Thay đổi kết cấu đê từ khu An Dương vẫn đảm bảo nhiệm vụ chống lũ, đảm bảo kết hợp giao thông, phát triển đô thị (05:49 17/02/2017)


HNP - Gần đây, một số báo chí đưa tin thành phố Hà Nội đề xuất hạ cốt đê khiến dư luận phản ứng bởi từ vị trí đê đó vào trung tâm trung tâm hành chính Ba Đình rất gần, nếu người dân không hiểu sẽ cho rằng gây ra thảm họa khi hồ Hòa Bình xả lũ. Tại buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT với UBND thành phố Hà Nội, ông Trần Quang Hoài - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) đã trả lời vấn đề này.

Khu vực đường Âu Cơ có mật độ giao thông lớn, thường ùn tắc giao thông


Liên quan tới vấn đề thay đổi kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ An Dương đến khách sạn Thắng Lợi, ông Trần Quang Hoài cho biết, chuyển từ đê đất sang đê bê tông vừa đảm bảo nhiệm vụ chống lũ, vừa kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị của Thủ đô. Hà Nội phải tính toán để tuyến đê bê tông đó đảm bảo an toàn phòng chống lũ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đã được ban hành cũng như một số ý kiến góp ý của các chuyên gia, cán bộ quản lý, kỹ thuật ngành thủy lợi. Trên thực tế, ngay trên địa bàn Hà Nội, đoạn đê con đường gốm sứ cũng đã thay đổi kết cấu đê đất bằng đê bê tông và một số địa phương khác như Hải Phòng đoạn ngay cầu Rào, bờ hữu sông Lạch Tray cũng thay đổi tương tự. Những đoạn đê đó được theo dõi, giám sát chặt chẽ từ lúc thiết kế tới thi công và hiện nay được đưa vào sử dụng cho hiệu quả rất tốt. 
 
Ông Hoài cũng cho biết, đê Hà Nội là đê quan trọng nhất của cả nước, trong đó có những đoạn cấp đặc biệt. Tuy nhiên, hiện nay, đê Hà Nội lại đang yếu nhất so với các vùng xung quanh và vi phạm đê điều còn nhiều. Hầu hết các tuyến đê Hà Nội đều gắn với tuyến đường giao thông. Trong 5 năm, từ 2011 - 2016, Hà Nội có tổng số 1.649 vụ vi phạm hành lang đê điều, song đến nay, mới giải quyết dứt điểm được 162 vụ, tức là 10%. Vì vậy, theo ông Hoài, TP Hà Nội cần quan tâm giải quyết vấn đề này hơn nữa.
 
Phát biểu tại hội nghị làm việc với Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội không kiến nghị Bộ NN&PTNT hạ cốt đê sông Hồng mà kiến nghị thay đổi kết cấu đoạn đê từ trước cửa khách sạn Thắng Lợi đến An Dương từ đê đắp bằng đất chuyển thành đê bê tông. Thực tế, đoạn đê từ Phúc Tân đến An Dương đã làm rồi. Nếu thay đổi kết cấu đê như vậy, kiến trúc cầu An Dương sẽ đẹp và cân hơn. 
 
Bên cạnh đó, khi chuyển từ đê đất sang đê bê tông, hoàn toàn mở rộng được 2 làn đường mỗi bên 3,7m. Thứ ba, TP đã xin ý kiến dân cư hai bên tuyến đê từ khách sạn Thắng Lợi đến An Dương và nhận được sự đồng tình cao. Khi làm được con đường như vậy, giao thông sẽ tốt hơn, người dân đi từ đê xuống hai bên sẽ thuận lợi hơn do hạ độ dốc. 
 
Liên quan đến khả năng con đê có chống chịu lũ được hay không, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trên hệ thống sông Đà đã có một số nhà mày thủy điện như thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, còn trên sông Lô có thủy điện Na Hang, trên sông Hồng thì phía Trung Quốc cũng đã xây dựng nhà máy thủy điện. Hơn nữa, ở phía ngoài đê, người dân đã làm nhà nên mặt đê bê tông không chịu áp lực trực tiếp của nước. Đặc biệt, với công nghệ mới hiện nay đê bê tông hoàn toàn có thể chịu được áp lực.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t