Cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam” tri ân các thương binh liệt sỹ (09:51 27/07/2017)


HNP - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2017), tối 26/7, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp “Dáng đứng Việt Nam” tại 4 điểm cầu gồm: Khu du di tích lịch sử Quốc gia 27/7, xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội; Thành cổ Quảng Trị và Đền tưởng niệm Bến Dược, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự tại 4 điểm cầu.

Đại biểu tại điểm cầu Hà Nội


Tại điểm cầu Hà Nội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải… cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và nhà nước, lãnh đạo TP Hà Nội cùng đông đảo các mẹ Việt Nam anh hùng.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự chương trình tại điểm cầu Thái Nguyên. Cùng tham dự có Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cùng lãnh đạo các ban ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên, đông đảo nhân dân toàn tỉnh cùng có mặt tại chương trình.
 
Điểm cầu Đền Bến Dược (Củ Chi, TP.HCM) có sự hiện diện của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và tại điểm cầu Thành cổ Quảng Trị có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cùng lãnh đạo các ban ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh, cựu chiến binh.
 
Bên cạnh những tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại 4 điểm cầu, chương trình "Dáng đứng Việt Nam" mang tới cho khán giả nhiều câu chuyện rất đặc biệt ở nhiều địa phương trên cả nước. Những nhân vật, những cuộc gặp gỡ các thương bệnh binh và những câu chuyện lần đầu tiên đã được kể trong chương trình cầu truyền hình. Đó là câu chuyện về liệt sỹ Nguyễn Kỳ Sơn, người đã hy sinh trong trận đánh ác liệt kéo dài 81 ngày tại Thành cổ Quảng Trị. Anh hy sinh ngày 25/8/1972, nhưng phải 1 năm sau, gia đình mới nhận được tin tức này. Sau đó, phải mất tới gần 40 năm, gia đình và đồng đội mới có thể tìm được hài cốt của anh.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự tại điểm cầu xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

Ngoài ra, trong chương trình lần này, khán giả còn được chứng kiến câu chuyện của 2 người mẹ đợi con 30 năm, dù con đã hy sinh trong trận chiến CQ88. Đó là mẹ Dương Thị Tạo, mẹ của liệt sỹ Phan Văn Thiềng - E83 công binh hải quân, quê ở Đồng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), bao năm nay vẫn một mình ở trong căn nhà cũ bên bờ biển đợi con về. Người thứ hai là mẹ Nguyễn Thị Tròn, năm nay 84 tuổi, hiện ở một vùng cát trắng ven biển thuộc xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Con mẹ Tròn là anh Hoàng Văn Túy, đã nằm lại ở biển Trường Sa vào ngày 14/3/1988. Cùng với đó là câu chuyện xúc động "Thư về với mẹ khi con đã hy sinh" kể về lá thư cuối cùng của liệt sỹ Nguyễn Văn Thịnh gửi về cho gia đình được chia sẻ. Lá thư được viết vào đầu Xuân 1985, tại chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang trong chiến tranh biên giới...
 
Hàng ghế dành cho các anh hùng liệt sĩ
 
Cầu truyền hình cũng thể hiện câu chuyện về kho 55.000 kỷ vật tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 và hành trình đi tìm chủ nhân của đôi bông tai mà liệt sỹ Nguyễn Văn Đồng để lại. Trong chương trình, con gái nuôi của liệt sỹ Nguyễn Văn Đồng - cô Nguyễn Thị Mai Khanh đã được nhận lại kỷ vật của cha. Người con gái nuôi này chỉ còn giữ được một di vật duy nhất của cha là tấm di ảnh. Và người lính đã ngã xuống mảnh đất Lâm Đồng ngày nào đã giữ suốt bên mình đôi hoa tai dành cho cô con gái nuôi nơi hậu phương.
 
Bên cạnh đó, trong chương trình, khán giả đã được xem nhiều phóng sự được thực hiện tại: Điện Biên, Quảng Trị, Côn Đảo, TP Hồ Chí Minh, Hà Giang, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Quảng Bình... Ngoài ra, chương trình còn có những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
 
Chương trình thực sự là lời tri ân những đóng góp to lớn của các thương binh, liệt sĩ - những người đã hy sinh cho Tổ quốc trường tồn, đồng thời, một lần nữa khẳng định: thế hệ người Việt Nam hôm nay không bao giờ quên những công lao to lớn ấy.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t