Hướng sản phẩm nông nghiệp Thủ đô ra thị trường quốc tế (13:57 16/03/2018)


HNP - Thành phố Hà Nội đã có trên 100 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, 60 chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, đã hình thành một số thương hiệu nông sản chất lượng cao. Song, về tổng thể sản xuất nông nghiệp của Thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị sản xuất trên 1ha đất vẫn còn thấp so với tiềm năng, lợi thế...

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp tại HTX rau quả sạch Chúc Sơn


Phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp
 
Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) có quy mô sản xuất trên 10ha, mỗi ngày cung cấp cho thị trường (chủ yếu là các bệnh viện lớn và hệ thống siêu thị trên địa bàn Thành phố) hơn 2 tấn rau, củ, quả an toàn. Hợp tác xã hoạt động theo mô hình người nông dân tự nguyện góp đất để tham gia cùng sản xuất và hợp tác xã thuê lại đất của người dân. Trên cánh đồng hơn 10ha của Hợp tác xã, việc sản xuất được tiến hành theo chuỗi khép kín, được giám sát đảm bảo chất lượng từ khâu sản xuất đến sơ chế, tiêu thụ theo tiêu chuẩn VietGAP, chính vì vậy, sản phẩm làm ra luôn được ổn định về giá cả, người nông dân không bị rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc bị thương lái ép giá.
 
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, hiện nay, trên toàn địa bàn Thành phố có 60 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trong đó, 27 chuỗi có nguồn gốc động vật và 33 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Chỉ tính riêng chuỗi liên kết trong chăn nuôi đã thu hút được 3 nghìn hộ tham gia, 100 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở giết mổ, chế biến... mỗi ngày các chuỗi này cung cấp cho thị trường 57 tấn thịt lợn, gần 10 tấn thịt bò và 14 tấn gia cầm các loại, cùng 300 nghìn quả trứng... Hiệu quả bước đầu của các mô hình chuỗi liên kết này rất rõ nét, không chỉ cung cấp cho thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, mà còn ổn định đầu ra cho người nông dân.
 
Nói về vai trò của chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) cho biết: Hội Nông dân xã Thanh Xuân từ 10 năm qua đã mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất rau hữu cơ theo chuỗi liên kết. Kết quả cho thấy, đây là phương pháp, hướng đi đúng đắn cho các hộ sản xuất nông nghiệp vừa và nhỏ. Hiện 37,5ha rau hữu cơ của Hội Nông dân xã Thanh Xuân chỉ đáp ứng được khoảng một phần tư đơn hàng. 
 
Tuy nhiên, theo bà Hậu, quá trình sản xuất, chăn nuôi khi bắt đầu vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất và bảo vệ thương hiệu, dẫn đến chuyện “làm giả ăn thật”, cạnh tranh không lành mạnh giữa các vùng nuôi trồng, khiến một số nông dân mất niềm tin vào sản xuất và bỏ cuộc. Bà Hậu đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ rõ ràng về vật chất và nguồn nhân lực, xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản an toàn, công nghệ cao.  
 
Cùng với phát triển chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu cũng là mối quan tâm của nhiều nông dân tham gia cuộc tiếp xúc với Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải vừa qua. Ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì và ông Đào Việt Dũng, Hợp tác xã Việt Doanh, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) cùng chung nhận định, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đã khó nhưng việc tiêu thụ sản phẩm sau khi đã có thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn. Ông Dũng cho biết thêm, giá các sản phẩm nông sản hữu cơ thường cao hơn từ 10 - 20% so với các sản phẩm thông thường, thêm vào đó là sự cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc, bởi vậy, vấn đề tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại một số địa phương còn khó khăn, đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ thương hiệu, cùng với đó là hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để giảm giá thành tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
 
Nâng cao chất lượng để xuất khẩu
 
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan: thị trường tiêu thụ ở Hà Nội còn rất lớn, trong khi sản xuất nông nghiệp của Thủ đô mới chỉ đáp ứng phần nhu cầu, ví dụ như gạo mới đáp ứng 65%, trứng gia cầm 66%, rau - củ - quả đáp ứng được 65%, trái cây 30%, thịt bò 15%... do vậy cứ có sản phẩm tốt là tiêu thụ được.
 
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của Thủ đô không nên chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, mà phải tiếp tục mở rộng sản xuất, hình thành các vùng sản xuất lớn, đủ điều kiện an toàn, quan tâm xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu tập thể gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ, bởi hiện nay mới có 30% sản phẩm nông sản có thể truy xuất nguồn gốc. Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT, Hội Nông dân thành phố xây dựng danh sách các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn để Sở Công thương kết nối, đưa vào hệ thống phân phối lớn, hiện đại.
 
Mới đây, phát biểu ý kiến kết luận tại buổi gặp gỡ, tiếp xúc với đại diện nông dân Thành phố, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chỉ rõ: Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô có nhiều mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả kinh tế cao, nhưng mới chỉ là những kết quả bước đầu; còn chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm mạnh; sản xuất nhìn chung còn nhỏ lẻ, manh mún; chưa đồng bộ với chế biến, tiêu thụ, dẫn đến nhiều sản phẩm “được mùa, mất giá”...

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Từng người dân cần thay đổi cách nghĩ, phải phấn đấu sản phẩm nông nghiệp Thủ đô trở thành một thương hiệu mạnh ở thị trường trong nước và có thể xuất khẩu được. Khi đã hướng đến mục tiêu xuất khẩu thì người dân cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến chế biến bằng hoặc cao hơn tiêu chuẩn thế giới. Cùng với đó, phải phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, muốn vậy cần cần chủ động liên kết đầu tư, nhất là với doanh nghiệp. Bí thư Thành ủy chỉ rõ, Thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, các cấp, các ngành cần chủ động rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả nhất đối với nông dân để những chính sách đã ban hành thực sự đi vào cuộc sống.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t