Nhiều khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp (08:40 23/05/2019)


HNP - Đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp đối với các cơ sở công lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dân là nhiệm vụ được ngành giáo dục, thành phố quan tâm và triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để công tác trên được phát huy hiệu quả.

Phòng chức năng tại Trường Tiểu học Lương Yên, quận Hai Bà Trưng được đầu tư khang trang


Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện, trên địa bàn thành phố có 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với 66.376 phòng học, 58.422 nhóm lớp, 1.983.435 học sinh (bình quân 34 học sinh/lớp). Trong đó, công lập là 43.911 nhóm lớp, 1.717.416 học sinh (bình quân 39 học sinh/lớp). 
 
Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã xây mới được 194 trường và cải tạo 436 trường (cải tạo, sửa chữa và xây mới 11.211 phòng học), với kinh phí khoảng 14.351 tỷ đồng. Số lượng trường học xây dựng mới và cải tạo so với Nghị quyết 05 về Quy hoạch mạng lưới trường học từ tháng 7/2012 đến nay, thành phố đã đạt tăng trưởng 75%. Trong đó, cấp tiểu học và THCS tăng vượt lần lượt là 109% và 199%. Số lượng trường học, phòng học cũng tăng trưởng mạnh so với năm 2012; diện tích sàn/học sinh nhìn chung tăng đều ở các cấp, đạt 9,1m2/học sinh, tăng gấp 3 lần so với năm 2012…
 
Cũng từ năm 2016 đến hết 2018, toàn thành phố đã công nhận mới được 354 trường đạt chuẩn Quốc gia. Các trường đạt chuẩn Quốc gia từ năm 2016 đến nay cũng được bổ sung nhiều thiết bị dạy học chất lượng, tiên tiến, hiện đại và đồng bộ. Trường đầu tư mới được mua sắm trang thiết bị khoảng 10 tỷ đồng; các trường cải tạo, sửa chữa để đạt chuẩn Quốc gia được bổ sung hàng tỷ đồng.
 
Phần lớn các trường học đã thực hiện đúng quy định với việc xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo quản, khai thác, sử dụng hiệu quả; phân công cán bộ, giáo viên phụ trách công tác thiết bị dạy học. Hệ thống phòng học bộ môn, các thiết bị dạy học được sắp xếp và bảo quản tốt, thuận lợi cho cán bộ, giáo viên khi tìm kiếm, sử dụng và kiểm kê tài sản. Đặc biệt, việc tự làm các thiết bị, đồ dùng dạy học tại các trường được quan tâm nhất là các trường mầm non, công tác này được tiến hành thường xuyên…
 
Đoàn giám sát Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP tại công trình xây mới trường THCS Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng
 
Mặc dù quy mô trường lớp ngày càng được mở rộng, đầu tư cơ sở vật chất cũng được quan tâm hơn. Song, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó, một số dự án xây dựng trường học trong quy hoạch chưa được triển khai hoặc chưa hoàn thành. Thiếu trường lớp ở nội thành đặc biệt là các trường công lập. Các chỉ tiêu về sỹ số, số lớp/trường, số học sinh/lớp ở một số phường thuộc quận nội đô còn cao dẫn đến không đảm bảo được diện tích tối thiểu/học sinh theo quy định. Phát triển mạng lưới trường học không bắt kịp so với tốc độ gia tăng dân số. 
 
Đáng chú ý, các trường thành lập mới trên các địa bàn đô thị hóa nhanh còn ít và chưa được chủ đầu tư quan tâm gây ra hiện tượng quá tải của các trường học hiện có trên khu vực hoặc do quá trình giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án kéo dài. Địa bàn một số phường, thị trấn do quỹ đất hạn chế nên không đáp ứng đủ điểu kiện có ít nhất 1 trường công lập 3 bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, đặc biệt là ở 4 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
 
Bên cạnh đó, hiện nay, chưa có cơ chế đặc thù về quy hoạch, kiến trúc. Điển hình như mô hình chia sẻ nhu cầu, liên kết sử dụng mạng lưới trường học giữa các phường kế cận (trường liên cấp, liên phường, liên xã giáp danh) hay giữa khu đô thị mới với khu vực dân cư hiện hữu còn yếu. Mặt khác, tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn xây dựng trường học cho các khu vực có quỹ đất hạn chế chưa có đột phá về số tầng, mật độ xây dựng và tầng hầm…
 
Với công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia thì tồn tại chủ yếu nằm ở việc các huyện ngoại thành thiếu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trong khi các quận nội thành thì thiếu quỹ đất xây và mở rộng trường lớp. Đáng lưu ý, việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia từ năm 2019 được thực hiện theo các thông tư mới, quy trình công nhận chặt chẽ hơn nhất là những trường mới thành lập. Đây chính là trở ngại lớn cần quan tâm để công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia thực hiện đúng tiến độ…
 
Để công tác đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp đối với các cơ sở công lập đạt hiệu quả cao nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, cần có những giải pháp cụ thể; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đơn vị, quận, huyện. Đặc biệt, cần ưu tiên dành quỹ đất cũng như có những cơ chế đặc thù trong hạ tầng xây dựng trường lớp; đẩy mạnh công tác xã hội hóa và khuyến khích mô hình trường học liên cấp…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t