Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương (14:44 28/12/2017)


HNP - Sáng 28/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị


Cùng dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Tại điểm cầu Hà Nội, tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP, lãnh đạo các sở, ban, ngành TP.
 
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Hội nghị
 
Chính phủ đề ra phương châm "10 chữ" trong năm 2018
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điểm lại các khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Song, với sự nỗ lực, cố gắng, tất cả các chỉ tiêu Quốc hội đưa ra đều được thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.
 
Đặc biệt, là nước chủ nhà, Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Năm APEC 2017, được thế giới đánh giá cao. Năm qua cũng là năm của chấn chỉnh kỷ cương, làm trong sạch một bước bộ máy Nhà nước với nhiều đại án tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra nghiêm túc, đưa ra xét xử nghiêm minh, từng bước lấy lại niềm tin yêu của nhân dân.
 
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Đó là tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, chất lượng và tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhưng chất lượng, hiệu quả, quy mô hoạt động, sức cạnh tranh còn thấp. Tính kết nối giữa khu vực tư nhân trong nước và khu vực FDI còn nhiều hạn chế. Việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đạt thấp. Phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ, thất thoát...
 
Thủ tướng nhấn mạnh: Bước vào năm 2018 và hướng tới 2021, chúng ta cần tận dụng đà phát triển của 2017 và thúc đẩy một chương trình phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt những mục tiêu quan trọng đề ra cho năm tới và cả nhiệm kỳ. Tinh thần này sẽ được thể hiện trong phương châm 10 chữ của Chính phủ năm 2018 sẽ trình ra Hội nghị hôm nay, đó là: "Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả".
 
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên của Chính phủ sẵn sàng lắng nghe, trao đổi những ý kiến từ thực tiễn phong phú tại các lĩnh vực, các địa phương cùng các chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư để tiếp thu, hoàn thiện; để cả hệ thống hành chính bắt tay vào việc với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2018 và cả giai đoạn 2018-2021.
 
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giới hiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018. 
 
Theo đó, năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp ước tăng 2,9%, trong đó thủy sản tăng 5,54%. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8%, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 14,4%. Khu vực dịch vụ tăng 7,44%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9%; khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, tăng 29,1%.
 
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 44,2%; vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%. Thị trường chứng khoán vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 33,3% GDP, tăng 12,1%.
 
Trong năm qua, có gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký tăng 45,4% và gần 26.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Phần lớn doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn.
 
Đặc biệt, xuất khẩu của nước ta trong năm qua ước đạt 214 tỷ USD, tăng 21,1%. Trong đó, hàng nông, lâm, thủy sản đạt trên 36 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt 420 tỷ USD; xuất siêu 2,7 tỷ USD. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường.
 
Hà Nội hoàn thành toàn bộ 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội
 
Là địa phương đầu tiên phát biểu tham luận, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: TP Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, 5, 6; Nghị quyết số 01 của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Chính quyền hành động, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội.
 
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội
 
Vì vậy, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng cao, hoàn thành 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,3%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây; xuất khẩu đạt 11,8 tỷ USD, tăng 10,3%; dịch vụ tăng 8,7%; khách du lịch đạt 23,8 triệu lượt, tăng 9%, tổng thu từ khách du lịch tăng 15%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 208 nghìn tỷ đồng, vượt 1,6% nhiệm vụ thu của năm, tăng 16% so với năm 2016… Thành phố có thêm 2 huyện và 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 36% kế hoạch, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 285/386 xã.
 
Năm 2017, Hà Nội đã thực hiện sắp xếp xong tổ chức bộ máy và phê duyệt xong đề án vị trí việc làm theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Việc thực hiện “Năm kỷ cương hành chính” gắn với việc tổ chức triển khai 2 bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Thành phố triển khai đồng bộ ứng dụng CNTT đã đưa vào vận hành 611 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt tỷ lệ 32%; số lượng công dân truy cập dịch vụ công trực tuyến tăng 931% so với năm 2016. Tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến ở mức độ 3, 4 là 8,8 triệu hồ sơ. Thành phố tiếp tục bổ sung hồ sơ dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu hồ sơ của công dân.
 
Trong năm qua, tỷ lệ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng đạt 100%; kê khai thuế điện tử đạt 98%; kê khai hải quan đạt 100%; tuyển sinh trực tuyến đầu cấp đạt 70,7%. Thành phố cũng thiết lập hơn 897 nghìn hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân; khám tầm soát ung thư miễn phí cho hơn 150 nghìn người.
 
Thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức các sự kiện kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố; hỗ trợ cho các doanh nghiệp qua các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước; tăng cường đối thoại doanh nghiệp, khai trương và vận hành vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo và Cổng thông tin khởi nghiệp…
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, Hà Nội đã thu hút vốn đầu tư các dự án ngoài ngân sách đạt trên 181 nghìn tỷ đồng, tăng 42%; vốn FDI ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9,3%. Hà Nội cũng đã cấp đăng ký cho 25 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 11% với vốn đăng ký là 240 nghìn tỷ đồng. Lũy kế số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đến nay là trên 231 nghìn doanh nghiệp. Thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp và các giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu 400 nghìn doanh nghiệp vào năm 2020.
 
Công tác quy hoạch và quản lý trật tự đô thị, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ quy hoạch gắn với phát triển hạ tầng giao thông, xây mới 11 triệu m2 sàn nhà ở; cấp GCN quyền sử dụng đất đạt 98%, đăng ký kê khai đất đai lần đầu đạt 100%; tổ chức giải phóng mặt bằng được 1 nghìn ha, tăng 151% khối lượng so với năm 2016. Trật tự văn minh đô thị được thực hiện thường xuyên; Thành phố đã trồng mới thêm được 327 nghìn cây xanh đô thị, lũy kế đạt 470 nghìn cây xanh, đạt 47% so với mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh của Thành phố…
 
Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Thành phố hoàn thành sửa chữa và xây mới 8.211 nhà cho người có công với kinh phí 955 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,69%, không còn xã nông thôn đặc biệt khó khăn. Thành phố cũng tạo mới việc làm cho 152 nghìn người; tỷ lệ thất nghiệp còn 3,2%. Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, hoàn thành xây dựng 48 trường cho các huyện khó khăn.
 
Bên cạnh kết quả nêu trên, Hà Nội đang thực hiện kế hoạch khắc phục 20 tồn tại, hạn chế sau hội nghị kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã chỉ ra như: Kinh tế phát triển toàn diện nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô; tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm; công tác quản lý quy hoạch trật tự xây dựng, quản lý đất đai còn nhiều bất cập; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự nơi công cộng.
 
Việc quản lý sắp xếp trật tự vỉa hè, lòng đường, chỉnh trang các tuyến phố đã có chuyển biến nhưng chưa bền vững; công tác kiểm soát chống ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn cơ bản bảo đảm tuy nhiên còn xảy ra một số vụ việc an ninh nông thôn; tình hình cháy nổ còn phức tạp; còn xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức chưa thực hiện tốt các quy tắc ứng xử với công dân, tổ chức, có biểu hiện hách dịch, cửa quyền khiến dư luận và nhân dân bức xúc…
 
Tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
 
Tiếp tục phát huy hiệu quả đạt được trong năm 2017, năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch 2016-2020, TP. Hà Nội chọn chủ đề năm 2018 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” với quyết tâm thực hiện 20 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Thành phố phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7,3-7,8%( trong đó, dịch vụ tăng 6,9-7,5%; công nghiệp - xây dựng 8,2-8,7%); vốn đầu tư xã hội tăng trưởng từ 10-11,5%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng khoảng 11-15%; xuất khẩu tăng 7,5-8%; khách du lịch tăng 7% - 10%
 
Để thực hiện được các mục tiêu đó, Hà Nội sẽ tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, đồng thời, tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của T.Ư; tập trung khuyến khích hỗ trợ thúc đẩy DN khởi nghiệp; đẩy mạnh thu hút và thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, dự án đầu tư nước ngoài; tập trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngay từ đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chương trình phát triển đô thị; tăng cường quản lý chặt chẽ công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng. Xây dựng và từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh.
 
Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, các làng nghề truyền thống. Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; bảo đảm tốt chính sách an sinh xã hội; tập trung thực hiện kế hoạch hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 6000 nhà ở cho các hộ nghèo.
 
Cùng với đó, tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH, phòng chống tội phạm, duy trì trật tự công cộng, trật tự văn minh đô thị. TP rà soát kết quả thực hiện các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP đề ra để tiếp tục có giải pháp trong chỉ đạo, điều hành đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu cả nhiệm kỳ, gắn với đánh giá 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.
 
“Đặc biệt, TP đã và đang tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16 ngày 22/12/2017 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2018; tổ chức cho nhân dân đón năm mới vui tươi, an toàn, tiết kiệm, thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhân dân vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão, lũ,…”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t