới tiêu, các hộ dân tham gia mô hình thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, có cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo, theo dõi mô hình. 
 
Sau thời gian triển khai mô hình cho thấy cây ngô phát triển đều, thân cây to mập, lá màu xanh dày, số lá xanh trên cây nhiều hơn. Trong khi đó, ruộng đối chứng các lá gốc đã khô, mặc dù sử dụng ít phân bón nhưng vẫn cho năng suất cao, chất lượng tốt và không có vết tích của các sâu gây hại. Giống ngô cho năng suất từ 7.200 đến 7.520kg/ha cao hơn các giống ngô trồng phổ biến tại các địa phương khác từ 10-12%.
 
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, mô hình trồng ngô biến đổi gen vụ Thu Đông năm 2016 tại 2 huyện cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Mô hình đã giúp giảm chi phí trong sản xuất ngô, giải phóng sức lao động, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất, tăng thu nhập thêm từ 6.920.000 đến 8.420.000 đồng/ha so với sản xuất các giống ngô thường. Mặt khác, sử dụng giống ngô biến đổi gen giúp giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất, người tiêu dùng.
 
Trong thời gian tới, Sở sẽ đề xuất thành phố tiếp tục phê duyệt chính sách hỗ trợ để mở rộng diện tích trồng ngô biến đổi gen ở những vụ tiếp theo để đánh giá chính xác hiệu quả của giống ngô này. Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền về hiệu quả của mô hình trồng ngô biến đổi gen. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, nhằm nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t