Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) (08:43 29/05/2024)


HNP - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 28/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). 

Quang cảnh kỳ họp Quốc hội


Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). 
 
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, phiên thảo luận đã có 25 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận trên hội trường, các ý kiến đánh giá cao chất lượng chuẩn bị hồ sơ, tài liệu dự án Luật trình Quốc hội và cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật đã được chỉnh lý.
 
Các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự kỳ họp
 
Các đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số điều, khoản quy định cụ thể trong dự thảo luật, nhằm bảo đảm tính khả thi, nâng cao chất lượng, hiệu quả cao khi thi hành luật; vừa bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách, tạo động lực xây dựng và phát triển Thủ đô của cả nước xứng tầm trong giai đoạn mới, với tinh thần Hà Nội của cả nước, Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội; đồng thời lưu ý rà soát để bảo đảm tính đồng bộ với hai văn kiện rất quan trọng là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội theo luật quy hoạch và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Luật Xây dựng mà Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận, cho ý kiến ngay tại kỳ họp này.
 
Tham gia thảo luận, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội có các đại biểu Tạ Đình Thi, Bùi Hoài Sơn, Nguyễn Phi Thường, Hoàng Văn Cường, Nguyễn Anh Trí phát biểu trên hội trường. 
 
Đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, các quy định về chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Dự thảo Luật đã có bước hoàn thiện đáng kể, bổ sung và cụ thể hóa nhiều nội dung liên quan trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023 và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 ngày 26/3/2024.
 
Đại biểu bày tỏ nhất trí việc bổ sung quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn thành phố Hà Nội được thành lập doanh nghiệp và cho phép viên chức làm việc tại các tổ chức đó được tham gia, quản lý điều hành doanh nghiệp với điều kiện được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức. 
 
Đại biểu Tạ Đình Thi phát biểu thảo luận tại kỳ họp
 
Theo đại biểu, quy định này là nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đưa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ nhanh chóng đi vào thị trường, gắn với thực tế đời sống kinh tế - xã hội, qua đây hình thành hệ sinh thái tuần hoàn giữa nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, tái đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là phát huy tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ rất lớn của Thủ đô. Chính sách này cũng phù hợp với xu thế trên thế giới hiện nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, vòng đời sản phẩm và chu trình sản xuất ngày càng được rút ngắn, sự phát triển và mở rộng ngày càng nhanh quy mô, mô hình đại học khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. 
 
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của chính sách, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với các luật liên quan, nhất là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học và Luật Phòng, chống tham nhũng.
 
Đại biểu Bùi Hoài Sơn đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt là những điều, khoản liên quan đến văn hóa để văn hóa Thủ đô thực sự tỏa sáng, dẫn dắt sự phát triển văn hóa của đất nước. 
 
Đại biểu Bùi Hoài Sơn phát biểu thảo luận tại kỳ họp
 
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn trong phát triển văn hóa không chỉ đúng đối với văn hóa của Thủ đô mà còn đúng với văn hóa của cả nước. Chính vì vậy, đại biểu mong muốn, một số chính sách, giải pháp đặc thù vượt trội cho phát triển văn hóa Thủ đô cũng sẽ được áp dụng cho các thiết chế, các hoạt động văn hóa của các cơ quan Trung ương ở Hà Nội. Cụ thể như Điều 39 về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư của thành phố Hà Nội hay Điều 41 về quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng quy định cho các cơ quan, tổ chức của thành phố Hà Nội, trong đó có các hạ tầng về văn hóa, thể thao được ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong một thời gian nhất định. 
 
Đại biểu Nguyễn Phi Thường thống nhất rất cao nội dung quy định tại Điều 4 tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, đặc biệt là nội dung quy định tại khoản 3. Các nội dung đề cập có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giải quyết, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn đã kéo dài và được xác định là một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu quả thực sự là những chính sách vượt trội, khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện. 
 
Ngoài ra, quy định tại khoản 3, Điều 4 là hết sức cần thiết, bởi Luật Thủ đô là một đạo luật có tính chất đặc biệt đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho một cấp chính quyền địa phương là chính quyền thành phố Hà Nội được thực hiện một số thẩm quyền mà các luật hiện hành khác đang giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay các cơ quan khác ở Trung ương thực hiện.
 
Đại biểu Nguyễn Phi Thường phát biểu thảo luận tại kỳ họp
 
Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá cao các nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cho rằng dự thảo Luật đã thể hiện rất đúng tinh thần tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội để thu hút đầu tư, phát triển Thủ đô xứng tầm. 
 
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật hơn nữa, đại biểu Hoàng Văn Cường lưu ý nội dung về giải thích từ ngữ, đó là khi đưa ra các khái niệm thì phải đưa ra các thuộc tính để làm căn cứ pháp lý cho việc xác định đối tượng quản lý. 
 
Lấy ví dụ tại khoản 1 Điều 3, đại biểu Cường cho biết, khi định nghĩa về “đô thị trung tâm”, dự thảo Luật không đưa thuộc tính mà lại nói luôn đô thị trung tâm là gì. Do vậy, theo đại biểu, cần phải bổ sung thêm thuộc tính, cụ thể cần nêu rõ, đô thị trung tâm là khu vực đô thị đảm nhận các chức năng chính của Thủ đô và sau quy định bao gồm những khu vực nào…
 
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận tại kỳ họp
 
Đại biểu Nguyễn Anh Trí ghi nhận Ban soạn thảo đã cầu thị, lắng nghe và tích cực tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật. Đại biểu bày tỏ nhất trí với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo Luật trình lần này đã tốt hơn trước. 
 
Nhất trí với quy định cho phép chính quyền thành phố Hà Nội và các chủ thể có liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học, cơ sở giáo dục chất lượng cao, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của Thủ đô và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đại biểu nhấn mạnh, việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần hiện thực hóa yêu cầu của Nghị quyết của Bộ Chính trị. Thêm vào đó, đây không phải là quy định hoàn toàn mới mà có sự tiếp nối, kế thừa khoản 3 Điều 12 của Luật Thủ đô hiện hành. Thực tiễn triển khai cơ sở giáo dục chất lượng cao thời gian qua ở Hà Nội đã cho thấy kết quả tốt, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. 
 
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận tại kỳ họp
 
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị cần có định nghĩa về “chất lượng cao” bảo đảm xác định rõ; cần cân nhắc mức độ đầu tư cho trường chất lượng cao, xác định đối tượng học… Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị có sự rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm các từ ngữ, thuật ngữ được sử dụng trong dự thảo Luật được chính xác, nhất quán như về cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông chất lượng cao…
 
Phiên thảo luận sẽ được Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu gửi các vị đại biểu Quốc hội và gửi các cơ quan có liên quan để nghiên cứu tiếp thu, giải trình hoàn chỉnh dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu, nghiên cứu nghiêm túc chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp trong thời gian giữa hai đợt họp của Quốc hội để xem xét cho ý kiến hoàn chỉnh dự thảo luật với chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp này.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t